Putin bất ngờ xuống nước với EU, liệu Nga có thoát nguy hiểm?

Kiệt Linh |

Nga rất muốn khôi phục lại quan hệ toàn diện với Liên minh Châu Âu (EU) và sẵn sàng hợp tác với mọi lực lượng chính trị được các cử tri của EU ủng hộ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho biết như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Corriere della Sera của Italia số ra ngày hôm nay (4/7).

"Chúng tôi rất muốn khôi phục lại quan hệ toàn diện giữa Nga và Liên minh Châu Âu, bảo vệ hòa bình, bảo đảm an ninh và sự ổn định trên lục địa chung của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng cho việc hợp tác với tất cả các lực lượng chính trị được các cử tri của Châu Âu ủng hộ”, ông Putin nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn.

Những phát biểu trên của ông chủ điện Kremlin cho thấy Nga thực sự muốn hàn gắn mối quan hệ với EU trong bối cảnh cả hai bên đều đang chịu tổn thất nặng nề vì cuộc đối đầu kéo dài trong mấy năm qua. Nga đang bị Mỹ và EU dồn ép dồn dập từ mọi phía. Nền kinh tế của Nga chao đảo trong khi Nga bị phương Tây cô lập trên nhiều mặt trận.

Quan hệ giữa Nga và EU đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Trong bối cảnh như vậy, không ít các nước thành viên của Liên minh Châu Âu có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Ngay từ đầu, khi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, đã có mâu thuẫn nổi lên trong nội bộ nước này. Mâu thuẫn đó ngày càng trở nên sâu hơn khi các nước thành viên EU phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ chính sách trừng phạt Nga, đặc biệt là mức độ thiệt hại của các nước thành viên trong EU là khác nhau cũng như giữa EU và Mỹ.

Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.

Việc một số nước thành viên EU lên tiếng kêu gọi hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga đã khiến Moscow không ít lần hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga luôn phải thất vọng trước quyết định của liên minh phương Tây. EU vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Kết quả là đến nay, cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và EU không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng được kéo dài không hồi kết. EU vẫn khăng khăng gắn vấn đề Ukraine với quyết định dỡ bỏ biện pháp trừng phạt.

Trong khi đó, Moscow nhiều lần nhấn mạnh, họ sẽ không lùi bước trong lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chính sách trừng phạt sẽ không có tác dụng với Nga, chỉ làm cho Nga mạnh lên dù có phải hứng chịu nhiều tổn thất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại