Chiến trường Quảng Trị: Quân giải phóng đã giáng cho Mỹ những đòn "kinh hồn bạt vía"

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đúng 11h ngày 30/3/1972, chiến dịch tiến công Quảng Trị mở màn. Bão lửa sấm sét của ta giội xuống Động Toàn, Ba Hồ, 544, 288, 365... khiến chúng choáng váng ngay từ phút đầu.

Đằng sau những giọt nước mắt đau thương, sự khốc liệt tại Quảng Trị là những nụ cười rạng ngời, đầy lạc quan của người chiến sĩ Quân giải phóng.

Đằng sau những giọt nước mắt đau thương, sự khốc liệt tại Quảng Trị là những nụ cười rạng ngời, đầy lạc quan của người chiến sĩ Quân giải phóng.

Chiến trường Quảng Trị khốc liệt: Quân giải phóng giáng cho Mỹ những đòn "kinh hồn bạt vía"

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Quảng Trị luôn là chiến trường khốc liệt nhất về mọi phương diện. Sở dĩ như vậy bởi vùng đất này là nơi đối đầu của hai vốn đều muốn thể hiện sức mạnh của mình. Và tất nhiên, bên nào cũng muốn làm chủ chiến trường này.

Để giành thắng lợi, tất cả các vũ khí, trang bị hiện đại nhất đã được sử dụng ở đây, các đơn vị thiện chiến nhất của hai bên cũng được thử lửa ở đây. Đặc biệt, khi quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam thì mức độ ác liệt của chiến trường này được nâng lên một tầm cao mới.

Để ngăn chặn sự xâm nhập của bộ đội miền Bắc, người Mỹ đã đổ không ít tiền của vào xây dựng một vành đai trắng phía nam "khu phi quân sự" cùng hệ thống cứ điểm phòng ngự dọc theo đường số 9 từ Cửa Việt qua biên giới Việt Lào sang tận Mường Phìn (Lào).

Hệ thống cứ điểm đó kết hợp với những tiến bộ công nghệ vượt trội, với những trang thiết bị hiện đại nhất, người Mỹ hy vọng dựng lên trên đất Quảng Trị một "hàng rào điện tử McNamara" mà "một con chuột chui cũng không lọt" nhằm ngăn chặn sự đột nhập của bộ đội từ miền Bắc vào.

Không chỉ vậy, chiến trường Quảng Trị cũng được quân đội Mỹ "ưu tiên" chi viện hỏa lực vào loại mạnh nhất. Ngoài lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật và pháo mặt đất dày đặc, do có bờ biển dài và chiều ngang hẹp nên chiến trường Quảng Trị còn được pháo hạm từ các tàu chiến của Hạm đội 7 chiếu cố nhiệt tình.

Với tất cả những sự vượt trội ấy, người Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tưởng như đã nắm chắc phần thắng trên chiến trường Quảng Trị. Nhưng họ đã nhầm! Với một chiến thuật hết sức linh hoạt, sáng tạo, Quân giải phóng đã giáng cho họ những đòn "thất điên bát đảo".

Sau thất bại đậm đà trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, người Mỹ đã phải lùi bước, chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", từng bước rút quân Mỹ khỏi miền Nam và chấp nhận ngồi vào bàn đám phán tại Hội nghị Pa-ri.

Tuy nhiên, kể cả chiến lược này với công thức quân lực Việt Nam cộng hòa cộng với hỏa lực Mỹ họ cũng không thể giành thắng lợi. Tuy nhiên, họ cũng gây ra vô vàn khó khăn cho phía Quân giải phóng (QGP) mà đỉnh điểm là Xuân-Hè 1972, khi chiến trường này được chọn là hướng chủ yếu cho cuộc Tổng tiến công chiến lược.

Chiến trường Quảng Trị: Quân giải phóng đã giáng cho Mỹ những đòn kinh hồn bạt vía - Ảnh 2.

Chiến trường Quảng Trị khốc liệt.

Đầu năm 1972, lực lượng quân đội VNCH đồn trú tại mặt trận này gồm 2 sư đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, 1 lữ đoàn thiết giáp, 17 tiểu đoàn pháo binh, với hơn 50 ngàn quân chính quy, cộng với hơn 100.000 quân địa phương.

Về phía QGP, trong cuộc Tiến công chiến lược này đã sử dụng sức mạnh áp đảo với sự có mặt của 5 sư đoàn bộ binh, 4 trung đoàn bộ binh độc lập, 2 trung đoàn xe tăng, 4 trung đoàn pháo binh và một số lực lượng khác...

Đúng 11 giờ ngày 30-3-1972, các đơn vị nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Quảng Trị. Đòn tiến công bất ngờ, sấm sét, bão lửa giội xuống các cứ điểm Động Toàn, Ba Hồ, 544, 288, 365... làm cho chúng choáng váng ngay từ phút đầu.

Hệ thống phòng thủ quân đội VNCH tại Quảng Trị rung chuyển, có nguy cơ sụp đổ. Ngày 2.4, nguyên một Trung đoàn 56 kéo cờ trắng xin hàng.

Với ưu thế về quân số và sự điều chỉnh chiến thuật hợp lý, ngày 2.5.1972 Quân giải phóng đã làm chủ thị xã Quảng Trị, đẩy quân VNCH về phía Nam sống Mỹ Chánh. Lần đầu tiên, một tỉnh của miền Nam được giải phóng hoàn toàn.

Không thể để mất Quảng Trị, chính quyền VNCH đã lập tức tung hai sư đoàn trừ bị chiến lược và thiện chiến nhất là Sư dù và Sư Thủy quân lục chiến ra trực tiếp chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị. Hàng loạt các cuộc hành quân mang tên Lam Sơn 72, Sóng Thần được tổ chức với sự yểm trợ tối đa về hỏa lực của Mỹ hòng tái chiếm Quảng Trị.

Trong cuộc chiến đấu giằng co giữa hai bên này, Thành cổ Quảng Trị trở thành điểm nóng của sự đối đầu. Trong 81 ngày đêm của trận Thành cổ, các lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã dội xuống địa điểm thị xã (rộng chưa đầy 3 km²) và vùng lân cận tổng cộng 120.000 tấn bom đạn, tương đương với 7 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hirosima.

Ngày 16.9.1972, đơn vị cuối cùng của QGP rút khỏi Thành cổ Quảng Trị. Tuy vậy, họ vẫn giữ được hai căn cứ bàn đạp Tích Tường, Như Lệ, Phước Môn, Tân Téo phía Tây và Bích La, An Lộng, Chợ Sãi, Nại Cửu, Long Quang ở phía Đông trên hữu ngạn sông Thạch Hãn. Ngoài ra, sư đoàn 324 vẫn chiếm giữ các vị trí cực tây Quảng Trị.

Hình thái này được giữ vững cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết. Có thể nói rằng, việc làm chủ được phần lớn diện tích tỉnh Quảng Trị là một thắng lợi to lớn của phía Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, tạo tiền đề cho thắng lợi của Tổng tiến công nổi dậy năm 1975.

Chiến trường Quảng Trị: Quân giải phóng đã giáng cho Mỹ những đòn kinh hồn bạt vía - Ảnh 4.

Xác xe tăng và pháo hạng nặng nằm bên đường, gần điểm giao cắt giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 ở thị xã Đông Hà,Quảng Trị năm 1992. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Đức Hans-Peter Grumpe

Những nghĩa trang liệt sĩ có tên và không tên

Sở dĩ QGP có thể giành được thắng lợi to lớn như vậy trên chiến trường Quảng Trị là bởi sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Thống soái tối cao, sự chỉ đạo, chỉ huy tài giỏi của các tướng lĩnh, sự giúp đỡ tận tình của nhân dân địa phương và đặc biệt là tinh thần dũng cảm, chiến đấu hy sinh của đông đảo cán bộ chiến sĩ.

Tại chiến trường Quảng Trị - nơi đối đầu lịch sử này, sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ là vô cùng to lớn. Dễ thấy điều đó nhất là số lượng nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trên địa bàn này nhiều hơn bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S đau thương và anh dũng Việt Nam.

Theo thống kê của Trang tìm kiếm thông tin liệt sĩ của tỉnh thì toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 NTLS, trong đó có 2 NTLS cấp quốc gia là NTLS Trường Sơn và NTLS Đường 9, còn lại huyện nào, xã nào, thậm chí cả một số thôn cũng có NTLS.

Tại hai NTLS cấp quốc gia, số lượng liệt sĩ lên đến hàng chục nghìn mỗi nghĩa trang. NTLS cấp huyện cũng hàng nghìn, cá biệt NTLS huyện Vĩnh Linh có đến gần 6000 liệt sĩ. Các NTLS cấp xã cũng vài trăm đến hàng nghìn. Ngay cả NTLS của thôn cũng gồm hàng chục đến hàng trăm liệt sĩ.

Tổng số liệt sĩ có mộ - kể cả đã biết tên và chưa biết tên trong 72 NTLS trên là 51.795 liệt sĩ. Con số đó dẫu chưa đầy đủ song cũng phần nào nói lên sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cán bộ chiến sĩ tại chiến trường này.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nghĩa trang có tên. Trên mảnh đất Quảng Trị đau thương và anh dũng này còn biết bao địa danh không phải là NTLS nhưng đang ôm ấp trong mình bao hài cốt liệt sĩ.

Đó là dòng sông Thạch Hãn đoạn chảy qua thị xã Quảng Trị - nơi có các bến vượt để tiếp tế lực lượng và vật chất cho cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ. Biết bao chiến sĩ đã hy sinh khi vượt sông giữa mùa mưa lũ, giữa những trận pháo kích tơi bời hay dưới tầm đại liên từ các chốt ở bờ Nam.

Sông Thạch Hãn đã trở nên nổi tiếng bởi 4 câu thơ rất thật song cũng chứa chất nỗi niếm đau đáu của CCB Lê Bá Dương: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ; Đáy sông còn đó bạn tôi nằm; Có tuổi 20 thành sóng nước; Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Chiến trường Quảng Trị: Quân giải phóng đã giáng cho Mỹ những đòn kinh hồn bạt vía - Ảnh 6.

Bài thơ của CCB Lê Bá Dương tại Bến thả hoa bờ Nam.

Không chỉ Thạch Hãn, không ít con sông ở Quảng Trị cũng từng ôm ấp hài cốt bao liệt sĩ trong lòng. Ở xã Hải Trường, Hải Lăng phía nam thị xã Quảng Trị gần 10 km cũng có một con sông không lớn lắm - sông Bến Đá cắt ngang Quốc lộ 1. Cây cầu bắc qua con sông đó cũng mang tên Bến Đá.

Mặc dù đã có biển chỉ dẫn song không phải ai cũng để ý thấy ở ngay đầu cầu phía Nam là một Đài tưởng niệm liệt sĩ. Sở dĩ như vậy bởi nền đất ở đó vốn đã thấp, trong khi con đường Quốc lộ 1 lại được tôn lên vài lần nên vị trí Đài tưởng niệm thấp hẳn xuống so với mặt đường và rất khó phát hiện ra khi đi xe trên đường.

Thì ra chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta xây nên cái Đài tưởng niệm ấy. Qua tìm hiểu được biết, sau ngày giải phóng Quảng Trị, người dân nô nức trở về quê cũ làm ăn. Người chủ của mảnh đất ngay đầu cầu Bến Đá cũng vậy song không được may mắn cho lắm vì những cơn ác mộng thường xuyên đến với gia đình ông.

Sau khi tìm hiểu, ông được biết sau ngày tỉnh Quảng Trị được giải phóng (2.5.1972), tại mảnh đất ngay đầu cầu có một số mộ của các liệt sĩ là bộ đội xe tăng. Tuy nhiên, khi quân đội VNCH phản công chiếm lại khu vực này thì chúng đã dùng máy ủi ủi tất cả số mộ đó xuống sông. Có lẽ đó chính là nguyên nhân mà gia đình ông gặp ác mộng (?).

Suy nghĩ vậy nên ông quyết định xây một ban thờ nhỏ ngay tại rẻo đất đầu cầu và hương khói thường xuyên những mong các liệt sĩ phù hộ độ trì cho gia đình ông được an lành. "Cầu được, ước thấy" - nguyện vọng của gia đình ông đã được các liệt sĩ đáp ứng.

Thấy ứng nghiệm, ông làm đơn gửi lên Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị kể rõ đầu đuôi sự việc và đề nghị Sở đầu tư xây dựng một nơi thờ tự tử tế hơn, gia đình ông sẵn sàng hiến đất. Sở LĐ-TB-XH Quảng trị cử cán bộ về khảo sát, sau đó liên hệ với các Trung đoàn xe tăng 202 và 203 là hai đơn vị xe tăng có tham gia chiến đấu ở Quảng Trị.

Chiến trường Quảng Trị: Quân giải phóng đã giáng cho Mỹ những đòn kinh hồn bạt vía - Ảnh 8.

Tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ xe tăng Bến Đá. Ảnh: Khắc Nguyệt.

Trên cơ sở lịch sử chiến đấu của đơn vị, Trung đoàn xe tăng 203 xác nhận là có một đơn vị của mình đã chiến đấu tại khu vực đó vào ngày 2.5.1972. Tuy nhiên, có một điều rất lạ là không hề tìm thấy mộ các liệt sĩ.

Đối chiếu với câu chuyện của người dân kể, rất có thể mộ các liệt sĩ xe tăng đã bị địch ủi xuống sông. Và một danh sách các liệt sĩ hy sinh ngày hôm đó được đơn vị cung cấp cho Sở LĐ-TB-XH Quảng Trị.

Trên cơ sở danh sách liệt sĩ đó, Sở LĐ-TB-XH Quảng Trị cùng Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp đã khắc bia ghi danh liệt sĩ và xây dựng một Đài tưởng niệm liệt sĩ tại phần đất mà người dân hiến tặng.

Sau mấy lần nâng cấp, Đài tưởng niệm liệt sĩ Bến Đá trở nên khá bề thế và cũng là một điểm đến của các đoàn hành hương - nhất là các CCB xe tăng...

Không thể kể hết trên mảnh đất Quảng Trị có bao nhiêu địa danh như thế. Mà không chỉ có bộ đội bị thương vong, những năm chiến tranh đã có không ít bà con nhân dân Quảng Trị không may dính phải tên bay đạn lạc mà qua đời hoặc trở thành phế nhân.

Và đất đai Quảng Trị nữa, khi mà lượng bom đạn dội xuống đây nhiều hơn lượng bom đạn được sử dụng ở châu Âu trong Chiến tranh Thế giới thứ II nên 83% tổng diện tích Quảng Trị còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Kể từ năm 1975, tỉnh Quảng Trị có 8.500 nạn nhân bom mìn, trong đó 3.400 người chết.

Ác liệt như thế, hy sinh như thế nên Đảng bộ, nhân dân Quảng Trị hiểu sâu sắc hơn ai hết đạo lý "uống nước, nhớ nguồn" và thường xuyên chú trọng công tác "đền ơn, đáp nghĩa".

Các NTLS ở Quảng Trị thường xuyên được tu sửa, tôn tạo; các gia đình TBLS được chăm sóc chu đáo... Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết tỉnh đều tổ chức dâng hương tại các NTLS, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn để tri ân các liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại