Tiêm kích MiG bắn hạ F/A-18 Mỹ: Trận không chiến nảy lửa trong chiến dịch "Bão táp Sa mạc"

N. Tuấn Sơn |

"Vào lúc 02h38, giờ Baghdad tiếng chuông điện thoại thuộc kênh Phòng không bất ngờ reo vang. Ai đó gào lên trong điện thoại ở đầu bên kia: Tiêm kích MiG-25, cất cánh ngay lập tức".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không quân Hải quân Mỹ xuất kích ồ ạt từ tàu sân bay vào tấn công Iraq

Thiếu tá Zuhair Dawoud, phi công tiêm kích MiG-25 Không quân Iraq kể lại: "Tôi khóa một mục tiêu ở bán cầu trước tại cự ly 38km [20,5 dặm] và khi vào tới tầm 29km [15,6 dặm], tôi đã phóng một quả tên lửa không đối không R-40RD từ giá treo bên cánh phải. Tôi giữ đường ngắm trên radar cho tới khi thấy một quả cầu lửa lớn bùng lên ngay trước mặt".

Đó là diễn biến chính trong trận so găng đầu tiên trong chiến dịch Bão táp Sa mạc bắt đầu từ lúc 3h00 nửa đêm về sáng ngày 17/01/1991.

Trong đêm đó, 3 nhóm tấn công của Hải quân Mỹ, gồm 2 nhóm làm nhiệm vụ SEAD (chế áp phòng không đối phương) và một nhóm "tấn công Alpha" dẫn đầu bởi 10 chiếc F/A-18C Hornet (Ong bắp cày) từ 2 phi đội VFA-81 và VFA-83 xuất kích từ tàu sân bay USS Saratoga (CV-60) vào tập kích căn cứ sân bay Tammuz của Iraq.

Sau khi cất cánh rời hàng không mẫu hạm, toàn nhóm bay theo đội hình hàng ngang (chính xác là lệch phải so với chiếc đi đầu) với giãn cách từ 2 tới 5 dặm (3,6-8km) và chênh cao 1.000 ft (khoảng 300m) so với chiếc bay liền trước để tránh va chạm trên không.

Theo giải thích của 2 đồng tác giả Douglas C. Dildy & Tom Cooper trong cuốn sách mang tên "F-15C Eagle vs MiG-23/25" thì khi đó nhóm tiêm kích hạm F/A-18 đang bao quát không phận ở phía trước các máy bay cường kích và có thể hỗ trợ nhiệm vụ SEAD cho họ.

5 chiếc "Ong bắp cày" thuộc phi đội VFA-83 mật danh "Rampagers" đi bên trái đội hình ở phía Tây, 5 chiếc còn lại thuộc phi đội VFA-81 mật danh "Sunliners" đi bên phải ở phía Đông. Các máy bay F/A-18 dàn quân theo hình rẻ quạt để tiến vào tuyến phóng tên lửa diệt radar của từng chiếc, lập thành một hình bán nguyệt xung quanh sườn phía Tây căn cứ không quân Tammuz.

Nhóm cường kích đi sau gồm 8 chiếc Grumman A-6E Intruders, trong đó 4 chiếc (thuộc phi đội tấn công VA-35 từ tàu sân bay Saratoga) ném bom lượn từ độ cao 25,000ft (7.620m) vào lúc 04:00-04:03, mỗi chiếc sẽ ném 4 quả bom Mk 84 nặng 2,000lb (907kg) nhằm vào 2 nhà chứa máy bay lớn.

4 chiếc đi sau (thuộc phi đội tấn công VA-75, xuất kích từ tàu sân bay USS John E Kennedy (CV-67)) ném bom GBU-10 cũng nặng 2,000lb (907kg) để phá hủy 2 nhà xưởng kiên cố chuyên dùng cho lắp ráp tiêm kích MiG-29 vào lúc 04:04-04:07.

Chúng được hỗ trợ bởi 3 chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-6B (thuộc phi đội VAQ-130) dưới sự hộ tống của 2 cặp tiêm kích F-14A (thuộc phi đội VF-32), tất cả đều xuất kích từ tàu sân bay Kennedy.

Vì các máy bay tiêm kích hạm F-14A Tomcat thiếu khả năng nhận diện "địch - ta" bằng điện tử, để tránh sự cố "quân ta bắn quân mình" nhằm vào các máy bay tiêm kích F-15C và F-15E của Không quân Mỹ đang có mặt tại khu chiến, vì thế F-14 không được phép bay trước nhóm tấn công của Hải quân Mỹ (trừ khu vực H3 xa hơn ở cực Tây).

Thay vào đó, chúng được giao nhiệm vụ hộ tống gần cho các máy bay bay chậm và không có khả năng tự vệ thuộc nhóm tấn công và hỗ trợ xuất kích từ các tàu sân bay.

Tiêm kích MiG bắn hạ F/A-18 Mỹ: Trận không chiến nảy lửa trong chiến dịch Bão táp Sa mạc - Ảnh 2.

Tiêm kích hạm F/A-18 Hornet thuộc phi đội VAF-81 trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc.

Cuộc không chiến nảy lửa: MiG-25 Iraq bắn hạ F/A-18 Mỹ

Vì những radar của Iraq có tầm trinh sát rất xa ở độ cao lớn nên đội hình tấn công quy mô của Hải quân Mỹ đã bị phát hiện trước khi chúng xuyên qua biên giới và hướng lên phía Bắc.

Vào lúc này (khoảng 3h30 sáng), nhóm tiêm kích duy nhất của Không quân Iraq vẫn đang hoạt động trên không là cặp MiG-29 cố gắng đánh chặn những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ không kích khu vực Talha.

Ngay khi đài chỉ huy mặt đất tại sân bay Tammuz nhận ra một đội hình cường kích lớn dường như đang hướng lên phía Bắc nhằm vào căn cứ không quân Qadessiya (Al Asad), phi đội số 96 ra lệnh báo động cấp 1, cho MiG-25 Foxbat lên đánh chặn nhóm "tấn công Alpha".

Người nhận cuộc gọi là Thiếu tá Zuhair Dawoud, 1 trong 4 phi công MiG-25 khi đó đang trực chiến cấp 1 tại nhà chứa máy bay chính tại căn cứ sân bay Qadessiya. Dawoud sau này đã thuật lại:

"Vào lúc 02h38 ["giờ Baghdad"/03h38 "giờ Riyadh"] tiếng chuông điện thoại thuộc kênh Phòng không bất chợt reo vang, và tôi đã nghe điện. Có ai đó gào lên trong điện thoại ở đầu bên kia: MiG-25 CẤT CÁNH NGAY LẬP TỨC!". Vì thế tôi vội vàng chạy ra máy bay.

Trên thực tế, lúc này các kỹ thuật viên đã sẵn sàng, nên việc xuất kích hết sức nhanh chóng, chỉ mất khoảng 3 phút kể từ khi nhận cuộc gọi là tôi đã lên trời. Sau khi khi cất cánh, tôi mở tần số liên lạc an toàn [bảo mật] và thiết lập kênh liên lạc với dẫn đường mặt đất (GCI) thuộc lực lượng phòng không. Bầu trời quang đãng, tầm nhìn rất tốt.

GCI bắt đầu dẫn tôi tiếp cận nhóm máy bay đối phương lúc đó đã xâm nhập không phận Iraq từ phía Nam căn cứ".

Vừa cất cánh, Dawoud chuyển hướng về phía Nam và bật tăng lực toàn phần leo lên độ cao 8.000m (26.247ft) và tốc độ đạt Mach 1.4 với radar trên máy bay Smerch-A2 ở "chế độ chờ", đang tiếp tục được làm nóng.

Phía trước viên phi công, trong khoảng trời đen thẳm, anh được dẫn bay thẳng vào trung tâm đội hình F/A-18 "ong bắp cày", gần như trực diện với Michael T. "Spock" Anderson, chỉ huy của nhóm "Sunliners".

Tiêm kích MiG bắn hạ F/A-18 Mỹ: Trận không chiến nảy lửa trong chiến dịch Bão táp Sa mạc - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-25 của Không quân Iraq được cất giấu dưới cát trong sa mạc.



Khoảng 70 dặm về phía Nam sân bay Qadessiya, ở độ cao 25.000ft, phi công Anderson, đang bay trên chiếc F/A-18 số hiệu "AA401", đã nhìn thấy MiG-25 trên màn hình radar của mình.

Anderson nhớ lại: "Tôi gần như ngay lập tức bắt được tín hiệu radar từ một mục tiêu bay đang leo cao dần sau khi cất cánh từ một sân bay [ở phía trước chúng tôi]".

"Tôi lập tức xác định đó là một chiếc máy bay đối phương vì chúng tôi có thiết bị nhận dạng địch ta trên chiến đấu cơ F/A-18. Tôi có thể nhìn thấy đuôi lửa của nó do tăng lực, đó là một ngọn lửa dài nhất màu vàng mà tôi từng thấy trên một chiếc MiG-25 từ trước đến nay. Không chần chừ, tôi khóa ngay radar vào nó.


Anh ta (phi công MiG-25 Iraq), tại thời điểm đó bay vòng quanh tôi theo hướng ngược kim đồng hồ. Tôi đã quần 2 vòng với anh ta".

Dawoud xác nhận cuộc không chiến và bắt đầu cơ động mạnh. "Radar của tôi vẫn đang tiếp tục được làm nóng và tôi đang ở cự ly 90km [48,6 dặm] cách đội hình mục tiêu thì một máy bay địch khóa radar nhằm vào tôi. Vì thế tôi thực hiện cơ động mạnh và thoát khỏi bị khóa bắn".

Dù đã nhận rõ đó là máy bay địch, nhưng Anderson đã ghìm chưa phóng tên lửa không đối không vào chiếc MiG-25 khi còn phải chờ xác nhận từ máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-3 Sentry AWACS (mật danh "Cougar").

Tuy nhiên, phản ứng quá nhanh vào tốc độ leo cao lớn của chiếc MiG-25 Foxbat đã vượt ra khỏi trường quan sát radar trên E-3 Sentry và không có tín hiệu điện tử (radar trên MiG-25 của Dawoud lúc đó vẫn chưa phát sóng) để bám sát bằng radar, vì vậy "Cougar" không thể xác nhận đó là mục tiêu thù địch.

Hornet và "Foxbat" ngoặt ra hai phía, tạo thành đúng một vòng tròn trong bầu trời đêm - đuôi lửa tăng lực rực sáng - cho tới khi chúng vượt qua nhau ở 2 hướng ngược lại, sau đó Dawoud lượn vòng ra, tắt tăng lực, vì vậy Anderson đã mất mục tiêu, và "văng ra" hướng về phía Đông, ngay trên đầu đồng đội của mình đang bay số 2 trên chiếc F/A-18 số hiệu "AA406."

Tiêm kích MiG bắn hạ F/A-18 Mỹ: Trận không chiến nảy lửa trong chiến dịch Bão táp Sa mạc - Ảnh 6.

Tiêm kích MiG-25 của Không quân Iraq được cất giấu dưới cát trong sa mạc.


Đi cuối trong đội hình là Thiếu tá hải quân Scott "Spike" Speicher trên chiếc máy bay số hiệu "AA403", đang tiến tới điểm phóng của mình ở tốc độ 364 hải lý/h (655km/h) tại độ cao 28.160ft (gần 8.600m), anh ngắt chế độ bay tự động lúc 03h49p43, chọn chế độ tăng lực và chúi mũi xuống một chút để tăng tốc nhằm tạo đà cho lượt phóng quả tên lửa diệt radar HARM đầu tiên.

Trong vòng 17 giây, Speicher đã tăng tốc lên mức 540 hải lý/h (972km/h) và hạ xuống độ cao 27.872ft (8.500m).

Dawoud tiếp tục câu chuyện:

"Tôi báo cáo với dẫn đường mặt đất về những việc đã xảy ra và anh ta nói với tôi quay lại hướng đánh chặn ban đầu vì các mục tiêu cách tôi ở cự ly 38km [20,5 dặm] và khi còn 29km [15,6 dặm] tôi đã phóng quả tên lửa không đối không R-40RD từ giá treo bên cánh phải.

Tôi giữ đường ngắm trên radar cho tới khi thấy một quả cầu lửa lớn bùng lên ngay trước mặt. Tôi tiếp tục nhìn theo chiếc máy bay xoay tròn rồi rơi xuống đất với quầng lửa bao kín nó".

Vào lúc 03h50 một thành viên điều hành trên chiếc AWACS đã nhín thấy 2 tín hiệu radar "chập vào nhau". Quả tên lửa R-40RD kích nổ từ bên trái phía dưới buồng lái chiếc Hornet.

Vụ nổ từ đầu đạn nặng 154lb (gần 70kg) nổ mạnh văng mảnh đã xuyên vào chiếc F/A-18 từ bên phải theo góc 50-60 độ, đã cắt rời các thùng dầu phụ và giá treo của chúng cùng 1 quả tên lửa HARM. Speicher đã nhảy dù, nhưng viên phi công Mỹ đã chết sau đó.

Chiếc "Ong bắp cày" số hiệu ‘AA403″ của Không quân Hải quân Mỹ đã rơi xuống đất cách sân bay Qadessiya 48 dặm (77km) về phía Nam.

Tiêm kích MiG-25 Không quân Iraq bắn hạ F/A-18 Hornet Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại