Điểm mặt loạt cơ sở xả khí thải phải nộp phí mới từ 5/1/2025: Mức phí bao nhiêu?

Trang Ly |

Năm 2025, một loạt cơ sở xả khí thải sẽ phải nộp phí môi trường. Cụ thể ra sao?

Cứ 2 năm một lần, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cùng với các nhà nghiên cứu tại Mỹ sẽ công bố báo cáo thường niên có tên Chỉ số Hiệu suất Môi trường (EPI). Sử dụng 58 chỉ số hiệu suất trên 11 danh mục vấn đề, EPI xếp hạng 180 quốc gia về hiệu suất biến đổi khí hậu, sức khỏe môi trường và sức sống của hệ sinh thái.

Theo Tạp chí Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2024, Việt Nam xếp hạng 180/180 quốc gia về EPI, giảm từ vị trí 141 chỉ trong năm 2020. 

"Xếp hạng thấp của Việt Nam đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh. Nó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các phản ứng toàn diện để giải quyết những thách thức liên quan đến môi trường. Việc cân bằng tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường là điều cần thiết cho sự thịnh vượng lâu dài của Việt Nam" - Bản tin Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKINews) nhận định.

Điểm mặt loạt cơ sở xả khí thải phải nộp phí mới từ 5/1/2025: Mức phí bao nhiêu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Airqoon

Theo số liệu báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Xây dựng, Việt Nam có 907 đô thị. Đây là kết quả tất yếu từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tại nước ta. Tuy nhiên, sự tăng trưởng các ngành kinh tế ở khu vực đô thị cũng như quá trình sử dụng và tiêu thụ năng lượng đang gây nên tình trạng ô nhiễm nặng nề hơn đối với môi trường đô thị. Xu hướng này đang gia tăng đáng lo ngại.

Riêng về ô nhiễm không khí, tình hình hiện nay ở Hà Nội và một số thành phố phía Bắc, các khu công nghiệp, làng nghề đã đạt đến mức độ nguy hiểm chưa từng có, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều ngày ở mức báo động từ 151-200. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế.

Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường ở các đô thị lớn của Việt Nam nói riêng hiện đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hiện nay. 

Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Mới đây, vào ngày 21/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2024/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/01/2025.

Bộ Công thương cho biết, Nghị định quy định đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (cơ sở xả khí thải).

Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là các cơ sở xả khí thải.

Việc thu phí môi trường này nhằm khuyến khích các cơ sơ xả khí thải đầu tư công nghệ để hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Phương pháp tính phí:

Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.

Trong đó: F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm); f là phí cố định (quý hoặc năm) quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này; C là phí biến đổi, tính theo quý.

Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải (C) là tổng số phí biến đổi tại mỗi dòng khí thải (Ci) được xác định theo công thức sau: C = ΣCi.

Phí biến đổi mỗi dòng khí thải (Ci) bằng tổng số phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải (i) và được xác định theo công thức sau: Ci= Ci(Bụi) + Ci (SOx) + Ci (NOx) + Ci (CO)

Mức thu phí:

- Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, Nghị định quy định, mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4.

Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (5/1/2025) hoặc cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày 5/1/2025: Số phí phải nộp = (f/12) x thời gian tính phí (tháng).

Trong đó, thời gian tính phí là thời gian kể từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải đang hoạt động) hoặc tháng bắt đầu đi vào hoạt động (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) đến hết quý hoặc hết năm.

- Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải: Mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm.

Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4; Mức thu phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải như sau: Bụi và NOx (gồm N02 và NO) là 800 đồng/tấn; SOx là 700 đồng/tấn; CO là 500 đồng/tấn.

Những cơ sở nào sẽ phải đóng phí?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 153/2024/NĐ-CP, các cơ sở xả khí thải bắt buộc phải chịu thuế bảo vệ môi trường từ năm 2025 là 8 cơ sở xả khí thải, cụ thể bao gồm:

(1) Cơ sở sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu);

Điểm mặt loạt cơ sở xả khí thải phải nộp phí mới từ 5/1/2025: Mức phí bao nhiêu? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Luiz Ribeiro/Freepik

(2) Cơ sở sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết);

(3) Cơ sở lọc, hoá dầu;

(4) Cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

(5) Cơ sở sản xuất than cốc, sản xuất khí than;

(6) Nhà máy nhiệt điện;

(7) Cơ sở sản xuất xi măng;

(8) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp không thuộc các cơ sở được nêu trên.

Điểm mặt loạt cơ sở xả khí thải phải nộp phí mới từ 5/1/2025: Mức phí bao nhiêu? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: InsightM

Vậy các cơ sở xả khí thải này nộp phí cho cơ quan nào? Căn cứ Điều 4 Nghị định 153/2024/NĐ-CP, 2 cơ quan có thẩm quyền thu phí bảo vệ môi trường khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý theo Nghị định 153/2024/NĐ-CP là:

(1) Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

(2) Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Việc Chính phủ nước ta ban hành Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là cần thiết mà nhiều quốc gia khác đã thực hiện nhằm khuyến khích các cơ sở xả thải đầu tư công nghệ giảm ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm khí thải nói chung.

Tại Trung Quốc, đối tượng nộp thuế là các đơn vị DN sự nghiệp và các tổ chức sản xuất khác trực tiếp xả chất gây ô nhiễm vào môi trường lãnh thổ Trung Quốc. Thuế khí thải áp dụng đối với SO2, NOx, CO, bụi thường, bụi thủy tinh, bụi khói… 

Singapore thì bắt đầu thực thi việc đánh thuế carbon vào năm 2019 áp dụng cho tất cả các cơ sở thải ra 25.000 tấn khí nhà kính trở lên hàng năm, bao gồm các nhà máy lọc dầu, điện. Mức thuế hiện tại là 5 SGD/tấn, sẽ được nâng lên 25 SGD/tấn vào năm 2024 và 45 SGD vào năm 2026, dự kiến đến 2030 là 50-80 SGD/tấn, theo số liệu từ Tạp chí điện tử Thuế nhà nước.

Tại Mỹ, Quốc hội Mỹ chỉ đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thu Phí phát thải chất thải (WEC) đối với khí thải mê-tan từ một số cơ sở dầu khí. WEC áp dụng cho các cơ sở dầu khí và khí đốt tự nhiên thải ra hơn 25.000 tấn CO2 tương đương mỗi năm. WEC bắt đầu ở mức 900 đô la cho mỗi tấn khí mê-tan được báo cáo năm 2024, tăng lên 1.200 đô la cho mỗi tấn khí thải năm 2025 và 1.500 đô la cho mỗi tấn khí thải từ năm 2026 trở đi, EPA thông tin.

Tham khảo: Chinhphu.vn, Climate Change, EPI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại