Mẹ vỡ òa trong hạnh phúc khi con trai 6 tuổi lần đầu tiên được đi trên chính đôi chân của mình

Mộc Trà |

Bé trai bị dị tật biến dạng cả 2 bàn chân, 2 bàn tay, không thể đi lại được. Trước đó, em chỉ có thể di chuyển bằng cách bò, khi đi xa bố mẹ phải bế.

Tuần trước, bé B.M (6 tuổi, quê Vĩnh Phúc) xuống Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, tái khám. 7 tháng trước, em đã trải qua cuộc phẫu thuật thay đổi cuộc đời tại đây.

Nhìn cậu con trai khôi ngô, hoạt bát của chị N.T.G (mẹ M.), không ai nghĩ con từng không thể đi lại bằng đôi chân của mình. M. bị dị tật bẩm sinh, biến dạng cả 2 bàn chân, 2 bàn tay, không thể đi lại được. Trước đó, em chỉ có thể di chuyển bằng cách bò, khi đi xa bố mẹ phải bế. Dị tật này khiến con phải chịu thiệt thòi suốt những năm đầu đời.

Chị G. kể vào năm 2017, chị sinh bé M. thuận lợi nhưng các bác sĩ phát hiện 2 chân và 2 tay M. không được bình thường. Lúc đó, các bác sĩ chẩn đoán 'con mắc cứng đa khớp và không thể cứu chữa'.

"Các bác sĩ nói với vợ chồng tôi cách duy nhất là phục hồi chức năng cho con. Cảm xúc vợ chồng sụp đổ khi biết đứa con đầu lòng mắc bệnh, tôi không tin đó là sự thật", chị G. nói.

Không chấp nhận sự thật, chị G. bế con đi khắp các bệnh viện kiểm tra, và đều nhận được những cái lắc đầu của các bác sĩ.

Thương con vô cùng, chị G. vẫn quyết cho con tập phục hồi chức năng và chờ cơ hội mới.

Thế nhưng, khó khăn chưa dừng lại ở đó. Chỉ vài tháng sau khi M. chào đời, chồng chị G. phát hiện mắc suy thận độ 4. Thời gian đó, chồng chị G. mất ngủ liên tục, hay mệt mỏi, khi đi khám thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Anh nhập viện điều trị nhưng hai quả thận của chồng chị G. đã hỏng hoàn toàn.

"Thời điểm đó, sáng đưa con đi phục hồi chức năng, chiều chạy sang Bệnh viện Bạch Mai chăm chồng. Mọi tài sản cứ thế 'đội nón' ra đi", chị G. nhớ lại.

Mẹ vỡ òa trong hạnh phúc khi con trai 6 tuổi lần đầu tiên được đi trên chính đôi chân của mình - Ảnh 1.

M. được tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Ảnh: NVCC

"Lần đầu tiên con được đi thế này thật thú vị"

Điều kỳ diệu cuối cùng cũng đến với bé M. Năm 2019, được tin đoàn chuyên gia chấn thương chỉnh hình từ châu Âu thuộc Tổ chức nhân đạo quốc tế Children Action sang thăm và làm việc tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chị G. liền đưa con sang viện để nhờ các bác sĩ khám và chẩn đoán.

Khi sang viện, M. được các bác sĩ xác định nguyên nhân dị tật là do yếu tố thần kinh chứ không đơn giản chỉ là cứng đa khớp.

"Được các bác sĩ chẩn đoán, tôi rất vui và hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc bị gián đoạn tận 3 năm vì dịch COVID-19. Mãi tháng 10/2022 vừa qua, đoàn chuyên gia trở lại viện và M. mới được phẫu thuật 2 chân. Con mất 2 tháng đeo bột, 1 tháng phục hồi. Sau đó M. được tháo bột và tập phục hồi chức năng. Lần đầu tiên con đi được, cảm giác 2 vợ chồng như vỡ òa sau 6 năm chờ đợi mỏi mòn", chị G. kể.

Chị nhớ khi M. lần đầu tiên tự bước trên chính đôi chân của mình, em thốt lên với mẹ: "Lần đầu tiên con được đi thế này thật thú vị".

Tuy nhiên, phía trước M. còn rất nhiều cuộc phẫu thuật đang chờ, gần nhất là cuộc phẫu thuật khớp háng.

"Khó để nói hết cảm giác khi con đang trong trường hợp vô phương cứu chữa không ai cứu con, nhưng sang đây con có lộ trình rõ ràng, và những bước đi đầu tiên của con là minh chứng. Dù có khó khăn nhưng đã có hy vọng và cánh cửa mới tươi sáng hơn đã mở ra", chị G. chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bác sĩ điều trị cho M. - cho biết bé được phẫu thuật thành công vào tháng 10/2022. Bệnh nhi được nẹp chân và tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn. Hiện nay, sau 7 tháng mổ, M. đã có thể tự đi không cần dắt tay.

"Trước khi nhập viện, do biến chứng của tủy sống, bệnh nhi bị biến dạng về hình thể và hạn chế chức năng của 2 tay, 2 chân. Chính vì thế, để giúp bệnh nhi trở về cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, cần một hành trình dài. Bệnh nhi cần được đánh giá theo từng giai đoạn và cần trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật khác", BS Trung cho hay.

Mẹ vỡ òa trong hạnh phúc khi con trai 6 tuổi lần đầu tiên được đi trên chính đôi chân của mình - Ảnh 2.

Bé M. trước và sau phẫu thuật. Ảnh: NVCC

Tầm quan trọng của thăm khám sớm

ThS.BS. Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - chia sẻ: "Có hàng chục dị tật xương khớp bẩm sinh, hầu hết đều ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động, tâm lý và phát triển của trẻ sau này. Cho trẻ thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nhi, con sẽ được các bác sĩ tư vấn phác đồ thực hiện các biện pháp can thiệp hoặc phẫu thuật kịp thời, mang lại hiệu quả thẩm mỹ và chức năng vận động cao nhất."

Theo ThS.BS. Đức, từ ngày 9 đến 12/6/2023 tới đây, đoàn chuyên gia Children Action sẽ đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để tiến hành khám, tư vấn và phẫu thuật cho các trẻ em mắc dị tật cơ quan vận động và dị tật cột sống.

Đây là chương trình thường niên đã được phối hợp tổ chức từ năm 2018 giữa bệnh viện cùng tổ chức Children Action và các chuyên gia chỉnh hình nhi hàng đầu thế giới nhằm mang lại cơ hội phẫu thuật cho các trẻ em Việt Nam gặp các khuyết tật cơ xương khớp khó và phức tạp.

Từ năm 2018 tới nay, hơn 400 trẻ em đã được khám, với hơn 100 bệnh nhi được phẫu thuật, trên 95% ca mổ có kết quả tốt, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống, trong đó 2 trường hợp vẹo cột sống đặc biệt phức tạp được đưa sang Pháp phẫu thuật miễn phí.

Đặc biệt, chi phí khám và phẫu thuật sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế theo chính sách thông tuyến bảo hiểm nên các gia đình có người thân mắc dị tật cần khám và phẫu thuật sẽ không phải quá lo lắng về chi phí khám chữa bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại