Dọa nạt các nước mua vũ khí Nga: Mỹ nghịch dao 2 lưỡi, Moscow “rung đùi” hưởng lộc

Lâm Vy |

“Nếu chơi rắn, Washington có thể đẩy nhiều quốc gia tiến xa hơn vào vòng tay của Moscow” - Chuyên gia Lamrani nhận định.

Con dao hai lưỡi

Nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn cản các quốc gia khác mua khí tài phòng thủ do Nga sản xuất là một “con dao hai lưỡi”, có thể đẩy khách hàng ra xa Mỹ và khiến họ lọt vào tay các nhà sản xuất vũ khí Nga, Trung Quốc hoặc châu Âu.

Trong một bài phân tích gần đây viết cho Tổ chức tư vấn Austin (trụ sở tại Texas), chuyên gia quân sự Omar Lamrani cho rằng, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ là một phần trong chiến lược của Washington để cạnh tranh với các đối thủ.

Dọa nạt các nước mua vũ khí Nga: Mỹ nghịch dao 2 lưỡi, Moscow “rung đùi” hưởng lộc - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump chỉ vào một biểu đồ cho thấy sản lượng cung cấp vũ khí của Mỹ cho Saudi Arabia trong cuộc gặp với Thái tử Saudi Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng tháng 3/2018. Ảnh: AP

Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga, với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, tiếp tục giành được các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với nhiều khách hàng, từ đối thủ của Mỹ và các quốc gia trung lập, cho tới đồng minh của Washington là Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Tổng thống Trump cảm thấy rằng họ cần làm mọi thứ có thể để “thọc gậy bánh xe”.

Mỹ sai lầm khi "chơi rắn"

Trước đó, vào năm 2017, Mỹ đã thông qua đạo luật CAATSA và ứng dụng đạo luật này lần đầu tiên trong tháng 9/2018 nhằm chống lại Trung Quốc do Bắc Kinh quyết định mua các tổ hợp tên lửa phòng không S400 và máy bay chiến đấu hiện đại từ Nga.

Kể từ đó, Washington đã tiếp tục áp dụng đạo luật CAATSA với Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây nhất, Washington đã đe dọa sử dụng đạo luật này chống lại các mối lo ngại về năng lượng của Tây Âu khi họ tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với công ty Gazprom của Nga.

Song, chuyên gia Lamrani tin rằng, về lâu dài, các mối đe dọa mà Mỹ tạo ra có thể sẽ mang lại hậu quả cho chính họ, đặc biệt nếu Washington bị xem là nhân tố “phá vỡ niềm tin” khi can thiệp quá nhiều vào vấn đề của các nước khác.

Bên cạnh đó, theo ông Lamrani, "Đối với nhiều quốc gia, không có sản phẩm thay thế nào (thậm chí là từ Mỹ) có thể cạnh tranh được với trang thiết bị mà họ mua từ Nga, bởi các nhà cung cấp khác không thể mang tới cho họ một sản phẩm tương đồng với cùng mức giá hoặc đồng ý chuyển giao công nghệ ở cấp độ tương đương.

Một ví dụ điển hình là Ấn Độ - quốc gia đang triển khai hàng nghìn xe tăng, máy bay và tàu chiến do Nga sản xuất.

Cuối cùng, ông Lamrani cho rằng, ngay cả nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể ngăn cản được một quốc gia nào đó mua vũ khí Nga, thì đạo luật CAATSA cũng không có gì đảm bảo được rằng quốc gia đó sẽ không tìm tới châu Âu và Trung Quốc, thậm chí là các nhà sản xuất vũ khí nội địa của họ.

Dọa nạt các nước mua vũ khí Nga: Mỹ nghịch dao 2 lưỡi, Moscow “rung đùi” hưởng lộc - Ảnh 2.

Tên lửa BrahMos do Nga-Ấn hợp tác trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Hàng Hải Quốc tế ở St. Petersburg. Nguồn: Sputnik

Trong tuần này, Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tán thành quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo luật CAATSA sau khi Ankara ký thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD nhằm mua các tổ hợp phòng không S-400 từ Nga. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ “hất cẳng” khỏi chương trình F-35 mà nước này tham gia.

Tuy nhiên, thay vì từ bỏ các hệ thống của Nga, Ankara đã de dọa ngược rằng họ sẽ “tống cổ” Mỹ ra khỏi Incirlik - một căn cứ không quân chiến lược và trung tâm vận chuyển mà quân đội Mỹ đang phải phụ thuộc rất nhiều để đưa các trang thiết bị và nhân lực ra vào Trung Đông.

Dọa nạt các nước mua vũ khí Nga: Mỹ nghịch dao 2 lưỡi, Moscow “rung đùi” hưởng lộc - Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

“Thay vì khuất phục trước các yêu cầu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa sẽ tiến gần hơn về phía Nga, cân nhắc khả năng mua các chiến đấu cơ Su-35 từ Nga để thay thế các tiêm kích F-35 mà Mỹ đang đình chỉ chuyển giao.

Cuộc tranh cãi đã cho thấy vấn đề liên quan tới thỏa thuận vũ khí, cùng với sự chỉ trích của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ảnh hưởng lớn như thế nào tới mối quan hệ giữa 3 quốc gia trong thời gian ngắn” - ông Lamrani nhận định.

Cuối bài phân tích, vị chuyên gia chỉ ra rằng hướng đi của Mỹ hiện nay có thể giúp họ ngăn cản những quốc gia đang phụ thuộc rất lớn vào Washington từ bỏ ý định mua vũ khí Nga. Nhưng trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy rõ rằng “Nếu chơi rắn, Washington có thể đẩy nhiều quốc gia tiến xa hơn vào vòng tay của Moscow”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại