Việt Nam vừa "hồi sinh" lĩnh vực trị giá hơn 227 tỷ USD: Thế giới đang phát triển như vũ bão

Trang Ly |

Thị trường ngành này tăng trưởng bùng nổ trong năm 2024 trên quy mô toàn cầu, đạt 227,54 tỷ USD.

Điện hạt nhân Việt Nam: Thức dậy sau gần 1 thập kỷ ngủ yên

Có thể nói, năm 2025 đánh dấu những thay đổi lớn của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân nhờ vào Nghị quyết mới nhất của Quốc hội. Ngày 30/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc Việt Nam quay lại phát triển điện hạt nhân sau 8 năm tạm dừng kể từ năm 2016.

Việc nước ta quay lại phát triển điện hạt nhân vừa để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của quốc gia; vừa là để giảm phát thải khí nhà kính, góp phần đưa đất nước đạt được mục tiêu Net Zero năm 2050.

Năm 2025, Việt Nam sẵn sàng đặt 1 chân vào thị trường điện hạt nhân trăm tỷ đô: Thế giới đang phát triển như vũ bão - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Zoonar.com/www.artushfoto.eu/picture alliance

Báo Cáo Viên - Trang tin của Ban Tuyên giáo Trung ương trích lời Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh việc Việt Nam quay trở lại phát triển điện hạt nhân là một cơ hội tốt cho ngành hạt nhân, đồng thời cũng là một thách thức rất lớn cho ngành năng lượng nguyên tử.

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã xác định những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2025, như: Xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn, tập trung xây dựng tiềm lực khoa học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu với chất lượng tốt; 

Xây dựng một số nhóm nghiên cứu xuất sắc, trong đó có các nhóm tập trung vào công nghệ điện hạt nhân, vật lý hạt nhân, thủy nhiệt và phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân đối với một số công nghệ điện hạt nhân được lựa chọn để sẵn sàng cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, Báo Cáo Viên thông tin ngày 1/1/2025.

Dù đứng trước nhiều thách thức, Việt Nam quyết tâm quay lại phát triển điện hạt nhân sau gần 1 thập kỷ. 

Nếu nhìn rộng ra trên thế giới, điện hạt nhân là một lĩnh vực không mới, tuy nhiên đứng trước cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu thì một nguồn năng lượng (tuy không tái tạo) sạch và ít carbon đang trở thành "cứu tinh".

Thế giới bùng nổ phát triển điện hạt nhân

"Mọi nơi trên thế giới đều tham gia vào phát triển năng lượng hạt nhân" - Đây là nhận định của World Nuclear trong một báo cáo đầu tháng 12/2024. Kết quả, năm 2023, các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu cung cấp 2602 TWh điện, tăng so với mức 2545 TWh năm 2022.

Trong "Báo cáo phân tích thị trường điện hạt nhân năm 2024", The Business Research Company cho biết, quy mô thị trường điện hạt nhân đã tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây - Tăng từ 215,19 tỷ USD vào năm 2023 lên 227,54 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,7%.

Có đến 14 quốc gia vào năm 2023 đã sản xuất ít nhất một phần tư lượng điện của họ từ năng lượng hạt nhân. Pháp nhận được khoảng 70% lượng điện từ năng lượng hạt nhân, trong khi Ukraine, Slovakia và Hungary nhận được khoảng một nửa từ hạt nhân. Nhật Bản đã quen với việc dựa vào năng lượng hạt nhân cho hơn một phần tư lượng điện của mình.

Việt Nam vừa "hồi sinh" lĩnh vực trị giá hơn 227 tỷ USD: Thế giới đang phát triển như vũ bão - Ảnh 1.

Sản lượng điện hạt nhân theo quốc gia năm 2023. Nguồn: Hiệp hội hạt nhân thế giới, IAEA PRIS

Theo World Nuclear, bên cạnh những cái tên quen thuộc phát triển điện hạt nhân, thế giới đón nhận những quốc gia phát triển năng lượng hạt nhân mới nổi như Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nước này đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ. 

Một số quốc gia khác bày tỏ quan tâm lớn, đồng thời đang chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện, trong đó có khoảng 30 quốc gia khắp thế giới đang xem xét, lập kế hoạch hoặc bắt đầu các chương trình điện hạt nhân (trong đó có Việt Nam), và khoảng 20 quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm tại một số thời điểm trong lĩnh vực này.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, năng lượng hạt nhân đang được khai thác trên toàn thế giới để sản xuất điện, thường thông qua phản ứng phân hạch. Thực tế, các lò phản ứng hạt nhân tạo ra gần một phần ba lượng điện không carbon của thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Điện hạt nhân ít carbon, vì không giống như các nhà máy điện than, dầu hoặc khí đốt, các nhà máy điện hạt nhân thực tế không tạo ra CO2 trong quá trình hoạt động. Điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh trong quá khứ đang làm chậm tiến độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân toàn cầu.

Năng lượng hạt nhân đã đi một chặng đường dài kể từ các sự cố tàn khốc tại Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011. Những sự kiện bi thảm này là lời cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp, phơi bày những sai sót trong thiết kế, lỗi của con người và các giao thức an toàn.

Ngay cả với những bước tiến đáng kể về an toàn, năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của sự gieo rắc nỗi sợ hãi và thông tin sai lệch. 

Thực tế là các nhà máy điện hạt nhân hiện đại được trang bị nhiều lớp biện pháp an toàn vượt xa những gì trước đây có thể tưởng tượng được. Thiết kế lò phản ứng được cải tiến, hệ thống làm mát thụ động thông minh và khuôn khổ quản lý chặt chẽ giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn. Chưa kể, khi so sánh với các nguồn năng lượng khác như than hoặc dầu, điện hạt nhân tự hào có thành tích an toàn ấn tượng.

Theo Báo cáo Khoảng cách Phát thải của Liên Hợp Quốc, lượng khí thải toàn cầu dự kiến phải giảm 42% vào năm 2030 để có cơ hội hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 1,5 độ C và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Những yêu cầu cấp thiết về giảm phát thải khí nhà kính buộc các chính phủ đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, trong đó con đường đi đến năng lượng hạt nhân nên bắt đầu bằng sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ.

Cùng nhau hành động, nhân loại mới có thể cùng nhau chống lại cuộc chiến mang tên biến đổi khí hậu.

Cốt lõi của năng lượng hạt nhân là quá trình phân hạch hạt nhân, sự phân tách đáng kinh ngạc của các hạt nhân nguyên tử giải phóng một lượng năng lượng phi thường. Nó được cung cấp nhiên liệu chủ yếu bởi uranium-235 và plutonium-239, các nguyên tố có mật độ năng lượng cực lớn.

Khi các hạt nhân này phân tách, chúng giải phóng một lượng nhiệt đáng kinh ngạc, sau đó được khai thác để tạo ra hơi nước. Đến lượt mình, hơi nước này cung cấp năng lượng cho các tua-bin dẫn động máy phát điện, biến đổi năng lượng được giải phóng thành điện.

Tham khảo: Báo Cáo Viên, IAEA, World Nuclear, Thebusinessresearchcompany

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại