Giải mật: Quân đội Mỹ đặt tên cho các chiến dịch quân sự như thế nào?

Bảo Lam |

Trong Quân đội Mỹ, ai là người quyết định đặt tên cho các chiến dịch quân sự? Có những quy định nào đó về việc này hay không? Câu trả lời là hết sức thú vị.

Những người tiên phong trong việc đặt tên

Đặt tên cho các chiến dịch quân sự - đó là công việc tương đối mới mẻ. Khi vào năm 1863, trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở Mỹ, quân đội Bắc Virginia dưới sự chỉ huy của tướng Lee đã tiến lên phía bắc (kết cục đã thất trận tại Gettisberg), không có bất cứ tên gọi nào được đặt cho cuộc tiến công này.

Cho đến tận Thế chiến thứ Nhất, các tướng lĩnh và chính trị gia không hề phải đau đầu về vấn đề đặt tên - các trận đánh được gọi tên theo địa danh, nơi mà chúng diễn ra, còn các cuộc chiến tranh - được đặt tên của người chiến thắng cho dễ.

Giải mật: Quân đội Mỹ đặt tên cho các chiến dịch quân sự như thế nào? - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ từng lựa chọn những cái tên hết sức "vớ vẩn".

Tiên phong là những người Đức. Trong hai năm cuối của Thế chiến thứ Nhất, Bộ Tổng tham mưu của Đế quốc Đức đã đi đến kết luận cho rằng, "tập hợp những hành động chiến lược và chiến thuật của các lực lưỡng vũ trang" nên được đặt tên như thế nào đó.

Ít nhất vì lý do bảo mật. Và điều này cũng rất thuận tiện: Nhiệm vụ mà được đặt tên giúp nó trở nên dễ ghi nhớ và không cần mất thời gian để liên tục lặp lại việc mô tả nó trên giấy tờ.

Đến đầu Thế chiến thứ Hai, gần như tất cả đều thừa nhận sự cần thiết này. Người Anh còn lập hẳn một danh sách những từ mã, mà có thể dùng để đặt tên cho hoạt động nào đó - với sự tính toán làm sao để những tên gọi không cho thấy được tính chất của các chiến sự, vị trí triển khai chúng. Sau này, người Mỹ cũng noi gương làm theo người Anh.

Hãy loại bỏ tên gọi "Vớ vẩn"

Vào đầu năm 1942, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã thông qua việc áp dụng "Chỉ mục các từ mã liên tịch" và giao Cục Kế hoạch quân sự (sau này được đổi tên thành Cục Tác chiến) trách nhiệm đặt tên cho các chiến dịch.

Mặc dù những từ mã - trong cả các lực lượng vũ trang Anh, lẫn Mỹ - được lựa chọn theo kiểu "mù mờ", những tên gọi chỉ được đặt sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng. Thủ tướng Anh Winston Churchill khi đó đã đóng vai trò quan trọng trong việc này. Ông từng rất thích quy trình đặt tên và tiếp cận vấn đề này với một tinh thần trách nhiệm đặc biệt.

"Vào thời điểm nào đó Thủ tướng Churchill mong muốn để toàn bộ tên gọi của các chiến dịch, bao gồm cả những chiến dịch nhỏ, phải được chính ông thông qua. Nhưng, khi nhận thấy khối lượng công việc đồ sộ, ông thoái lui và giữ lại cho mình quyền đặt tên những chiến dịch quan trọng hơn cả".

Giải mật: Quân đội Mỹ đặt tên cho các chiến dịch quân sự như thế nào? - Ảnh 3.

Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Trong cuốn hồi ký, Thủ tướng Anh đã viết:

"Các chiến dịch, mà trong đó có thể nhiều người phải bỏ mạng, không được mang tên gọi có ý nghĩa tự hào hoặc tự tin - lấy ví dụ như "Thắng trận" hoặc ngược lại, làm mất tinh thần, cũng như những từ không được phép hạ thấp lòng tự tôn - có người mẹ nào chịu đựng được việc con trai của mình hi sinh trong chiến dịch với tên gọi "Vớ vẩn" chẳng hạn.

Nên tránh những từ thông thường, được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, cũng như tên của những người đang sống".

Chính ông Churchill đã yêu cầu để chiến dịch đổ bộ lên Normandy được đặt tên là "Overlord" (Lãnh chúa hoặc Bá vương), để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này. Bên cạnh đó, chiến dịch của các lực lượng đặc biệt tại Bắc Ý được đặt tên khá trung lập "Tombola" (Xổ số).

Thực ra, tất cả những tên mã này chỉ được giải mật sau khi chiến tranh kết thúc và chủ yếu được các nhà nghiên cứu sử học quan tâm. Đa phần người dân không để ý tới việc những chiến dịch của quân đồng minh từng được đặt tên như thế nào.

Chiếm trọn những trái tim và khối óc

Ở Mỹ, ngay sau năm 1945, giới tướng lĩnh quân sự đã nghĩ về yếu tố quan trọng như sự đón nhận của xã hội. Ngay lập tức, đã hình thành một chiến lược mới: Các tên gọi chiến dịch theo mã từ giờ chỉ xuất hiện trong những tài liệu mật, còn lại người ta sẽ nghĩ ra một tên gọi nào đó khác cho công chúng.

Trong lúc xảy ra Chiến tranh Triều Tiên, Tướng Macarthur đã đưa ra một quyết định quan trọng: Ông cho phép giải mật tên gọi của các chiến dịch ngay sau khi chúng triển khai và cung cấp cho báo chí, chứ không đợi cho tới khi chiến tranh chấm dứt.

Vào đầu năm 1951, Tướng Ridgeway đã đặt tên cho cuộc phản công sắp diễn ra là "Chiến dịch Sát thủ" (Operation Killer). Ngay khi tên gọi này được công bố ở Mỹ, một cơn mưa chỉ trích đã đổ ập xuống các lực lượng vũ trang và chính quyền tổng thống Truman - hình ảnh Quân đội Mỹ chiến đấu tại Triều Tiên bị lu mờ.

Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, mọi sự kiện lớn nhỏ có ý nghĩa đều được đặt tên đặc biệt. Thực ra, cả tại đây cũng xảy ra không ít sự cố. Vào năm 1966, Sư đoàn cơ động không quân số 1 của Mỹ bắt đầu chiến dịch "Masher" (Máy cán) - dự kiến rằng các lực lượng của đối phương sẽ bị đè bẹp theo đúng nghĩa đen.

Các phương tiện truyền thông thích đùa với tên gọi này, và bắt đầu chế giễu nó ở khắp mọi nơi, khiến cho tổng thống Johnson nổi đoá, nên chiến dịch phải nhanh chóng đổi thành "Cánh trắng" (White Wing).

Chỉ đến gần lúc chiến tranh kết thúc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xây dựng bộ hướng dẫn đặt tên mã đúng cách. Vào năm 1975, đã triển khai hệ thống tự động hoá về cập nhật và thống nhất các thuật ngữ, mã số và tên gọi quy ước - NICKA (Code Word, Nickname & Exercise Term System). Nó tồn tại cho đến ngày nay.

Đến cuối thập niên 80, tên gọi của các chiến dịch mang tính chất ngẫu nhiên, kiểu như "Hẻm núi Eldorado" (Eldorado Canyon - cuộc không kích Libya hồi năm 1986) hoặc "Bọ ngựa" (Praying Mantis - những cuộc tấn công nhằm vào các giàn khoan dầu của Iran vào năm 1988).

Khi vào năm 1989, Các lực lượng vũ trang Mỹ bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Panama, NICKA đã đưa ra một tên gọi trung lập "Thìa xanh" (Blue Spoon).

Tên gọi không mang ý nghĩa này bị Tư lệnh Các chiến dịch đặc biệt, Tướng James Lindsey, phản đối - theo quan điểm của ông, tính trung lập kiểu này "sặc mùi" vớ vẩn. Ông đã chia sẻ những ý kiến của mình với sĩ quan kế hoạch của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng Tomas Kelly.

Tướng Kelly có bằng chuyên gia báo chí, và ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của câu từ được nói ra trong thế giới thông tin. Chính ông đã đề xuất tên gọi "Just Cause" - Chính nghĩa. Từ thời điểm đó, bắt đầu một giai đoạn mới của việc đặt tên cho các chiến dịch.

Giải mật: Quân đội Mỹ đặt tên cho các chiến dịch quân sự như thế nào? - Ảnh 5.

Tướng Collin Powell (ở giữa), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ trong thời gian diễn ra chiến dịch tại Panama

"Chiến dịch đã gây ra những cuộc biểu tình phẫn nộ trên thế giới và làn sóng chỉ trích mạnh mẽ bên trong nước Mỹ. Nhưng vì vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc đã kết thân với nhiều hãng thông tấn có tiếng, và bản thân giới truyền thông rất thích tên gọi này, nên tiếng nói của những người chỉ trích không mang lại hiệu quả.

Trong các lực lượng vũ trang, những người nhạy bén vội vàng đổi tên chiến dịch (theo kiểu chơi chữ) thành Just Because - "Đơn giản là vì". "Đơn giản là vì chúng tôi muốn đổ bộ". Ngắn gọn và dễ hiểu".

Sau Panama, người ta bắt đầu tiếp cận với tên gọi của các chiến dịch một cách đặc biệt kỹ lưỡng, khi tiếp thu kinh nghiệm của giới doanh nghiệp trong việc chuẩn bị tung một sản phẩm mới ra thị trường.

Từ đó, có hẳn một đơn vị trong Lầu Năm Góc thực hiện việc lựa chọn tên gọi cho các hành động quân sự - căn cứ vào khả năng đón nhận của công chúng, cộng đồng quốc tế và ý nghĩa văn hoá.

Chính vì thế, chiến dịch bảo vệ Saudi Arabia trước khả năng xâm lược của Iraq có tên gọi là "Lá chắn sa mạc" (Desert Shield), còn giải phóng Kuwait - "Bão táp sa mạc".

Điều tương tự cũng được thực hiện với các chiến dịch "Hồi sinh hi vọng" (Restore Hope, sứ mệnh tại Somali năm 1993), "Iraq tự do" (Iraqi Freedom, đưa quân tới Iraq năm 2003) và "Tự do bền vững" (Enduring Freedom, đưa quân tới Afganistan năm 2001).

Chiến dịch này suýt nữa được đặt tên là "Công lý vĩnh cửu", nhưng họ chợt nhớ ra sai lầm trong quá khứ.

Giải mật: Quân đội Mỹ đặt tên cho các chiến dịch quân sự như thế nào? - Ảnh 6.

Lính thuỷ đánh bộ Mỹ trong thời gian diễn ra chiến dịch "Tự do bền vững" ở Afganistan

Điều này có thể xúc phạm tới người Hồi giáo, bởi vì theo quan niệm của đạo Hồi, chỉ Thánh Allah mới có thể tạo nên công lý vĩnh cửu. Những kẻ không theo đạo Hồi đến khu vực của người Hồi giáo với tên gọi như thế là không thể bỏ qua được.

Ngày nay, việc lựa chọn tên gọi cho các chiến dịch do Mỹ triển khai dựa vào nhiều yếu tố. Tên gọi phải mang "sự công bình" nhất định - có nghĩa là phải nhấn mạnh rằng chiến dịch được triển khai không phải bởi những lực lượng "Hắc ám", mà tối thiểu phải là "Bạch đạo".

Tên gọi phải được các đơn vị quân đội, công chúng Mỹ và cộng đồng quốc tế đón nhận. Với đối tượng cuối cùng, tất nhiên, mọi thứ rất phức tạp - nhưng rất cần đạt được chính hiệu ứng đó.

Từ mã phải nhấn mạnh tính chất của các hành động quân sự ở mức độ nào đó - chiến dịch đưa vũ khí hoá học ra khỏi nước Đức vào năm 1990 mang tên gọi "Hộp thép" (Steel Box), điều ngụ ý về "sự kín đáo" nhất định và mang lại niềm tin.

Các chiến dịch không được đặt những tên gọi nhàm chán - trong giai đoạn 1989-1993 đã triển khai 6 chiến dịch được bắt đầu từ từ "provide". Đương nhiên, công chúng dễ bị nhầm lẫn. Nói một cách đơn giản, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cố tình "đánh đồng ngòi bút với mũi kiếm".

Theo một trong những hướng dẫn về phương pháp đặt mã tên lưu ý, "việc sử dụng hiệu quả các định nghĩa và những phương tiện truyền thông ngày nay không kém phần quan trọng như việc sử dụng hiệu quả đạn dược.

Chỉ mạnh thôi bây giờ là không đủ - cũng cần phải triển khai hoạt động thông tin liên lạc chính xác. Để giành thắng lợi cuộc chiến, ngày nay chính phủ cần giữ cho mình không chỉ chiến trường, mà cả ý kiến xã hội".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại