Cái giá Mỹ phải gánh chịu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine?

Hồng Anh |

Trong một bài bình luận trên National Interest, nhà phân tích Ramon Marks cho rằng, cho dù bất cứ bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine thì Mỹ sẽ là người thua cuộc.

Sau gần 6 tháng xung đột, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở phía Đông và phía Nam trong bối cảnh Ukraine cố gắng giành lại các khu vực do Nga kiểm soát. Hai bên hiện đang trong cuộc chiến tiêu hao và liên tục có các hành động nhằm gây tổn thất về khí tài cũng như ngăn chặn tuyến tiếp tế của đối phương. Trong khi đó, phương Tây, đặc biệt là Mỹ vẫn tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi để cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Cái giá Mỹ phải gánh chịu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine? - Ảnh 1.

Pháo của các lực lượng Ukraine ở vùng Donetsk – Ukraine hôm 13/6. Ảnh: Reuters

Lá bài của Nga

Trong một bài bình luận trên National Interest, nhà phân tích Ramon Marks cho rằng, cho dù bất cứ bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine thì Mỹ sẽ là bên thua cuộc. Nga đang hướng tới việc củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở lục địa Á-Âu bao gồm Ấn Độ, Iran, Saudi Arabi, các quốc gia vùng Vịnh trong khi quay lưng lại với Mỹ và châu Âu.

Giống như việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng chơi “lá bài Trung Quốc” để cô lập Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hiện giờ Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng theo đuổi chiến lược tương tự để kiềm chế vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Nhận thức rõ rằng châu Âu không còn là khách hàng mua năng lượng hàng đầu của mình, Nga đã chuyển hướng bán nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn cho các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Moscow đã thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Trung Quốc. Về ngắn hạn và trung hạn, những hạn chế trong việc vận chuyển do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ hạn chế phần nào sản lượng dầu mỏ mà Nga cung cấp cho Trung Quốc.

Nga hiện chỉ có một đường ống dẫn dầu trên bộ đến Trung Quốc là đường ống ESPO và đường ống dẫn khí đốt duy nhất giữa hai nước hiện đang được vận hành là Power of Siberia. Để gia tăng việc cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc, Nga vẫn phải khai thác tuyến đường biển. Nhà phân tích Ramon Marks cho rằng, trong những năm tới hai bên chắc chắn sẽ đầu tư đáng kể để mở rộng tuyến đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt giữa hai nước, tạo điều kiện cho Nga trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch chính cho Trung Quốc.

Bắc Kinh có thể giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Trung Đông, khi tàu thuyền vận chuyển phải đi qua các nút thắt cổ chai dễ gặp sự cố như Eo biển Malacca.

Sự hợp tác chặt chẽ về năng lượng sẽ giúp Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn với tư cách là “đồng minh chiến lược không giới hạn” trên lục địa Á Âu. Nhờ có một nhà cung cấp năng lượng bền vững ở sân sau của mình, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm kiếm những chiến lược mạnh mẽ hơn để đối phó với Mỹ và các đồng minh của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cái giá Mỹ phải gánh chịu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine? - Ảnh 2.

Một nhà máy lọc dầu của Nga. Ảnh: lukoil.com

Nhân tố Ấn Độ

Ngoài Trung Quốc, Nga cũng tìm cách tăng cường hợp tác năng lượng với Ấn Độ kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), trước khi chiến sự nổ ra, Ấn Độ hầu như không mua dầu mỏ từ Nga, nhưng hiện giờ nước này đang nhập khẩu hơn 760.000 thùng dầu mỗi ngày. Việc Nga tăng doanh số bán nhiên liệu hóa thách cho Ấn Độ sẽ gây bất lợi cho nỗ lực của Mỹ, Australia và Nhật Bản để tiếp tục thu hút New Dehli vào quỹ đạo trong chiến lược khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ấn Độ đã theo đuổi lập trường trung lập đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tại Liên Hợp Quốc, New Delhi đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án Nga tấn công Ukraine, đồng thời từ chối đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công. Ngoài mối quan hệ về năng lượng, Nga cung là nhà cung cấp vũ khí chính cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ từ thời Liên Xô. Quan trọng hơn, New Delhi cũng đánh giá cao sự ủng hộ lâu dài của Nga trong vấn đề tranh chấp Kashmir.

Phản ứng của Ấn Độ trước cuộc chiến Nga-Ukraine nêu bật thực tế là New Delhi có thể sẽ không hội nhập hoàn toàn vào một liên minh Tây Thái Bình Dương, chẳng hạn như Bộ Tứ. Nếu Trung Quốc kiềm chế không gây leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ, thì động lực để New Delhi tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của nhóm Bộ Tứ có thể giảm sút.

Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất bỏ phiếu trắng trước nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga. 30 quốc gia khác đã từ chối đứng về phía phương Tây. Ngay cả Mexico, nước láng giềng với Mỹ cũng từ chối lên án Nga hoặc tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow. Đây là những vấn đề khó khăn mà Mỹ đang phải đối mặt.

Mỹ rơi vào tình thế chênh vênh

Sau khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, các nước phương Tây nhanh chóng đoàn kết lại tạo thành một mặt trận thống nhất và thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này ở một mức độ nào đó đã trở nên phản tác dụng, gây ra tình trạng lạm phát cao và làm gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng tới mức Brussels phải đau đầu xử lý một loạt hậu quả về kinh tế. EU thậm chí âm thầm công bố các biện pháp nới lỏng trừng phạt Nga để từng bước ổn định thị trường năng lượng.

Nhà phân tích Ramon Marks cho rằng, dù lớn tiếng cáo buộc Nga vũ khí hóa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nhưng chính Mỹ và EU mới là những bên đầu tiên giơ cao “thanh kiếm năng lượng” khi công bố kế hoạch cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga.

Không thể phủ nhận cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm thay đổi NATO, đặc biệt là củng cố sự đoàn kết và hàn gắn những rạn nứt, chia rẽ trong nội bộ khối. Liên minh quân sự này dự kiến sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa khi có sự tham gia của Thụy Điển và Phần Lan. Thế nhưng trong khối NATO, Mỹ là quốc gia gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất trong việc hỗ trợ Ukraine so với các đồng minh khác.

Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, khoản viện trợ mà Mỹ cam kết dành cho Kiev đã lớn gấp 3 lần so với viện trợ mà tất cả các nước EU khác gộp lại. Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukaine, mặc dù chiến dịch quân sự của Nga tạo ra mối đe với các đồng minh châu Âu nhiều hơn là đối với Mỹ - quốc gia nằm ở bên kia Đại Tây Dương, cách xa vùng chiến sự hơn 9.000km.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã phơi bày một sự thật là Tây Âu đang phụ thuộc quá mức vào sự lãnh đạo của Mỹ và quân đội nước này. Điều đó có thể sẽ không thay đổi khi trừ khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại đã được thực hiện trong hơn 7 thập kỷ qua, với niềm tin rằng chỉ Washington mới có thể lãnh đạo NATO và trở thành trụ cột của liên minh quân sự này.

Mỹ thậm chí còn phải chấp nhận một thực tế không mong muốn là Điều 5 của Hiệp ước NATO bị giới hạn đối với khu vực Đại Tây Dương. Nếu Trân Châu Cảng, Hawaii hoặc Guam bị tấn công, các cam kết phòng thủ tập thể của NATO sẽ không được áp dụng.

Nhà phân tích Ramon Marks nhận định, hiệp ước của NATO nhiều khả năng sẽ không được thay đổi để trợ giúp Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, vì thế cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cần phải tìm phương án khiến các đồng minh châu Âu chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn. Trong trường hợp ngược lại, Washington sẽ đối mặt với những thách thức ngày càng lớn khi các nguồn lực và khả năng quân sự của họ bị sử dụng quá mức. Việc chia sẻ gánh nặng nhiều hơn trong các liên minh quân sự của Mỹ sớm hay muộn sẽ phải xảy ra để ứng phó một thế giới ngày càng đa cực hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại