Quân đội Hàn Quốc, “con bò sữa” của CNQP Hoa Kỳ: Càng quen càng lèn cho đau?

Hoài Giang |

Cho tới khi Hàn Quốc thoát khỏi "cái ô hạt nhân" của Mỹ, quốc gia này mới thoát khỏi cảnh là "con bò sữa" của ngành CNQP cũng như Quân đội Hoa Kỳ.

Hàn Quốc là đối tác đứng thứ 4 về giá trị nhập khẩu vũ khí Mỹ?

Ngày 16/12 tờ Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn dữ liệu của chính phủ nước này cho biết quân đội nước này là đối tác vũ khí lớn thứ tư trên phạm vi toàn cầu của Mỹ trong 10 năm qua.

Kể từ năm 2009 đến 2018, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ trị giá 93,1 tỷ USD và trong đó có tới 6,28 tỷ USD vũ khí được cung cấp cho Hàn Quốc. Arab Saudi là khách hàng số 1 khi mua 13,47 tỷ USD vũ khí của Mỹ, tiếp theo là Australia với 7,76 tỷ USD và UAE với 6,92 tỷ USD.

Mặc dù GDP của Nhật Bản được cho là cao hơn Hàn Quốc trong giai đoạn nói trên, nhưng quốc gia Bắc Á này đứng thứ 8 trong số các nhà nhập khẩu vũ khí Mỹ với 3,64 tỷ USD.

Trong số các đơn hàng vũ khí xuất khẩu chủ yếu của Mỹ thập kỷ qua, máy bay chiếm tỉ lệ 56,1%, sau đó là tên lửa với 16,5% và xe bọc thép với 11,8%.

Hàn Quốc không nêu chi tiết về loại vũ khí đã mua từ Mỹ, tuy nhiên các đơn hàng vũ khí chính mà Hàn Quốc đã mua bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35A, máy bay trinh sát không người lái RQ-4A Global Hawk và một số lượng lớn tên lửa.

Quân đội Hàn Quốc, “con bò sữa” của CNQP Hoa Kỳ: Càng quen càng lèn cho đau? - Ảnh 1.

Một phi công Hàn Quốc ngáp ngủ bên cạnh máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

"Càng quen càng lèn cho đau"?

Trong thời gian 10 năm vừa qua, Mỹ cũng đã nhập khẩu số lượng vũ khí trị giá 7,67 tỷ USD, chủ yếu từ các nước Đức, Anh, Canada và Pháp.

Mặc dù Hàn Quốc cũng là một nhà xuất khẩu vũ khí, quốc gia này không nằm trong top 20 những nước xuất khẩu vũ khí cho Mỹ.

Nói cách khác, mặc dù Hàn Quốc có một ngành công nghiệp quốc phòng phát triển, nhưng nếu so sánh cán cân thương mại vũ khí, nước này đang bị "thua thiệt".

Hàn Quốc đã nhấn mạnh mức đóng góp "công bằng và hợp lý" cho việc duy trình lực lượng 28.500 quân Mỹ trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự đang diễn ra, người Mỹ vẫn muốn gây áp lực buộc Seoul phải trả nhiều tiền hơn.

Nhưng mặc dù Seoul đã đồng ý trả khoảng 870 triệu USD, Washington đã yêu cầu tăng gấp 5 lần lên 5 tỷ USD vào năm 2020.

Quân đội Hàn Quốc, “con bò sữa” của CNQP Hoa Kỳ: Càng quen càng lèn cho đau? - Ảnh 3.

4chiếc F-22 Raptor của Mỹ trên bầu trời Hàn Quốc trong hoạt động được cho là để "đáp trả khiêu khích" của Triều Tiên năm 2016. Những chiếc F-22 cất cánh từ Nhật Bản đã được hộ tống bởi F-15K Slam Eagle của Hàn Quốc và F-16 Fighting Falcon của lực lượng đồn trú Mỹ.

Ngày 13/12, Không quân Hàn Quốc cho biết Seoul sẽ đánh dấu việc triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình F-35A trong một buổi lễ không công khai vào ngày 17/12 tại căn cứ không quân Cheongju.

Hàn Quốc đã mua 13 chiếc F-35A trong kế hoạch trang bị ít nhất 40 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cho tới năm 2021.

Trước sức ép của Mỹ, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ phải cân đối một số tiền lớn trong năm 2020 và đẩy nhanh tốc độ mua sắm F-35A (với thời giá hiện tại đơn hàng sẽ có giá trị khoảng 3,2 tỷ USD).

Tuy nhiên, việc mua hàng chục chiếc F-35 cũng chỉ là một lợi thế nhỏ giúp Hàn Quốc giảm sức ép trên bàn đàm phán với Mỹ. Cho tới khi Hàn Quốc thoát khỏi "cái ô hạt nhân" của Mỹ, quốc gia này mới thoát khỏi cảnh là "con bò sữa" của ngành CNQP cũng như Quân đội Hoa Kỳ.

2 chiếc F-35A Lightning II đầu tiên trong đơn hàng mua sắm máy bay chiến đấu của Không quân Hàn Quốc tới căn cứ Cheongju vào tháng 3/2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại