Chụp CT đa dãy, "cắt khúc" cơ thể tìm tế bào ung thư sớm: Chuyên gia nói gì?

Ngọc Minh |

Tại Việt Nam, ung thư là căn bệnh khi nhắc tới khiến cho rất nhiều người lo sợ và thường nghĩ tới cái chết đang đến gần. Đánh vào tâm lý lo sợ của người dân, các dịch vụ tầm soát ung thư cũng nở rộ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hiện nay, nhiều người thường rỉ tai nhau chụp cắt lớp vi tính 256 dãy là cách tìm tế bào ung thư sớm từ trong "trứng nước" (phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm).

Liên quan tới vấn đề này, ThS.BS Thân Văn Thịnh, Khoa khám Bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, khẳng định cắt lớp vi tính 256 hay 512, thậm chí là PET/CT không có khuyến cáo sử dụng để tầm soát ung thư. Các kỹ thuật này dùng khi bệnh nhân đã mắc ung thư để đánh giá phân loại giai đoạn (đánh giá trước điều trị) và đánh giá hiệu quả sau điều trị.

Vị chuyên gia ung bướu cũng cung cấp thêm thông tin, tất cả các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng đều có độ nhạy, đặc hiệu nhất định (không thể đúng 100%). Do vậy, tiêu chuẩn trong chẩn đoán mắc ung thư tế bào và mô bệnh học là tiêu chuẩn "vàng" không thể thay thế được.

"Quan điểm dùng cắt lớp đa dãy để tìm ung thư là sai lầm", bác sĩ Thịnh khẳng định.

Chụp CT đa dãy, cắt khúc cơ thể tìm tế bào ung thư sớm: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Hiện nay, việc tầm soát ung thư không có một phương pháp nào được cho là chủ lực cho tất cả các bệnh ung thư. Mỗi một bệnh ung thư lại có một cách tầm soát riêng.

Bác sĩ Thịnh dẫn chứng, ví như ung thư vòm họng không thể dùng chụp cắt lớp đa dãy để tầm soát ung thư được. Với căn bệnh ung thư này thì phải nội soi tai mũi họng. Hay ung thư đại trực tràng, dạ dày, nội soi là tiêu chuẩn chính không thể thay đổi… Chụp cắt lớp sẽ có ý nghĩa lớn trong sàng lọc ung thư phổi.

"Rất nhiều bệnh nhân khi tới viện khám nói rằng muốn chụp cắt lớp đa dãy hay PET/CT để tầm soát ung thư nhanh cho đỡ mất thời gian. Nhưng tôi vẫn khuyên bệnh nhân dù chi tiền triệu vẫn có thể bỏ sót ung thư.

Tôi cũng đã từng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám xin xét nghiệm máu để tìm tế bào ung thư. Điều này là không đúng. Trong đa số bệnh ung thư, xét nghiệm máu chỉ hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng bệnh chứ không phải là tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư", bác sĩ Thịnh thông tin.

Đã có những bệnh nhân xét nghiệm máu chỉ số ung thư tăng vọt nhưng khi nội soi dạ dày lại bình thường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nguy hiểm hơn ung thư di căn nhưng xét nghiệm máu chất chỉ điểm khối u vẫn bình thường (âm tính giả).

Bác sĩ Thịnh lưu ý bệnh nhân muốn tầm soát ung nên tới các cơ sở chuyên khoa ung bướu uy tín và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân không nên nghe theo những lời quảng cáo mất tiền nhưng không phát hiện ra bệnh.

Đồng quan điểm với bác sĩ Thịnh, GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, khẳng định: "Chụp cắt lớp vi tính 256 dãy không phải là cách tầm soát ung thư".

Hiện nay chẩn đoán hình ảnh đã tham gia vào trong quá trình điều trị như ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Để tránh các trường hợp lạm dụng chỉ định dùng chẩn đoán hình ảnh, GS Thông cho rằng cần phải có sự đào tạo liên tục để bác sĩ cập nhật chuyên môn nên chỉ định chụp chiếu cho bệnh nhân hay không. Việc lạm dụng kỹ thuật xảy ra khi không có sự đào tạo tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại