Một loại nhiên liệu từ Nga, đóng vai trò quan trọng với cỗ máy kinh tế toàn cầu sắp gặp biến cố lớn

Thu Hương |

“Một lượng dầu khổng lồ từ Nga biến mất, và thay thế chúng là 1 thách thức cực lớn về logistics”, Keshav Lohiya, nhà sáng lập công ty tư vấn Oilytics nhận định.

Một loại nhiên liệu từ Nga, đóng vai trò quan trọng với cỗ máy kinh tế toàn cầu sắp gặp biến cố lớn - Ảnh 1.

Chỉ vài tuần nữa, một lượng dầu diesel lớn chưa từng thấy sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Điều này gây ra những tác động rất lớn bởi có thể ví dầu diesel là loại nhiên liệu giống như "ngựa thồ" của kinh tế toàn cầu.

Từ ngày 5/2, Liên minh châu Âu EU, nhóm các nước G7 và các đồng minh sẽ chính thức áp giá trần đối với các loại nhiên liệu được xuất khẩu từ Nga trong động thái mới trừng phạt mới nhất. Bên cạnh đó EU cũng cấm nhập khẩu gần như toàn bộ các sản phẩm dầu từ Nga.

Hiện dầu thô xuất khẩu của Nga vẫn đang phải chịu những biện pháp trừng phạt tương tự. Tuy nhiên, khi các sản phẩm nhiên liệu đã tinh chế (đặc biệt là dầu diesel) bị cấm vận và áp giá trần, các chuyên gia trong ngành lo ngại giá có thể tăng vọt.

Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất của châu Âu và "lục địa già" vẫn tiếp tục mua khối lượng lớn ngay trước khi các lệnh cấm vận có hiệu lực. Kết quả là, các lệnh cấm vận sẽ làm đảo lộn dòng chảy diesel trên toàn cầu. Không chỉ có những dòng chảy bị ngắt quãng, còn xuất hiện thêm nhiều người mua mới mua dầu Nga để xuất trở lại vào châu Âu. Trong ngắn hạn, giá tăng là điều khó tránh khỏi.

"Một lượng dầu khổng lồ từ Nga biến mất, và thay thế chúng là 1 thách thức cực lớn về logistics", Keshav Lohiya, nhà sáng lập công ty tư vấn Oilytics nhận định. "Tuy nhiên thị trường không quá hoảng loạn vì những gì diễn ra gần đây cho thấy dòng chảy thương mại tỏ ra khá vững vàng. Tuy nhiên dòng chảy sẽ được định hình lại".

Châu Âu phải tìm ra nguồn thay thế cho 600.000 thùng dầu diesel nhập khẩu từ Nga mỗi ngày. Nga cũng phải tìm ra chỗ chứa, tìm người mua mới hoặc cắt giảm sản lượng tại các nhà máy lọc dầu.

Gần đây EU đã tăng nhập khẩu từ Mỹ và Ấn Độ, 2 quốc gia sản xuất nhiều hơn khả năng tiêu thụ. Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng xuất khẩu nhiên liệu sang các thị trường lân cận, qua đó gián tiếp tăng nguồn cung vào châu Âu.

Ấn Độ có vai trò rất đáng chú ý tại châu Âu bởi vì nước này đã trở thành một trong những bên mua dầu Nga giảm giá nhiều nhất kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Dầu Nga có thể được Ấn Độ mua về, lọc thành diesel và sau đó lại xuất sang châu Âu.

Giao dịch như vậy không vi phạm quy định của EU, nhưng nó nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt không phải là biện pháp hiệu quả. Trong khi đó hydrocarbon được vận chuyển đi xa hơn hàng nghìn dặm so với thông thường. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn có nguy cơ dẫn đến những hành vi gian lận tinh vi hơn.

Cho đến thời điểm hiện tại, những dự báo tồi tệ nhất về tình trạng khan hiếm dầu thô đã không trở thành sự thực. Giá dầu diesel – mặt hàng vài tháng trước vẫn là điểm mạnh nhất của thị trường mỏ - đã hạ nhiệt nhờ thời tiết ấm áp bất thường và nguồn cung vào châu Âu tăng lên.

Giá dầu thô cũng giảm xuống sau khi thực tế cho thấy các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga chỉ vẽ lại thay vì cắt đứt dòng chảy thương mại.

Những người mua mới đối với dầu Nga bao gồm các thương nhân châu Phi, Mỹ Latinh và cả châu Á. Trong khi đó châu Âu quay sang mua dầu từ Trung Đông, nơi các nhà máy lọc dầu khổng lồ đang gia tăng sản lượng.

Tuy nhiên, theo hãng tư vấn Energy Aspects, nhiều khả năng Nga sẽ chỉ có thể tìm ra người mua mới cho 1/3 lượng dầu diesel xuất khẩu. Đối với phần còn lại, nước này phải cắt giảm.

Hiện ngành lọc hóa dầu châu Âu sắp bước vào mùa tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng, đồng thời hoạt động sản xuất cũng bị gián đoạn bởi một số sự kiện. Các cuộc đình công có thể xuất hiện trở lại ở Pháp, khiến một số nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa chỉ 1 ngày sau khi lệnh cấm vận dầu Nga có hiệu lực.

Hai nhà máy lọc dầu ở Đông Đức – vốn trước đây lấy nguồn cung dầu thô từ Nga – sẽ bị giảm sản lượng so với thông thường. Và quan trọng hơn là có rất nhiều rắc rối về logistic và kỹ thuật có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường dầu thế giới đang hoảng loạn. Câu hỏi chủ chốt trong những tuần tới sẽ là liệu dòng chảy diesel của thế giới sẽ biến đổi như thế nào. "Thị trường luôn luôn giải quyết được, vấn đề chỉ là nỗi đau sẽ lớn đến đâu", Eugene Lindell, chuyên gia đến từ công ty tư vấn FGE nói.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại