"Việt Nam có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân"
Cách đây hơn một tháng, vào ngày 30/11/2024, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ nước ta đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Đây là chủ trương lớn, hết sức đúng, trúng, phù hợp với tình hình hiện nay. Hiện nay, thủy điện hết dư địa, điện than gây phát thải lớn, các nguồn điện khác như điện gió, mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ khoa học, kỹ thuật như: Công nghệ lưu trữ năng lượng điện, truyền tải điện bằng hệ thống lưới điện thông minh...
Cùng với đó, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện sạch, điện nền do có khả năng đạt đỉnh công suất thiết kế nhanh, rất phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050" - Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT) trích lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”, được tổ chức ngày 2/1/2025.
Như vậy, sau gần 1 thập kỷ tạm dừng, điện hạt nhân có cơ hội quay trở lại. Điều này rất phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trên thế giới, chung tay chống lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu [vì điện hạt nhân vốn là nguồn năng lượng sạch, ít phát thải carbon].
Nói về tiềm năng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam chúng ta có điều kiện phát triển nguồn điện này. 15 năm trước qua khảo sát xác định, có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp.
Trong hành trình phát triển lĩnh vực điện hạt nhân, kinh nghiệm của các cường quốc thế giới cho thấy để một lò phản ứng hạt nhân kết nối với lưới điện quốc gia mất rất nhiều thời gian, công sức, công nghệ.
Chỉ riêng vấn đề xây dựng lò hạt nhân, theo phân tích của Statista Research Department, trung bình thời gian xây dựng lò phản ứng hạt nhân toàn cầu giai đoạn 1981-2023 là 121 tháng, nghĩa là gần 11 năm.
Chưa kể, lò phản ứng đó cần phải được áp dụng loạt công nghệ tiên tiến để đảm bảo quá trình vận hành được an toàn. Theo phân tích của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), để thế giới đạt được mục tiêu Net Zero năm 2050, các chính phủ cần tăng cường hợp tác với nhau trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân - đây là một trong những cách giúp các quốc gia giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong hồ sơ "Điện hạt nhân ở Việt Nam" của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), một trong những sự hợp tác quốc tế mới nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đến từ Nga.
Cụ thể, vào tháng 6/2024, một biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) và Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân.
Tạp chí Nature năm 2023 có một bài phân tích rất sâu về vai trò của "gã khổng lồ hạt nhân" ROSATOM của Nga trong bối cảnh nỗi sợ "khan hiếm" đã trở thành trọng tâm của tư duy an ninh năng lượng toàn cầu.
Sự trỗi dậy của ROSATOM
ROSATOM là người thừa kế trực tiếp của Bộ Năng lượng Nguyên tử Liên Xô, được thành lập sau thảm họa hạt nhân Chernobyl. năm 2007, ROSATOM được tổ chức lại thành một tập đoàn nhà nước, thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước Nga và tổng thống Liên bang Nga quyết định các mục tiêu của công ty.
ROSATOM cung cấp nhiều dịch vụ trong chuỗi sản xuất hạt nhân: Từ thăm dò và khai thác uranium, chuyển đổi và làm giàu uranium, chế tạo nhiên liệu hạt nhân, kỹ thuật cơ khí, thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, phát điện, ngừng hoạt động cơ sở hạt nhân và quản lý nhiên liệu hạt nhân và chất thải phóng xạ.
Kể từ khi thành lập, ROSATOM ngày càng hoạt động tích cực trên thị trường điện hạt nhân quốc tế và đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu các dịch vụ chính liên quan đến năng lượng hạt nhân. Tổng doanh thu của ROSATOM năm 2023 là hơn 2,6 nghìn tỷ rúp (hơn 23,7 tỷ USD), Tổng giám đốc điều hành ROSATOM Alexei Likhachev cho biết.
Ngày nay, Nga đang dẫn đầu trong việc xây dựng hạt nhân mới ở nước ngoài. Danh mục các đơn đặt hàng nước ngoài của Nga, bao gồm xây dựng lò phản ứng, cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ khác, trải dài trên 54 quốc gia và được ROSATOM tuyên bố là có giá trị hơn 139 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 10 năm.
Kể từ năm 2023, ROSATOM tự hào có tới 73 dự án khác nhau tại 29 quốc gia khắp thế giới. Các dự án ở các giai đoạn phát triển rất khác nhau, từ các nhà máy điện đang hoạt động; thông qua việc xây dựng các lò phản ứng đang diễn ra, đã ký hợp đồng, đã đặt hàng hoặc đã lên kế hoạch; cho đến việc tham gia đấu thầu, mời hợp tác hoặc các đề xuất được công bố chính thức. Trên hết, ROSATOM có các thỏa thuận song phương hoặc biên bản ghi nhớ (MoU) với 13 quốc gia về dịch vụ hoặc phát triển chung chung về năng lượng hạt nhân.
Trở về các giai đoạn trước, với việc xây dựng tới 10 tổ máy lò phản ứng đã bắt đầu từ năm 2007-2018, ROSATOM đã chiếm một nửa số tổ máy được xây dựng trên toàn thế giới giai đoạn này. Thông qua công ty con TVEL, ROSATOM cũng cung cấp nguồn nhiên liệu, kiểm soát 38% công suất chuyển đổi uranium và 46% công suất làm giàu uranium của thế giới.
Trong giai đoạn từ 2000-2015, Nga là nhà cung cấp trong khoảng một nửa số thỏa thuận quốc tế về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cung cấp lò phản ứng và nhiên liệu. Các đối thủ cạnh tranh chính về điện hạt nhân của nước này—Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cộng lại chỉ chiếm 40%.
Ưu điểm chính của ROSATOM nằm ở khả năng trở thành "trung tâm hạt nhân một điểm đến" đáp ứng đủ cho mọi nhu cầu, là nhà cung cấp hạt nhân duy nhất "thầu trọn gói". Điều này có được nhờ bí quyết sở hữu công nghệ, khả năng xây dựng lò phản ứng an toàn; cùng nền tảng kiến thức chuyên sâu có thể đào tạo về lĩnh vực hạt nhân từ A đến Z.
Nhờ công nghệ tiên tiến cộng với hàng loạt bí quyết mới nhất do các nhà khoa học và nhà thiết kế Nga phát triển liên quan đến năng lượng hạt nhân; hơn hết là hệ thống an toàn tối tân cùng với sự tuân thủ các yêu cầu của IAEA, ROSATOM trở thành "đế chế hạt nhân" giúp Nga có được lợi thế cạnh tranh vững chắc trên thị trường quốc tế.
Tham khảo: Bộ Công Thương, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Tạp chí Nature, ROSATOM