Quân đội Ấn Độ trao trả binh sĩ Trung Quốc sau 4 ngày bắt giữ

Minh Thu |

Ấn Độ đã trao trả binh sĩ Trung Quốc hoạt động ở vùng biên sau 4 ngày bắt giữ vào trưa 11/1, theo nguồn tin quân đội Trung Quốc.

Quan chức quân đội Trung - Ấn gặp mặt ở Chushul thuộc bang Ladakh. (Ảnh: PTI)

Quan chức quân đội Trung - Ấn gặp mặt ở Chushul thuộc bang Ladakh. (Ảnh: PTI)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các nguồn tin hôm 11/1 cho hay, Ấn Độ đã trao trả một binh sĩ Trung Quốc, người trước đó được cho đã đi lạc ở vùng biên giới Trung - Ấn vào sáng ngày 8/1 và bị quân đội Ấn Độ bắt giữ.

Theo tờ PLA Daily, binh sĩ Trung Quốc đã được trao trả cho lực lượng quân sự Trung Quốc hoạt động ở vùng biên vào trưa ngày 11/1.

Trước đó, lực lượng biên giới Trung Quốc xác nhận hôm 9/1 rằng do trời tối và địa hình phức tạp, một binh sĩ Trung Quốc đã không may đi lạc ở khu vực biên giới Trung - Ấn vào sáng sớm ngày 8/1. Sau đó, quân đội Trung Quốc đã hối thúc phía Ấn Độ thả người.

"Việc thả tự do cho binh sĩ Trung Quốc tuân theo cơ chế điều phối hoạt động ở vùng biên vốn được hai bên đồng thuận.

Ấn Độ đã thể hiện thiện chí hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới bằng hành động trao trả binh sĩ Trung Quốc sau 4 ngày", ông Qian Feng tại Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Tsinghua chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Cũng theo ông Qian, trước khi căng thẳng giữa hai nước bùng phát, thường chỉ sau 1 – 2 ngày phía Ấn Độ sẽ thả tự do cho các binh sĩ Trung Quốc không may đi lạc ở vùng biên. Nhưng vào thời điểm hiện tại, thời gian trao trả đã kéo dài hơn.

Ông Qian nhấn mạnh, điều này hoàn toàn có thể hiểu được bởi phía Ấn Độ cần thực hiện tất cả những quy trình cần thiết nhằm xác định danh tính của binh sĩ Trung Quốc, cũng như thông qua một loạt thủ tục chính thức giữa hai bên.

Ngay sau khi phát hiện binh sĩ bị đi lạc,Trung Quốc đã thông báo cho Ấn Độ về sự việc và nhờ quân đội Ấn Độ hỗ trợ tìm kiếm. Chỉ sau 2 giờ tìm kiếm, binh sĩ Trung Quốc đã được tìm thấy.

Quân đội Ấn Độ trao trả binh sĩ Trung Quốc sau 4 ngày bắt giữ - Ảnh 2.

Quan chức quân đội Trung - Ấn gặp mặt ở Chushul thuộc bang Ladakh. (Ảnh: PTI)

Trước đây, các binh sĩ Trung - Ấn cũng đã vài lần đi lạc và vượt biên sang vùng đất của nhau. Nguyên nhân là do Trung - Ấn có chung đường biên giới dài và nhiều nơi không có bóng người sinh sống. Do đó, nếu không hiểu rõ địa hình, binh sĩ hai nước có thể bị đi lạc.

Lần gần nhất là vào ngày 18/10/2020, một binh sĩ Trung Quốc đã bị lạc đường khi giúp nông dân đi tìm con bò Tây Tạng của người này tại khu vực dọc đường biên giới Trung - Ấn.

Trung Quốc đã ngay lập tức thông báo cho phía Ấn Độ để nhờ tìm kiếm quân nhân mất tích, đồng thời yêu cầu trao trả binh sĩ cho quân đội Trung Quốc. Và 3 ngày sau, Ấn Độ đã thả binh sĩ Trung Quốc sau đợt kiểm tra y tế.

Năm 2020 chứng kiến mối quan hệ giữa Trung - Ấn trở nên vô cùng căng thẳng, kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng Sáu với binh sĩ Trung Quốc khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Ngoài ra, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại Đường Kiểm soát thực (LAC), biên giới không chính thức của hai nước trên dãy Himalaya.

Hai bên cũng liên tiếp điều động hàng ngàn binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng tới gần biên giới tranh chấp bất chấp nhiệt độ ở đây xuống dưới 0 độ C vào mùa đông. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về khả năng xuất hiện xung đột lớn giữa quân đội Trung - Ấn bất cứ khi nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại