Tên lửa BrahMos: Vũ khí chiến lược giúp Ấn Độ và Philippines đối phó Trung Quốc

Hồng Anh |

Philippines đã đặt mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Nga và Ấn Độ phối hợp phát triển, với tổng giá trị 375 triệu USD, nhằm tăng cường năng lực hàng hải của nước này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng hành động gây hấn tại Biển Đông.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Ảnh: Reuters

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận cũng được xem là một bước đột phá lớn cho Ấn Độ khi New Delhi đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí cho các đối tác trong khu vực và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí.

Ông Rajiv Bhatia, Cựu đại sứ Ấn Độ tại Myanmar, hiện là học giả ưu tú của Gateway House nhận định: “Nhiều nước trên thế giới không thể mua được công nghệ quốc phòng của phương Tây. Do đó, Ấn Độ đang tìm cách tăng cường sản xuất vũ khí không chỉ để đáp ứng nhu cầu của mình mà còn nhằm cung cấp cho những quốc gia như vậy”.

Tên lửa BrahMos sẽ giúp New Delhi thực hiện chiến lược này. Hiện tại, BrahMos Aerospace -liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của chính phủ Ấn Độ và Tập đoàn công nghiệp quân sự NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga, đang tập trung vào việc nâng cấp tên lửa này.

BrahMos là một trong những tên lửa tiên tiến nhất của Ấn Độ, có tầm bắn 290 km, di chuyển với tốc độ từ 2 Mach đến 3 Mach, tương đương 1km/giây và đã được trang bị cho cả 3 nhánh trong quân đội Ấn Độ kể từ năm 2005.

Nó có thể tích hợp trên nhiều nền tảng khác nhau, từ tàu chiến đến tàu ngầm, máy bay chiến đấu, thậm chí là bệ phóng trên đất liền. Philippines là quốc gia đầu tiên đặt hàng mua tên lửa này.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, quân đội nước này đã triển khai tên lửa BrahMos dọc theo khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc vào năm 2021, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên leo thang.

Trước đó ngày 10/1, Ấn Độ thông báo đã phóng thử thành công một biến thể hải quân tiên tiến của tên lửa BrahMos từ tàu khu trục tàng hình mang tên lửa dẫn đường NS Visakhapatnam có “tầm bắn mở rộng”.

Collin Koh, chuyên gia cao cấp tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định, thỏa thuận mua tên lửa của Philippines không chỉ là một giao dịch về thương mại mà còn mang ý nghĩa chính trị.

Thỏa thuận như vậy không chỉ phản ứng mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa Ấn Độ và Philipines mà còn cho thấy mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tăng cường năng lực tương tác quân sự”, ông Collin Koh nói.

Chuyên gia phân tích an ninh Châu Á Lucio Blanco Pitlo III tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, quyết định mua tên lửa BrahMoss thể hiện sự sẵn sàng của Manila trong việc hợp tác với các đối tác quốc phòng mới, cũng như nâng cao năng lực phòng thủ trên biển và ven biển. Philippines vốn là một đồng minh truyền thống của Mỹ và là quốc gia nhận nhiều vũ khí nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.

Đối với Ấn Độ, thỏa thuận bán tên lửa BrahMos cho Philippines có thể tạo đà cho nước này vươn lên thành nhà cung cấp vũ khí lớn cho Đông Nam Á, chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III lưu ý. Ngoài Philippines, Ấn Độ cũng đang đàm phán với một số quốc gia khác, trong đó có Indonesia để bán các tên lửa tương tự.

Thay đổi cách tiếp cận với Đông Nam Á

Theo giới quan sát, những bước tiến nói trên cho thấy Ấn Độ đang thay đổi cách tiếp cận đối với khu vực. New Delhi ngày càng muốn xây dựng quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với nhiều nước ASEAN có lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông.

Một trong những lý do dẫn đến thay đổi này là sự bế tắc trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, sau các cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước vào năm 2020.

Chuyên gia Collin Koh cho rằng, nếu việc bán vũ khí của Ấn Độ cho các nước Đông Nam Á diễn ra thường xuyên hơn thì tất yếu sẽ có những thỏa thuận hợp tác quốc phòng sâu rộng giữa các bên. “Điều đó sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, củng cố vị thế của New Delhi trong khu vực và đây sẽ là đòn bẩy chiến lược để đối phó với Trung Quốc”.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hy vọng doanh số bán vũ khí gia tăng sẽ giúp nước này đạt mục tiêu xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng lên đến 5 tỷ USD vào năm 2025. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ đạt 1,13 tỷ USD.

Nhà sản xuất BrahMos Aerospace cho biết, ngoài biến thể trên biển với tầm bắn 500km, họ cũng đang thử nghiệm một phiên bản siêu thanh khác với tên gọi BrahMos-II, có thể bay với tốc độ trên 5 Mach.

Đánh giá về những bước tiến này, chuyên gia Collin Koh cho rằng, việc nâng cấp tên lửa BrahMos rất cần thiết cho Hải quân Ấn Độ, giúp họ gia tăng khả năng cạnh tranh với Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại