Phó Giám đốc CDC Hà Nội: "55% người sử dụng smartphone ở Hà Nội vẫn ra đường, như thế chưa có tý gì gọi là giãn cách!"

Thanh An |

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Khổng Minh Tuấn - PGĐ CDC Hà Nội cho hay, hoạt động truy vết, điều tra dịch tễ với các trường hợp F0 mới phát hiện ở Hà Nội đang xuất hiện nhiều khó khăn mới.

Thanh An: Thưa ông, Hà Nội lại cần thêm 15 ngày giãn cách tại các quận huyện được dán nhãn vùng đỏ. Tại thời điểm này ý nghĩa của biện pháp biện pháp giãn cách có thực sự cần thiết đối với lực lượng có chức năng chống dịch như CDC nữa không thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Rất cần chứ. Ý nghĩa của việc thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó", "người ở vùng nào, ở vùng đó" ai cũng biết là để BCĐ và các lực lượng chống dịch có thể có điều kiện tối đa khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, chính một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội lại đang có nhiều hành động vi phạm. Người dân vẫn ra đường. Thậm chí, rất nhiều thanh niên sáng dậy phải xách xe máy chạy lòng vòng vài phố, không qua được chốt kiểm dịch mới phải chịu về nhà. Miệng họ còn lầu bầu kêu chán quá!

Số liệu báo cáo của Bộ TT&TT cho thấy có đến 55% người sử dụng smartphone ở Hà Nội vẫn ra đường. Như vậy thì chưa có tý gì gọi là giãn cách. Giãn cách gì mà vẫn còn quá nửa số người trong thống kê đi ra đường. Nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó" để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để đang bị vi phạm thì làm sao mà nói lực lượng chống dịch có điều kiện thuận lợi để khoanh vùng, hay dập dịch.

Thêm vào đó, khả năng lây lan rất nhanh của biến thể Delta cũng là một thách thức rất khó cho việc truy vết, cho nên chúng tôi rất cần những ngày tới, người dân tuân thủ triệt để các quy định phòng, chống dịch. Người dân có tuân thủ đúng thì người chống dịch mới làm việc hiệu quả được.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội: 55% người sử dụng smartphone ở Hà Nội vẫn ra đường, như thế chưa có tý gì gọi là giãn cách! - Ảnh 1.

Ông Khổng Minh Tuấn - PGĐ CDC Hà Nội . Ảnh: Việt Hùng

Thanh An: Đã 1 tháng rồi, tôi chỉ ra khỏi nhà khi có đủ giấy tờ và để làm việc cần thiết. Không thể chỉ nói người dân đang không tuân thủ đúng quy định nên cần thêm 15 ngày giãn cách nữa, thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Có rất nhiều người tuân thủ đúng như bạn, nhưng cũng không ít người đã và đang cố tình vi phạm. Ở một con phố hay một ngõ nhỏ chỉ cần 1 - 2 trường hợp vô ý thức thôi là khả năng lây nhiễm cho cộng đồng đã xuất hiện.

Thậm chí thời điểm này đang có xu hướng gỡ ứng dụng Bluezone trên Smartphone. Người ta sợ, người ta ngại rồi hàng loạt lý do này khác. Bằng cách này cách khác, họ đang tìm cách lách hoặc chống lại những chính sách giãn cách của chính quyền thành phố. Cho nên thời điểm này, hoạt động điều tra dịch tễ, truy vết cực kỳ khó khăn vất vả.

Thanh An: Trước đây mất bao lâu để điều tra và có được lịch sử dịch tễ của một ca F0 và bây giờ là bao lâu thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Trước đây chỉ trong vòng một ngày đầu tiên là mình có thể điều tra hết thông tin dịch tễ của bệnh nhân. Còn bây giờ thì rất khó. Đặc biệt xác định nguồn lây ở đâu thì còn khó hơn. Vì họ không khai. Họ sợ khai ra là vi phạm quy định, vi phạm pháp luật...

Chúng ta phải có chế tài gì đó với trường hợp truy vết bệnh truyền nhiễm chứ, thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Chúng tôi chỉ là nhân viên y tế, làm hết sức, giải thích hết sức nếu người dân không khai báo nữa là thôi. Tắc luôn.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội: 55% người sử dụng smartphone ở Hà Nội vẫn ra đường, như thế chưa có tý gì gọi là giãn cách! - Ảnh 2.

Chân dung Kỹ thuật viên CDC Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng

Thanh An: Đến giờ phút này có những "vùng đỏ" nào ở Hà Nội ông thực sự lo ngại?

Ông Khổng Minh Tuấn: Các trục Thanh Xuân - Đống Đa - Hai Bà Trưng - Hoàng Mai - Ba Đình. Đấy là 5 khu vực đáng ngại nhất.

Những địa bàn này mấy ngày vừa rồi đều xuất hiện F0 mới tại các khu vực mới. Còn những quận huyện khác đến thời điểm này số liệu đang cho thấy các ca mới thường chỉ là F1 nổi thành F0 hoặc nhiễm ở ổ dịch khác, vẫn truy ra nguồn.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội: 55% người sử dụng smartphone ở Hà Nội vẫn ra đường, như thế chưa có tý gì gọi là giãn cách! - Ảnh 3.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Việt Hùng

Thanh An: Đánh giá của ông với tư cách là một chuyên gia truy vết, liệu Hà Nội có thể trở về giai đoạn sạch F0 trong tương lai là như thế nào?

Ông Khổng Minh Tuấn: Theo xu hướng phát triển chung của toàn quốc, việc hết sạch F0 trong cộng đồng ở giai đoạn này sẽ rất khó khả thi.

Tất nhiên mong muốn của người làm y tế dự phòng là luôn đạt được mức kiểm soát lý tưởng. Ví dụ như giai đoạn giữa đến cuối năm ngoái, chúng ta đã kiểm soát gần như sạch virus SARS-CoV-2 ở Hà Nội. Nhưng thời điểm này dịch đã âm thầm trong thời gian quá lâu, mức độ phát tán, tản mát nguồn bệnh quá rộng chứ không còn trong một vài khu vực nhỏ như những lần trước.

Hơn nữa, phải nhìn vào thực tế hiện có để thấy nguồn lực điều trị chuyên sâu của chúng ta không nhiều, người có bệnh nền trong cộng đồng lại lớn cho nên thành phố vẫn phải tiếp tục giãn cách là vì như vậy.

Chúng tôi hy vọng thêm 15 ngày nữa, khi tốc độ xét nghiệm được tăng lên "khủng khiếp" kết hợp với giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt thì có thể tiến đến mức bóc gần hết F0 trong cộng đồng. Và khi đưa F0 xuống một số lượng rất ít thì nguy cơ và áp lực dịch bệnh gây cho thành phố sẽ ở mức không cao lắm, lúc đấy khống chế sẽ dễ hơn.

Thanh An: Tốc độ xét nghiệm của Hà Nội được tăng lên "khủng khiếp" nghĩa là như thế nào thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Địa bàn Hà Nội thuận lợi hơn so với các tỉnh thành khác trong cả nước khi có thể huy động nhiều đơn vị cùng tham gia xét nghiệm Covid-19 với số lượng mẫu lớn. Tất nhiên, công tác khẳng định thì CDC Hà Nội phải làm. Cũng như vậy, CDC phải trực tiếp nhận mẫu và làm xét nghiệm tại những khu vực trọng điểm, hay còn gọi là mẫu khẩn.

Chỉ tính riêng trong 2 ngày từ 4 - 5/9, thành phố đang yêu cầu phải làm xong 1 triệu mẫu đây. Bạn tính xem, 48 tiếng đồng hồ mà phải lấy mẫu, thu - nhận mẫu, tách chiết - bất hoạt, chạy máy, đọc chẩn đoán, kết luận, thống kê... 1 triệu mẫu sàng lọc Covid-19. Không "khủng khiếp" thì là gì?

Anh chị em toàn cơ quan đang chạy hết công suất. Tất cả nhân viên các Trung tâm y tế quận huyện, y tế học đường, sinh viên các trường cao đẳng, đại học đào tạo ngành Y trên địa bàn... đều huy động hết.

Trắng đêm bao lâu nay rồi nên chúng tôi chẳng còn cảm giác gì nữa. Đợt này thú thật với bạn là nếu còn chút thời gian nào thì lao vào chạy đua với công việc, không còn hơi sức đâu ngồi thở than hay tâm sự như trước đây nữa đâu.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội: 55% người sử dụng smartphone ở Hà Nội vẫn ra đường, như thế chưa có tý gì gọi là giãn cách! - Ảnh 4.

Chỉ tính riêng trong 2 ngày từ 4 - 5/9, thành phố đang yêu cầu phải làm xong 1 triệu mẫu sàng lọc Covid-19. Ảnh: Việt Hùng

Thanh An: Còn giải pháp tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Hà Nội, có gì thay đổi trong giai đoạn tới không thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Thời điểm này Hà Nội phải thực tế và tỉnh táo hơn rất nhiều trong hoạt động triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Ba đối tượng người già trên 65 tuổi, người có bệnh nền - bệnh mãn tính và phụ nữ có thai (nếu đồng ý tiêm) là những đối tượng được ưu tiên đặc biệt trong danh sách tiêm của Hà Nội thời gian tới. Rất may, theo đúng kế hoạch, trong tháng 9 này, nguồn vắc xin được tài trợ sẽ về đến Việt Nam khá dồn dập. Thành phố định hướng tất cả vắc xin của hãng Pfizer sẽ chỉ dành sử dụng để tiêm cho 3 đối tượng đặc biệt đó.

Điều chúng tôi mong muốn là trong bất kỳ tình huống nào xảy ra, kể cả xấu nhất thì những đối tượng cần được bảo vệ sẽ có được sự bảo vệ tốt nhất ở Hà Nội./.

Mời độc giả gửi câu hỏi Toạ đàm trực "HÀ NỘI CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH"

Toạ đàm trực tuyến "Hà Nội cần làm gì để kiểm soát dịch bệnh?" với sự tham gia của chuyên gia khách mời là BS CKII Khổng Minh Tuấn, PGĐ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) diễn ra vào lúc 14h30 ngày 08/09/2021.

Quý độc giả quan tâm đến tình hình dịch bệnh của Hà Nội và có các câu hỏi gửi chuyên gia khách mời của chương trình xin để lại câu hỏi TẠI ĐÂY và theo dõi chương trình để nhận câu trả lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại