Tên lửa Việt Nam xuất sắc hạ "Con ma" Mỹ: 2 bất ngờ dành cho Không quân Mỹ ngay trận đầu

Đại tá Nguyễn Thụy Anh |

Nếm hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, Mỹ ngậm ngùi phân bua: "Kết quả oanh tạc vào 2 căn cứ tên lửa của Bắc Việt là không rõ ràng. Tổn thất của KQ Mỹ ở đây hình như là vô ích...".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 24/7/1965 là ngày Truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không (TLPK) Việt Nam khi lần đầu ra quân đã bắn rơi tại chỗ phản lực cơ F-4 Phantom hay còn gọi là "Con ma" hiện đại bậc nhất lúc đó của KQ Mỹ, bắt sống phi công.

Đây còn là đợt chiến đấu hiệp đồng đầu tiên giữa các binh chủng tên lửa, cao xạ và radar của lực lượng Phòng không chủ lực cùng với dân quân, tự vệ (DQTV) đã giành thắng lợi giòn giã…

Tên lửa phòng không Việt Nam: Bất ngờ xuất hiện chỉ sau thời gian huấn luyện cực ngắn

Năm 1965, Không quân Mỹ bắt đầu ồ ạt đánh phá miền Bắc Việt Nam và chỉ phải đối đầu chủ yếu với các loại pháo cao xạ (PCX) cỡ nhỏ và cỡ trung của ta… Khi đó, theo lời đề nghị giúp đỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên Xô (LX) đã viện trợ cho Việt Nam loại tên lửa phòng không Dvina (SAM-2), đồng thời huấn luyện cho các chiến sỹ ta sử dụng.

Tên lửa Việt Nam xuất sắc hạ Con ma Mỹ: 2 bất ngờ dành cho Không quân Mỹ ngay trận đầu - Ảnh 1.

Lầu Năm Góc (LNG) nắm được việc này tuy không biết cụ thể kế hoạch của Liên Xô và Việt Nam. Nhưng họ chủ quan cho rằng Việt Nam phải mất ít nhất 1 năm (tức là đến giữa năm 1966) mới có thể huấn luyện xong và triển khai được loại vũ khí này.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Không quân của họ, với trình độ cao và sức mạnh "không thể tưởng tượng nổi", sẽ đè bẹp vài đơn vị TLPK ít ỏi của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Không quân Mỹ đã được "làm quen" với tên lửa SAM-2 của LX từ trước đó khá lâu. Ấn tượng nhất là ngày 1/5/1960, khi chiếc máy bay trinh sát U-2 bị bắn rơi ở độ cao 20 km ngay trên đất LX và phi công bị bắt sống.

Sau đó là ở Cuba, châu Âu… nên họ không lạ gì tính năng khí tài và hình dạng trận địa kiểu "bông hoa 6 cánh" (Đài điều khiển ở giữa và 6 bệ phóng ở xung quanh) của loại TLPK này.

Tên lửa Việt Nam xuất sắc hạ Con ma Mỹ: 2 bất ngờ dành cho Không quân Mỹ ngay trận đầu - Ảnh 2.

Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam xuất sắc lập công hạ F-4 "Con ma" của Không quân Mỹ ngay trận đầu ra quân.

Vào thời điểm đó, TLPK là loại vũ khí hiện đại và phức tạp bậc nhất trong quân đội ta. Bộ khí tài TLPK với hơn 200.000 linh kiện điện tử và nhiều thiết bị phức tạp khác… đòi hỏi quá trình học lý thuyết và thực hành khá dài và khó khăn trong điều kiện chiến tranh ác liệt đang diễn ra ở miền Bắc.

Nhưng với tinh thần nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao, các chiến sỹ tên lửa Việt Nam đã rút ngắn thời gian huấn luyện từ 12 tháng xuống còn 2 tháng rưỡi, để nhanh chóng tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Trong trận đầu đúng là chỉ có 2 tiểu đoàn tên lửa 63 và 64 được triển khai để đối phó với hàng trăm máy bay chiến đấu của KQ Mỹ trong các cuộc tấn công đang diễn ra trên khắp miền Bắc (khi đó trung bình mỗi ngày Mỹ xuất kích 250-300 phi vụ vào đánh phá miền Bắc).

Việt Nam đã không triển khai TLPK ở các trận địa chính quy được xây dựng quanh Hà Nội mà máy bay trinh sát Mỹ đã nắm được. Dù là loại khí tài cồng kềnh và nặng nề, nhưng bộ đội TLPK đã bí mật cơ động phục kích ở vùng bán sơn địa xa thủ đô và gây bất ngờ lớn đầu tiên cho Không quân Mỹ.

Khi đó máy bay Mỹ đang tập trung đánh phá khu công nghiệp Việt Trì của ta, chúng thường bay ở độ cao hơn tầm bắn của lực lượng PCX bố trí quanh đó.

Ta chọn đánh loại máy bay cường kích nhưng hôm đó lại gặp loại F-4 tiêm kích-bom nguy hiểm hơn. Đây là loại phản lực cơ đa năng 2 người lái, mới được trang bị từ đầu thập niên 1960, có tốc độ lớn nhất 2.300 km/h, mang được nhiều vũ khí và cơ động tốt…

Hôm đó tốp F-4 bay theo đội hình ở độ cao 7.000m mà trước đấy máy bay trinh sát Mỹ phát hiện chỉ có lực lượng PCX bố trí mà thôi và yên trí độ cao này là an toàn để tránh PCX cỡ trung trở xuống vốn có hiệu quả ở độ cao dưới 5.000m.

Nhưng độ cao này lại rất phù hợp với tính năng chiến đấu của tên lửa SAM-2, loại có thể bắn hạ mục tiêu tới độ cao 27 km…

Tên lửa Việt Nam xuất sắc hạ Con ma Mỹ: 2 bất ngờ dành cho Không quân Mỹ ngay trận đầu - Ảnh 4.

Máy bay F-4 do Mỹ chế tạo.

Bí mật cơ động, hiệp đồng chặt chẽ, tạo bẫy phục kích diệt địch

Tên lửa SAM-2 vốn được thiết kế chủ yếu bố trí ở các trận địa cố định quanh những yếu địa lớn và ít có khả năng cơ động nhanh. Tuy vậy trên chiến trường Việt Nam nó đã được các chiến sỹ tên lửa ta tăng cường khả năng cơ động và sử dụng thuần thục, sáng tạo trong từng tình huống chiến đấu cụ thể.

Khu vực tác chiến trong trận đầu được chọn là vùng Trung Hà - Suối Hai, lúc đó thuộc tỉnh Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 60 km. Đây là vùng đồi núi bán sơn địa, nhiều cây cối rậm rạp nên có thể triển khai nhiều lực lượng tạo lợi thế bí mật, bất ngờ cho trận đánh.

Phối hợp cùng với 2 tiểu đoàn tên lửa là các đơn vị radar, pháo cao xạ, súng máy cao xạ (SMCX) các cỡ và hàng chục khẩu đội dân quân tự vệ (DQTV) của 3 huyện xung quanh…

Ta sử dụng chiến thuật bí mật cơ động, phục kích đón lõng, ưu tiên tên lửa đánh trước ở hướng chủ yếu, các lực lượng khác vừa bảo vệ tên lửa, vừa hiệp đồng đánh máy bay địch ở mọi hướng.

Chiều 24/7/1965 trận đánh đầu tiên của bộ đội tên lửa Việt Nam đã thắng lợi với 1 máy bay F-4C bị bắn rơi tại chỗ, 1 phi công chết và 1 bị bắt.

Bên ta, cả khí tài và kíp chiến đấu đều an toàn. Ngay sau trận đánh, các đơn vị tên lửa lập tức cơ động rời khỏi trận địa và thay vào đó là các mô hình tên lửa bằng cót như thật…

Xung quanh khu vực, ta đã bố trí 3 trung đoàn và 2 tiểu đoàn PCX, SMCX cùng hàng chục khẩu đội DQTV địa phương: cả 1 rừng súng, pháo các cỡ đã chờ sẵn để đánh các loại máy bay Mỹ chắc chắn sẽ bay thấp vào đánh 2 trận địa tên lửa giả…

Cả ngày 25/7 bầu trời yên tĩnh: Lầu Năm Góc đang nghiên cứu báo cáo của các phi công thoát nạn trở về…

Ngày 26/7, họ cho 2 máy bay trinh sát: 1 máy bay không người lái BQM-34A bay cao 18 km và 1 RF-101 có người lái bay vào do thám 2 trận địa cũ. Tiểu đoàn tên lửa 64 từ trận địa dã chiến trong vòng 16 phút lại xuất sắc bắn rơi liên tiếp cả 2 máy bay trinh sát Mỹ. Thế là mọi việc đã rõ ràng với phía Mỹ.

Ngay hôm sau 27/7, Không quân Mỹ đã huy động 1 lực lượng lớn gồm 50 máy bay các loại (trong đó có 36 cường kích F-105 "Thần sấm", 1 số F-4 "Con ma" và AD-6…) bay cực thấp vào đánh phá 2 trận địa tên lửa giả.

Tên lửa Việt Nam xuất sắc hạ Con ma Mỹ: 2 bất ngờ dành cho Không quân Mỹ ngay trận đầu - Ảnh 6.

Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam chuẩn bị chiến đấu.

Tưởng là sẽ gây bất ngờ và chiếm được ưu thế nhưng chính họ lại bị bất ngờ sập bẫy phục kích của quân dân ta chờ sẵn: sau 40 phút đọ sức quyết liệt, thêm 5 máy bay Mỹ bị bắn hạ (gồm 4 chiếc F-105, 1 chiếc AD-6) và chỉ có 1 phi công kịp nhảy dù, số còn lại đều không kịp thoát vì máy bay bị bắn rơi ở độ cao quá thấp.

Các chiến sỹ cao xạ đã phải bạt thấp thành công sự để hạ nòng pháo bắn máy bay địch bay rất thấp nhằm tránh hỏa lực tên lửa ta.

Đợt tác chiến ra quân đầu tiên của TLPK Việt Nam phối hợp với các lực lượng PK khác đã giành thắng lợi lớn: 8 máy bay Mỹ bị hạ, đủ cả các loại Thần sấm, Con ma, UAV bay cao, bay thấp…, trong đó bộ đội tên lửa bắn rơi 3 chiếc và bắt sống 1 phi công Mỹ.

Nếm mùi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác nhưng hôm sau, đài Mỹ vẫn đưa tin: "1 trong 2 căn cứ SAM ở tây bắc Hà Nội đã bị Không quân Mỹ phá hủy hoàn toàn, còn căn cứ kia cũng bị thiệt hại nặng nề" và lờ đi chuyện họ đã mất 5 máy bay.

Mãi 1 tuần sau, phân tích kỹ không ảnh sau trận đánh, Lầu Năm Góc mới ngậm ngùi phân bua: "Kết quả oanh tạc tuần trước vào 2 căn cứ tên lửa của Bắc Việt là không rõ ràng. Tổn thất của KQ Mỹ ở đây hình như là vô ích…"

Trận đầu ra quân thắng lợi của bộ đội TLPK đã mở ra 1 trang sử mới đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của QĐNDVN trong việc sử dụng vũ khí, khí tài hiện đại và khả năng hiệp đồng tác chiến của các binh chủng tên lửa, radar, cao xạ với lực lượng phòng không địa phương.

Ngày 24/7/1965 đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của bộ đội TLPK Việt Nam. Vượt qua mọi hy sinh, gian khổ và lập tiếp nhiều chiến công mà xuất sắc nhất là đánh bại cuộc tập kích chiến lược của B-52 vào Thủ đô Hà Nội cuối năm 1972, bộ đội TLPK vinh dự là binh chủng đầu tiên của QĐNDVN được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong cuộc KCCM của nhân dân ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại