Mỹ, Đức cung cấp xe tăng tối tân có tạo nên bước ngoặt cho xung đột ở Ukraine?

Thu Hoài |

Mỹ và Đức hôm qua (25/1) chính thức thông báo kế hoạch gửi các loại xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó có M1 Abrams và Leopard 2 tới Ukraine. Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine và có nguy cơ thổi bùng hơn nữa ngọn lửa căng thẳng với Nga.

Chính phủ nhiều nước hôm qua kêu gọi các bên giải quyết xung đột thông qua đàm phán nhằm tạo cơ hội cho hòa bình và ổn định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine , đảo ngược lập luận trước đó rằng những thiết bị quân sự tối tân này quá khó để quân đội Ukraine vận hành và bảo trì. Quyết định được đưa ra sau khi Đức đồng ý gửi 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine, đồng thời cấp phép cho các nước châu Âu khác gửi xe tăng từ kho dự trữ của họ.

Mỹ, Đức cung cấp xe tăng tối tân có tạo nên bước ngoặt cho xung đột ở Ukraine? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Ảnh: Reuters

Thông báo đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine. Kiev từ lâu đã kêu gọi Đức và các đối tác khác cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2, nhưng vấp phải sự do dự của Berlin.

Phát biểu trước Quốc hội ngày hôm qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tìm cách trấn an người dân khi nhấn mạnh, Đức sẽ không chủ động tham chiến mà sẽ tiếp tục tìm cách “ngăn chặn sự leo thang giữa Nga và NATO”. Chính phủ sẽ đảm bảo rằng, sự hỗ trợ dành cho Ukraine sẽ không gây rủi ro cho đất nước:

“Chúng tôi cũng sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine. Đó là kết quả của một quá trình tham vấn căng thẳng với các đồng minh và đối tác quốc tế. Thực sự đang có một cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu, cách không xa Berlin. Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn phải làm rõ mọi việc chúng tôi làm rằng chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết và có thể để hỗ trợ Ukraine, nhưng đồng thời, cũng tránh leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân theo nguyên tắc đó”.

Phản ứng trước quyết định của Mỹ và Đức, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã gọi đây là một bước đi "gây hấn trắng trợn". Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov một lần nữa nhấn mạnh, việc các quốc gia phương Tây chuyển giao thiết giáp hạng nặng cho Ukraine sẽ không tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột:

“Họ đã đánh giá quá cao triển vọng của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và rất tốn kém. Tất cả những điều này sẽ và chắc chắn sẽ đổ hết lên vai những người nộp thuế ở châu Âu”.

Lo ngại xung đột vượt tầm kiểm soát, chính phủ nhiều nước đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những bước đi có thể làm leo thang căng thẳng. Theo Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset, là một quốc gia trung lập, nước này sẽ không cho phép tái xuất vũ khí sang Ukraine. Theo ông, giờ chưa phải là lúc thay đổi quy định tái xuất vũ khí, cũng như thay đổi quy tắc trung lập. Trước đó, tháng 11/2022, chính phủ Thụy Sĩ đã từ chối yêu cầu cửa Đức về việc cấp phép tái xuất khẩu vũ khí đối với hệ thống phòng không tự hành Gepard cho Ukraine.

Nhiều tờ báo lớn của phương Tây cũng tỏ ra hoài nghi về quyết định của Mỹ và Đức cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, cho rằng bước đi phần nhiều mang tính tượng trưng. Bởi vấn đề lớn nhất đặt ra đối với Ukraine là nước này có thể phải mất hàng tháng để triển khai các loại xe tăng hiện đại mới trên chiến trường. Hơn nữa việc bảo trì và cung cấp nhiên liệu cho những thiết bị này cũng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các lực lượng Ukraine. Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây tại Đức cho thấy, đa số người Đức phản đối việc gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine. Nghị sĩ cánh tả Đức Sahra Wagenknecht cảnh báo, việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine sẽ tạo ra một vòng xoáy leo thang mà cuối cùng sẽ kéo Đức vào một cuộc chiến tổng lực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại