Iran liên tiếp hứng chịu các đòn tấn công ác liệt của Israel
Ngày 19/11/2019, 4 quả rocket không có hệ thống dẫn đường đã được phóng từ lãnh thổ Syria sang không phận của Israel ở vùng Galilee phía Bắc thuộc Cao nguyên Golan. Số rocket này lập tức đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel phát hiện và phá hủy kịp thời.
Vụ tấn công sang lãnh thổ Israel được cho là do các lực lượng Iran ở Syria thực hiện. Lý do gì đã khiến Iran liên tục phát động những đợt tấn công không hiệu quả như vậy?
Kể từ năm 2013, Iran đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria, không chỉ để chống lại các phe phái đối lập với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad mà còn nhằm mở rộng các cơ sở hạ tầng nhằm gây áp lực với Israel, trong đó có cả việc vận chuyển vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah.
Cũng trong thời gian này, Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích trả đũa phá hủy hàng loạt căn cứ của Iran trên đất Syria.
Chẳng hạn như tháng 8/2019, các máy bay chiến đấu Israel đã thực hiện một đợt không kích khiến 4 người tử vong trong cuộc tấn công được cho là đánh đòn phủ đầu vào kế hoạch triển khai các bầy đàn máy bay không người lái phóng sang các mục tiêu của Nhà nước Do Thái.
Một số nhà bình luận cho rằng vụ tấn công rocket hôm 19/11 là hành động đáp trả việc Israel ám sát Bahaa Abu al-Ata, chỉ huy cấp cao của phong trào vũ trang Hồi giáo Jihad ở Palestine ngày 12/11 trước đó.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Không quân Israel. Ảnh: Sputnik
Cũng trong ngày này, truyền thông Syria đưa tin đã xảy ra một vụ tập kích bằng tên lửa vào nhà của một trong các lãnh đạo của Jihad ở Damascus có tên là Akram al-Ajouri, giết chết một người con trai của nhân vật này cùng một người qua đường khác.
Palestine sau đó đã phóng hàng trăm quả rocket sang lãnh thổ Isarel để trả đũa. Tất nhiên, Quân đội Israel (IDF) cũng đã cũng ngay lập tức phát động một chiến dịch không kích dữ dội đáp trả.
Tên lửa S-300 ở đâu khi "luật chơi đã thay đổi"?
Vào lúc khoảng 1h20 sáng (giờ địa phương) ngày 20/11, các hệ thống radar của Syria được kích hoạt khi máy bay chiến đấu Israel xuất phát từ Cao nguyên Golan và bay qua không phận Lebanon phóng hành chục quả tên lửa dẫn đường chính xác tấn công các mục tiêu ở Syria. Israel đã cảnh cáo các đơn vị phòng không Syria "chớ manh động" khai hỏa đáp trả.
Như thường lệ, phòng không Syria đã không ngăn chặn được vụ tấn công nhưng hãng thông tấn Nhà nước Syria (SANA) vẫn tuyên bố Quân đội của họ đã bắn hạ được hầu hết các tên lửa mục tiêu (11/18 quả). Tuy nhiên, mức độ phá hủy ở hơn 20 mục tiêu tại Mezze, Syria và Sân bay Quốc tế Damascus lại cho thấy điều ngược lại.
S-300 đã không phát huy được hiệu quả ở Syria. Ảnh: Avia.pro
Vị trí quan trọng nhất bị Israel tập kích là một tòa nhà 7 tầng có tên gọi "Nhà Kính" (Glass House) ở Sân bay Quốc tế Damascus, địa điểm trong nhiều năm liền từng được sử dụng làm trung tâm chỉ huy và điều khiển của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Syria.
Những hình ảnh vệ tinh sau vụ tấn công cho thấy 2 tầng cao nhất của tòa nhà phía cánh Tây đã bị phá hủy. Theo Công ty Ảnh vệ tinh ImageSat (Israel), đây là trụ sở của đơn vị tình báo thuộc lực lượng đặc nhiệm Quds của IRGC.
Máy bay chiến đấu Israel cũng đã phóng tên lửa tấn công các hệ thống phòng không Syria khi bị khai hỏa đáp trả. Khoảng 6 tổ hợp phòng không Syria đã bị phá hủy trong vụ tấn công này, tất nhiên ngoại trừ S-300.
Rất có thể hai tiểu đoàn tên lửa tiên tiến S-300 của Syria đã không tham gia vào các vụ tấn công máy bay Israel. IDF cho biết họ đã thông báo trước về vụ không kích cho phía Nga.
Thế nhưng, một số dấu hiệu cho thấy Nga có thể đã không cho phép Syria sử dụng S-300 chống lại Israel theo một thỏa thuận chung nào đó giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Một vấn đề khác nữa là S-300 được thiết kế tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn các tên lửa từ tầm trung tới tầm xa nhưng Israel lại sử dụng các máy bay tàng hình hoặc tên lửa tấn công từ ngoài ô phòng không (stand-off) nên S-300 đã không phát huy được hiệu quả.
Theo Tổ chức giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở London, Anh vụ tấn công của Israel đã khiến 23 người thiệt mạng, trong đó có 5 binh lính Syria và 16 người nước ngoài (nhiều khả năng là người Iran).
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett từng miêu tả các hoạt động của Iran ở Trung Đông như "những chiếc vòi Bạch Tuộc" đồng thời tuyên bố "bất cứ chiếc vòi này vươn tới đâu, Tel Aviv cũng sẽ chặt đứt".
Ông Bennett thậm chí còn cảnh báo "luật chơi đã thay đổi" và Israel không loại trừ khả năng sẽ tấn công trực diện vào "đầu Bạch Tuộc" với ý ám chỉ Thủ đô Tehran của Iran.
Trong khi đó, theo trang web chuyên về các thông tin tình báo T-intell.com, do mức độ thiệt hại và thương vong mà IRGC phải gánh chịu vừa qua thì rất có thể Iran sẽ còn tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự trả đũa Israel trong thời gian tới đây dù hậu quả cũng sẽ không hề nhỏ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome đánh chặn rocket từ Dải Gaza vào Tel Aviv và miền Nam Israel