"Quả bom nổi" chở hơn 2.700 tấn hóa chất gây nổ ở Liban đã đi đâu mất?

Vương Nam |

Khi Vladimir Prokoshev cựu thuyền trưởng của tàu MV Rhosus đang nghỉ dưỡng ở một ngôi làng hẻo lánh tại Nga thức dậy và nhận được tin lô ammonium nitrate mình từng chở đã làm nổ tung cảng Beirut, Liban, ông vô cùng kinh ngạc.

“Tôi chẳng hiểu gì cả, ban đầu tôi còn tưởng họ gửi thư thông báo về việc trả nốt tiền lương cho tôi khi còn làm trên tàu MV Rhosus”, ông Vladimir Prokoshev kể lại.

Hơn 2.700 tấn ammonium nitrate mà tàu MV Rhosus do ông Vladimir Prokoshev chỉ huy cách đây 6 năm đã gây ra vụ nổ kinh hoàng, tàn phá phân nửa thủ đô Beirut của Liban, khiến 149 người chết và hơn 5.000 người bị thương.

Tuy nhiên, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: Hàng đã nổ hết rồi vậy con tàu MV Rhosus – “quả bom nổi” mang hóa chất tới Liban – giờ ở đâu?

Xuất phát từ Gruzia, theo đúng hải trình, tàu MV Rhosus sẽ chở 2.750 tấn ammonium nitrate sang Mozambique.

Tuy nhiên, khi dừng lại ở Hy Lạp để tiếp nhiên liệu, chủ tàu đột nhiên nói hết tiền và yêu cầu tàu MV Rhosus chở thêm hàng khi tới Liban để kiếm thêm. Tàu MV Rhosus gặp rắc rối về thanh toán chi phí ở cảng Beirut và mắc kẹt từ đó.

Igor Grechushkin – một doanh nhân người Nga hiện đang cư trú tại đảo Síp – đã mua lại con tàu từ một người Síp tên Charalambos Manoli.

Theo yêu cầu từ Interpol, ông Igor Grechushkin hiện đang bị cảnh sát Síp tạm giữ và đưa đi thẩm vấn.

Theo thông tin mới nhất từ thuyền trưởng Vladimir Prokoshev, ông được trả 1 triệu USD để vận chuyển hơn 2.700 tấn chất hóa học sang Mozambique – thứ mà ông gọi là “quả bom nổi”.

Quả bom nổi chở hơn 2.700 tấn hóa chất gây nổ ở Liban đã đi đâu mất? - Ảnh 1.

Vladimir Prokoshev – thuyền trưởng trên tàu MV Rhosus (ảnh: AP)

Khi tới Beirut, tàu MV Rhosus được yêu cầu chất thêm hàng là các máy móc để có thêm tiền trang trải. Nhưng số hàng chất thêm thực sự quá nặng và ông Vladimir Prokoshev từ chối chở vì lý do an toàn.

MV Rhosus sau đó bị chính quyền Liban phạt tiền, không cho rời cảng Beirut vì nợ cảng phí.

“Con tàu vẫn ở đó trong khi chúng tôi trở về Nga, Ukraine. Nó luôn ở đó cho tới khi số ammonium nitrate phát nổ”, ông Vladimir Prokoshev nói.

“Nhưng con tàu cũng có thể đã chìm vài năm sau khi chúng tôi rời đi. Có một lỗ hổng trên thân tàu. Lúc còn sống trên tàu, chúng tôi thường xuyên phải bơm nước ra để giúp nó nổi”, ông Vladimir Prokoshev nói thêm.

Tuy nhiên, truyền thông Liban cho biết, tàu MV Rhosus chưa chìm và nó đã tan thành tro bụi trong vụ nổ khủng khiếp hôm 4.8. Con tàu ở cảng suốt 6 năm mà không bị đưa đi phá dỡ hay được mua lại.

“Thật tồi tệ khi có nhiều người thiệt mạng như vậy. Tôi cho rằng chính quyền Liban đã gây ra thảm kịch này. Họ giữ số hóa chất nguy hiểm suốt nhiều năm mà chẳng làm gì với nó”, ông Vladimir Prokoshev nhận xét.

Trong khi Beirut còn đang gồng mình khắc phục hậu quả vụ nổ, nhiều người dân đã tổ chức biểu tình phản đối chính phủ. Cảnh sát Beirut buộc phải giải tán đám đông bằng hơi cay.

Quả bom nổi chở hơn 2.700 tấn hóa chất gây nổ ở Liban đã đi đâu mất? - Ảnh 2.

Một người dân ở Beirut bị thương chán nản nhìn cơ ngơi của mình ra tro sau vụ nổ (ảnh: Reuters)

“Bạn muốn hỏi tôi điều gì? Cả khu phố và cửa hàng của gia đình tôi đã bốc hơi. Tôi không muốn xây dựng lại đất nước này. Các quan chức hãy tự đi mà làm, nếu họ muốn”, một người dân ở Beirut nói.

Đại sứ Liban tại Jordan đã tuyên bố tự từ chức hôm 6.8, tuyên bố rằng Liban phải thay đổi toàn bộ lãnh đạo.

“Tôi tuyên bố tự từ chức để phản đối sự cẩu thả, bất lương và dối trá của chính quyền”, Tracy Chamoun, đại sứ Liban, nói.

Trước đó, Marwan Hamadeh – nghị sĩ có tiếng ở Liban – cũng tuyên bố rút khỏi chính trường nhằm phản đối chính phủ.

16 nhân viên làm việc tại cảng Beirut đã bị cảnh sát bắt giữ vì có liên quan đến vụ nổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại