Mắc sai lầm này khi sơ cứu chấn thương thể thao có thể để lại hậu quả nghiêm trọng

Hải Yến |

Một trong những cách sơ cứu chấn thương sai mà nhiều người mắc phải là ngay khi bị chấn thương thể thao vết thương đang sưng tấy, đau nhức, nhiều người lựa chọn cách chườm nóng ở vị trí bị thương và cho rằng cách này sẽ làm giảm sưng, đau. Nhưng cách làm này hoàn toàn sai lầm.

Hàng loạt chấn thương có thể gặp phải khi chơi thể thao

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống, Ths.BS Phan Bá Hải, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, BV Việt Đức cho biết, chấn thương thể thao là điều không thể tránh khỏi , nhất là trong thi đấu chuyên nghiệp, ví dụ như trong kỳ SEA Games 31 đang diễn ra tại Việt Nam – quy tụ hơn 40 môn thể thao với 526 nội dung thi đấu khác nhau. Bất kỳ đoàn vận động viên nào cũng đều có lực lượng y bác sĩ riêng đi theo hỗ trợ các vận động viên trong quá trình thi đấu.

Mắc sai lầm này khi sơ cứu chấn thương thể thao có thể để lại hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 1.

Chấn thương thể thao rất thường gặp ở cả vận động viên chuyên nghiệp và người chơi thể thao bình thường.

Không chỉ vận động viên chuyên nghiệp mà bất kỳ người chơi thể thao nào cũng có nguy cơ gặp chấn thương. Chấn thương thể thao thường gặp ở các khớp nhiều hơn so với phần xương, nhất là các khớp đầu gối, vai, cổ chân, cổ tay….

Theo Ths. BS Phan Bá Hải, theo mức độ chấn thương, có thể chia làm mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Chấn thương phổ biến và hay gặp nhất ở người chơi thể thao là bong gân. "Đây chỉ là cách gọi dân gian từ xưa đến nay", BS Hải cho biết. Thực chất bong gân là những chấn thương giãn dây chằng, chia theo các độ, tương ứng với milimet. Giãn dây chằng độ 1, 2 là nhẹ và không cần can thiệp quá nhiều, người bệnh chỉ cần sơ cứu, bất động, nghỉ ngơi và dùng các biện pháp phục hồi chức năng khác sẽ khỏi. Nhưng ở mức độ 3 là có khả năng đứt dây chằng, bệnh nhân phải được phẫu thuật sớm.

Mắc sai lầm này khi sơ cứu chấn thương thể thao có thể để lại hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 2.

Sơ cứu chấn thương cho các vận động viên đá bóng trên sân.

Dấu hiệu khi bị chấn thương thể thao

Ths.BS Phan Bá Hải chỉ ra những triệu chứng, dấu hiệu một người bị chấn thương trong khi tập thể thao:

- Đau ở vị trí chấn thương. 

- Không thể nâng tay, chân, hay vận động như bình thường. 

- Khớp không đạt được tầm vận động như thông thường.

Có những trường hợp sau vài ngày, vài giờ, thậm chí sau vài tháng người bệnh mới phát hiện ra là bị chấn thương thể thao khi đi khám bệnh.

"Đó là những chấn thương mạn tính. Ngay khi va chạm, người bệnh bị chấn thương, thường ở mức độ nhẹ mà không biết hoặc không phát hiện ra. Sau khi áp dụng những biện pháp phục hồi, họ đi lại, vận động bình thường nên không hề nghĩ mình bị chấn thương thể thao. Chỉ đến khi triệu chứng ngày càng rầm rộ, có thể xuất hiện như teo cơ, yếu chi hoặc không thể làm được những việc mà trước đây họ vẫn làm, người bệnh mới đi khám. Lúc đó bệnh đã nặng, có người đến bệnh viện đã đứt dây chằng và phải phẫu thuật", BS Hải nói.

Mắc sai lầm này khi sơ cứu chấn thương thể thao có thể để lại hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 3.

Ths.BS Phan Bá Hải đang chỉ một trường hợp chấn thương rách dây chằng chéo đầu gối do va chạm trong chơi thể thao.

Sơ cứu sai lầm có thể làm tăng nặng chấn thương

BS Hải chia sẻ: "Nếu không may gặp chấn thương nhưng người bệnh không được sơ cứu đúng cách, dùng biện pháp sơ cứu không phù hợp sẽ để lại những di chứng nặng nề, khó xử lý về sau".

Ví dụ như có người khi gặp chấn thương, có cảm giác 1 phần chi thể bị lệch nên tự nắn chỉnh, hay có người lại lựa chọn phương pháp bó lá trị chấn thương sau tập thể thao. BS Hải kể, có bệnh nhân bó lá sau bong gân, giãn dây chằng nhiều tuần không khỏi, khi đến bệnh viện, các bác sĩ phải xử lý những hậu quả rất nặng nề, các tổ chức xung quanh chỗ bó lá bị xơ cứng. Nguy hiểm hơn, có trường hợp bị hoại tử lộ gân, xương do các thành phần không rõ nguồn gốc trong nguyên liệu dùng bó lá, BS Hải cho biết.

BS Hải khuyên, ngoài cấp cứu ngừng tuần hoàn rất hiếm gặp trong chấn thương thể thao, bất cứ người tập thể thao nào cũng cần phải biết 4 nguyên tắc cơ bản khi sơ cứu chấn thương thể thao mức độ nhẹ, thông thường là: nghỉ ngơi (bất động), băng chun, chườm đá và gác cao chi thể. Khi chườm đá, cần lưu ý bọc đá trong các lớp khăn để tránh gây bỏng lạnh cho người bệnh.

Mắc sai lầm này khi sơ cứu chấn thương thể thao có thể để lại hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 4.
Mắc sai lầm này khi sơ cứu chấn thương thể thao có thể để lại hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 5.

Các chấn thương sưng nề tuyệt đối không nên chườm nóng, chỉ chườm đá vào vết thương, nhưng lưu ý phòng tránh bỏng lạnh.

"Người bị chấn thương tuyệt đối không được chườm nóng vào vết sưng đau." - Ths.BS Phan Bá Hải, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, BV Việt Đức.

Trong các trận thi đấu thể thao khi vận động viên gặp chấn thương, bác sĩ thường có lọ xịt lạnh vào khu vực bị sưng. BS Hải lý giải, sau chấn thương, cơ thể thường xuất hiện tụ máu, sưng nề… đây là những phản ứng viêm của cơ thể. Nếu càng tăng nhiệt độ, các phản ứng trong cơ thể xảy ra càng nhanh, càng làm cho vết sưng nề thêm khó chịu, đau nhiều hơn. Đây là nguyên nhân mà khi sơ cứu các chấn thương nói chung và chấn thương thể thao nói riêng, không nên chườm nóng, chỉ chườm lạnh vết sưng nề. Rất nhiều người mắc phải sai lầm này trong xử trí chấn thương.

Bên cạnh đó, Ths.BS Phan Bá Hải cũng khuyên, nếu khi chơi thể thao không may gặp chấn thương nặng dẫn đến gãy chân, tay hoặc tổn thương phần mềm trầm trọng, bệnh nhân cần được bất động, cố định tổn thương bằng nẹp để tránh di lệch thứ phát và ngay lập tức đưa bệnh nhân vào viện để các bác sĩ kịp thời xử lý. Tốt nhất, khi chơi thể thao, người tập thể thao cần trang bị cho mình kiến thức để phòng tránh chấn thương thể thao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại