Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Chad Sbragia, phó thư ký Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Quốc tuyên bố cần chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Mỹ đối đầu quân sự với Trung Quốc bằng cách phát triển thêm vũ khí mới cũng như tăng cường quan hệ với các nước đồng minh và nâng cao năng lực của Lầu Năm Góc.
Cũng theo ông Sbragia, quân đội Trung Quốc đang trở thành một đối thủ ghê gớm với mục tiêu dài hạn và các nguồn lực mới. Điều này cho phép Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự trên toàn cầu, cũng như hiện đại hóa sức mạnh và trở thành thách thức lớn hơn đối với lợi ích của Mỹ.
"Thách thức đến từ cuộc xung đột với Trung Quốc và những nơi khác trên thế giới là rất ghê gớm. Đây là cả một quá trình dài. Chúng ta cần nhanh nhạy và khôn khéo", ông Sbragia phát biểu trước Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung hôm 20/2.
Ông Sbragia nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng lực lượng ra ngoài biên giới, Lầu Năm Góc cần "xây dựng và triển khai thêm các lực lượng mạnh mẽ hơn và tinh nhuệ hơn bao gồm phát triển thêm vũ khí siêu thanh , trí tuệ nhân tạo, robot và vũ khí laser".
Ông Sbragia nói rằng mối ưu tiên thứ hai mà Bộ Quốc phòng Mỹ cần quan tâm là thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh cũng như thu hút thêm đối tác mới.
Theo ông Sbragia, vừa chuẩn bị năng lực sẵn sàng chiến đấu với quân đội Trung Quốc vừa thắt chặt quan hệ với các đồng minh, Washington sẽ chiếm được ưu thế "đa chiều" mà Bắc Kinh khó lòng sánh được trên phương diện đối tác hiệp ước, quan hệ ngoại giao sâu rộng và thương mại mở cửa tự do.
Trên thực tế, trong khi Lầu Năm Góc hiện chú trọng tới khối liên minh được xây dựng ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương là một phần trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, các chính sách khác của chính quyền Tổng thống Donald Trump lại đang khiến không ít đồng minh lâu đời của Mỹ ở châu Á và châu Âu phẫn nộ như việc xóa bỏ hàng loạt thỏa thuận đa phương và tập trung vào chính sách "Nước Mỹ trước tiên".
Đáng nói, ông Sbragia đã từ chối trả lời câu hỏi rằng Lầu Năm Góc có ngạc nhiên hay không, khi mà trong tháng này, Manila ra thông báo xóa bỏ Hiệp ước Các lực lượng ghé thăm (VFA) giữa Mỹ - Philippines.
Theo ông Sbragia, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phá hoại mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và các nước là không có gì đáng ngạc nhiên.
"Đây là một cuộc cạnh tranh. Chúng ta cần cái nhìn sáng suốt. Những quốc gia đó cũng đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn", ông Sbragia chia sẻ.
Hiệp ước VFA được ký kết năm 1998 cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ hoạt động luân phiên tại Philippines để thực hiện cứu trợ cứu nạn và tiến hành tập trận chung. Hàng năm, quân đội Mỹ - Philippines tổ chức hàng chục đợt diễn tập chung.
Theo quy định trong VFA, việc rút khỏi hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày sau khi thông báo chấm dứt được gửi cho phía còn lại.
Cuối cùng theo ông Sbragia, để đối phó tốt hơn trước những tham vọng của quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cần nâng cao khả năng tác chiến và năng lực chiến lược của quân đội Mỹ, sử dụng ngân sách quốc phòng một cách hiệu quả hơn cũng như bảo vệ công nghệ của Mỹ.
Trong những tuần qua, giới quan sát nhận định Mỹ đã có những động thái mạnh mẽ trước cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bản quyền công nghệ như bắt giữ một giáo sư tại Đại học Harvard đồng thời mở cuộc điều tra tại các đại học danh tiếng vì nghi vấn nhận tài trợ từ Trung Quốc.
Ông Sbragia cũng nói do Trung Quốc có một kế hoạch quân sự đầy tham vọng như tăng cường thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài, tuyên bố sẵn sàng sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết, hay mở rộng đầu tư và tạo thêm các mối liên kết thương mại và quân sự, thì kịch bản Mỹ - Trung đối đầu quân sự trong tương lai hoàn toàn có thể xảy ra.
"Cạnh tranh với Trung Quốc không có nghĩa là phải đối đầu hay dẫn tới xung đột. Mỹ muốn duy trì mối quan hệ quốc phòng mang tính xây dựng, ổn định và hướng đến kết quả với Bắc Kinh", ông Sbragia cho hay.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Harbin của hải quân Trung Quốc tập trận. (Ảnh: AP)
Theo ông Sbragia, trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, quân đội Trung Quốc đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính quyền Bắc Kinh chiến đấu chống lại chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Và Lầu Năm Góc đang theo dõi sát sao hoạt động triển khai lực lượng của quân đội Trung Quốc, để từ đó hiểu rõ hơn về khả năng huy động nhân lực nhanh chóng và hiệu quả ở nước ngoài của quân đội Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc hiện có khoảng 2 triệu quân nhân trong biên chế chưa bao gồm lực lượng bán quân sự, cảnh sát vũ trang, hải cảnh và quân dự bị. Trong khi đó, biên chế quân đội Mỹ có 1,3 triệu người và 800.000 quân dự bị.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đạt con số 177 tỉ USD vào năm 2019. Vào năm 1999, ngân sách chi cho quân sự của Trung Quốc chỉ là 28 tỉ USD. Song theo các chuyên gia, con số chính xác về mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc vẫn là ẩn số.
Với khoản ngân sách khổng lồ, quân đội Trung Quốc sở hữu số lượng lớn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, chiến đấu cơ, các công nghệ mạng và vũ trụ nhằm cản đường quân đội Mỹ tiếp cận khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo ông Sbragia.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc hiện đứng thứ hai trên thế giới và chỉ sau Mỹ. Theo đó, ngân sách quân sự của Mỹ cho năm 2020 là 748 tỉ USD. Song chính quyền của Tổng thống Trump đang kêu gọi cắt giảm ngân sách quốc phòng năm 2021 xuống còn 740,5 tỉ USD.
Ông Sbragia kết luận, Trung Quốc đang tiếp tục thách thức vị trí của Lầu Năm Góc và Mỹ trên toàn thế giới.
"Nếu có chuẩn bị, bạn sẽ thắng. Nếu không, bạn sẽ thua cuộc", ông Sbragia nhấn mạnh.