Theo Science Alert, hóa thạch loài mới, được đặt tên là Tomlinsonus dimitrii, đã lộ diện ở khu vực gần bờ phía Đông hồ Simcoe ở miền Nam Ontario - Canada, một "mỏ hóa thạch" nổi tiếng thế giới.
Quái vật này khá bé nhỏ - chiều dài thân chỉ 6 cm - nhưng có hình dáng vô cùng kỳ dị: Không có mắt, sở hữu một tấm khiên trên đầu có họa tiết như được trang trí công phu, 2 sừng cong được bao phủ bởi gai mềm như lông vũ, cơ thể phân đoạn giống các động vật chân đốt hiện đại như côn trùng và nhện.
Hóa thạch hoàn hảo đến vô lý của quái vật kỷ Ordovic. Ảnh: ROM
Trong các cặp chi của nó cũng có một cặp khác thường, cực dài, gắn vào bên dưới phần đầu, cuối chi là hai "bàn chân".
Quái vật thuộc về thuộc về một nhóm động vật chân đốt đã tuyệt chủng sống cách đây khoảng 450 triệu năm, tức thuộc kỷ Ordovic - nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Joseph Moysiuk từ Bảo tàng Hoàng gia Ontario (ROM - Canada) cho biết.
Nhưng điều gây sốc nhất về quái vật nhỏ này không phải hình thù kỳ quái, mà là cách nó đã xuất hiện nguyên vẹn trong hóa thạch, như mới "xuyên không" từ 450 trước về thế giới hiện đại. Bởi nó là động vật thân mềm.
Sinh vật được tái hiện bằng kỹ thuật số. Ảnh: ROM
Thông thường chỉ những vật liệu cứng mới có thể hóa thạch, ví dụ xương khủng long, vỏ trứng. Việc các mô mềm được bảo quản là cực kỳ hiếm trên thế giới, bảo quản nguyên vẹn hoàn toàn như trường hợp này là gần như không thể tin nổi.
Các nhà nghiên cứu tin rằng trường hợp đặc biệt này chỉ có thể xảy ra khi một sự kiện bất thường, thảm khốc nào đó đã nhanh chóng "đóng băng" sinh vật, rất có thể là một cơn lũ bùn ập xuống bất ngờ, sau đó những dòng bùn đặc sệt liên tục bồi thêm. Đây chính là cách những hài cốt hóa đá gây chấn động ở Pompeii được tạo thành - những người bị bao phủ bởi tro bụi núi lửa trong tích tắc.
Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Paleontogy.