Theo một đoạn phim Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát vào cuối tháng 11, Bộ chỉ huy Quân khu miền Nam đã sử dụng thiết bị theo dõi nhịp tim cùng huyết áp với 18 đối tượng dự tuyển. Các ứng viên tham gia đợt sát hạch chính trị toàn diện để đánh giá lòng trung thành, bao gồm kiểm tra tâm lý, phỏng vấn trực tiếp, trả lời bảng câu hỏi.
Bộ chỉ huy khẳng định đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc sử dụng công nghệ phát hiện nói dối trong tuyển người. Một trung tá về hưu xác nhận mọi ứng viên nhập ngũ (kể cả lực lượng không tham gia chiến đấu) đều phải trải qua nhiều vòng kiểm tra về chính trị, nhưng xác định nói dối là chuyện hiếm.
Dù đặt nghi vấn về tính hiệu quả của biện pháp này, tuy nhiên cựu trung tá đánh giá đây là hành động cho thấy Bộ chỉ huy Quân khu miền Nam sẵn sàng áp dụng thêm nhiều cách thức mới để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội hùng mạnh mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra.
Theo nhà phân tích quân sự Hoàng Đông (Antony Wong Dong), vượt qua bài kiểm tra nói dối không có nghĩa quân nhân mãi mãi trung thành và trong sạch.
Giáo sư Tăng Chí Bình của Đại học Hạ Môn cũng cho rằng lòng trung thành nên được đánh giá thông qua quá trình công tác chứ không phải bằng bài kiểm tra tâm lý. “Cải cách quân đội quan trọng nhất là phải thiết lập được hệ thống đào tạo cũng như đề bạt công bằng, công khai, minh bạch”, giáo sư Tăng nhấn mạnh.
Tờ Giải phóng quân báo (PLA Daily) cho biết Trung Quốc tính đến nay đã tuyển được 20.000 quân nhân làm việc dân sự và dự kiến nhận thêm khoảng 9.300 người vào cuối năm 2018.
Trung Quốc trong năm 2017 hoàn thành mục tiêu cắt giảm khoảng 300.000 quân. Nhiều binh sĩ, cán bộ quân đội từ chối chuyển sang làm nhân viên dân sự vì quyền lợi của họ thấp hơn nhiều so với trước.