Nghệ sĩ thổi sáo và vụ trộm chấn động nước Anh

Đăng Bẩy (Theo Lenta.ru) |

Tháng 6-2009, Bảo tàng Lịch sử - Tự nhiên tại thị trấn Tring thuộc hạt Hertfordshire nước Anh xảy ra một vụ trộm hy hữu, kẻ trộm đã lấy đi gần 300 con chim nhồi thuộc loại rất quý hiếm đang lưu giữ tại đây.

Hơn một năm sau cảnh sát mới bắt được thủ phạm, đó không phải là một tên trộm chuyên nghiệp mà là một nghệ sĩ flute trẻ tài năng người Mỹ mới 20 tuổi, đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh…

Chàng trai vàng

Edwin Rist được thầy và bạn nhớ như một nghệ sĩ thổi flute (sáo) điệu nghệ. Anh ra đời ở New York, sau đó theo gia đình chuyển đến thung lũng Hudson rồi sang Anh theo Học viện Âm nhạc Hoàng gia. Nhưng niềm say mê chính của anh lại không phải là âm nhạc.

Nghệ sĩ thổi sáo và vụ trộm chấn động nước Anh - Ảnh 1.

Edwin Rist.

10 tuổi, Edwin đã yêu thích tết mồi giả, làm những con côn trùng lạ mắt và to lớn, cho người câu cá hồi Đại Tây Dương. Để có những mồi như thế người ta thường sử dụng những vật liệu tự nhiên rẻ tiền, nhạt màu như lông gà, lông thỏ…

Hai năm sau Rist đã dự nhiều buổi gặp gỡ, những festival lớn của các cần thủ, nơi người ta kể về nghề tết mồi giả… Một lần, Rist gặp một chuyên gia về câu cá hồi có tới 60 kiểu mồi đẹp đến kinh ngạc: quấn quanh lưỡi câu là những chiếc lông chim rực rỡ được làm theo kiểu của thế kỷ XIX.

Những mồi này có nét đặc biệt là không hề giống loài côn trùng nào: loài cá hồi Đại Tây Dương chỉ thích bắt những thứ mồi có màu sắc sặc sỡ. Rồi Rist theo học những khóa đặc biệt và nhanh chóng nổi bật trong nghề tết mồi giả.

Rist đã đạt tới tài nghệ khiến một tạp chí chuyên về câu cá Fly Tyer năm 2005 đã tặng cho biệt danh “future of fly-tying” (tương lai của nghề tết mồi giả). Diễn đàn Classic Fly Tying có thành viên ở khắp thế giới đã phải công nhận Edwin Rist là người làm mồi giả khéo nhất thế giới.

Nhưng có một thứ lúc nào Rist cũng thiếu, đó là lông chim thật, bởi vì lông chim càng kỳ lạ, càng hiệu quả thì uy tín của người tết càng cao, kiếm được càng nhiều tiền.

Nghệ sĩ thổi sáo và vụ trộm chấn động nước Anh - Ảnh 2.

Từ 299 tiêu bản chim bị Rist ăn trộm.

Nghề làm mồi giả đã có ở Anh từ 150 năm nay và đòi hỏi rất kỳ công, cần đến lông của một số loài chim quý hiếm, trong đó có nhiều loài được nhà nước bảo vệ, thậm chí còn đang gặp nguy cơ tuyệt diệt (tức là được đưa vào sách đỏ trên toàn cầu).

Ví dụ, năm 1990, để làm mồi giả câu cá, một người thợ đã sử dụng đến 150 thứ vật liệu – từ lông chồn nâu châu Âu và gấu trắng đến lông những con chim trĩ đỏ, ô tác lớn châu Phi và vẹt xanh Brazil. Đôi khi những bộ lông như thế có giá cả rất cao và thường chỉ thuộc về những nhà sưu tập giàu có.

Những người am hiểu nói rằng để sản xuất ra những cái mồi như thế có thể tốn hàng nghìn USD và phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí chúng còn không được sử dụng vào việc câu cá hồi mà thường trở thành tác phẩm nghệ thuật dành cho các nhà sưu tập.

Những người làm mồi giả và cần thủ thường tụ tập trên mạng theo từng nhóm ở Facebook và bình phẩm về các “đồng nghiệp” từ quá khứ, tranh luận về những trường phái khác nhau. Họ nói về những phương cách làm việc đa dạng như bàn về một nghệ thuật cao cả.

Edwin Rist sang London du học thì nhận được email của một người nặc danh, kể về Bảo tàng Lịch sử - Tự nhiên ở Tring, nơi sở hữu bộ sưu tập điểu cầm học lớn nhất thế giới. Người ấy còn gửi kèm cả những bức ảnh chụp nhà kho chứa đầy hiện vật - là những chim nhồi kỳ lạ mà Rist hằng ao ước.

Lác mắt trước kho tiêu bản có thể sử dụng vào việc tết mồi, Rist sẽ chẳng bao giờ lo thiếu lông chim. Vấn đề tài chính làm Rist ít quan tâm hơn là vấn đề sáng tạo. Với những bộ lông chim từ bộ sưu tập của bảo tàng này, Rist có thể trở thành bậc thầy vô song và mãi mãi đi vào lịch sử của nghề làm mồi giả. Trong mơ ước về tương lai, nghệ sĩ thổi flute kiêm thợ tết mồi giả bắt đầu cuộc khảo sát bảo tàng.

Ngày 5-11-2008, Rist vào khu điểu cầm học của Bảo tàng Lịch sử - Tự nhiên Anh ở thành phố Tring, ghi danh vào sổ đăng ký và nộp bảo vệ giấy tờ tùy thân. Rist xin được chụp ảnh các hiện vật phục vụ việc viết một luận văn nói về loài chim thiên đường. Một nhân viên trẻ tuổi đưa anh vào nhà kho rồi để lại một mình Rist trước những cái tủ đề “Chim thiên đường”.

Tay run run, Rist mở cánh cửa tủ và vừa lôi ngăn kéo ra vừa ngắm nghía những bộ lông nhiều màu sắc. Mỗi tiêu bản có gắn một thẻ ghi rõ những thông số then chốt – kích thước của chim, ngày tháng bắt được và tên người bắt. Rất nhiều con chim đã trở thành chiến lợi phẩm của nhà tự nhiên học xuất sắc người Anh Alfred Wallace (1823-1913), một người cùng thời với nhà tự nhiên học nổi tiếng Charles Darwin (1809-1882).

Nghệ sĩ thổi sáo và vụ trộm chấn động nước Anh - Ảnh 3.

Trưng bày điểu cầm học ở bảo tàng Lịch sử - tự nhiên Tring.

Mắt Rist nhòa đi bởi những bộ lông chim nhiều màu sắc. Ngay từ chiếc tủ đầu tiên, mấy chục con chim nhồi, mấy trăm bộ lông, mấy ngàn USD tiềm năng sẽ là thu nhập của Rist, mà ở đây còn có nhiều chục tủ nữa…

Chân bước mê mải theo hành lang của khu lưu trữ chim thiên đường, Rist không chỉ chụp ảnh mà còn cẩn thận ghi nhớ thật kỹ vị trí của từng hiện vật.

Chim thiên đường

Những con chim thiên đường đỏ tía, bộ lông ánh màu kim loại do nhà tự nhiên học Alfred Wallace phát hiện ra tại quần đảo Aru bên bờ biển New Guinea. Ông đã qua hàng nghìn kilometre, nếm trải vô số căn bệnh, băng qua những cánh rừng rượt theo những con chim thiên đường sở hữu vẻ đẹp thánh thiện.

Nhà tự nhiên học lo ngại nền văn minh sẽ tràn đến những khu rừng này, ngay từ năm 1850, ông đã thấy rõ rằng vẻ đẹp thiên nhiên đó đang bị tàn phá, loài người rồi sẽ có những tác động tiêu cực làm cho những loài chim đẹp tuyệt vời mà mình đánh giá rất cao ấy phải tuyệt diệt…

Những tiêu bản chim thiên đường đã được một hậu duệ của đế chế tài chính ngân hàng Lionel Rothschild (1868-1937) mua lại để làm bộ sưu tập trong dinh thự của mình, về sau phát triển thành một chi nhánh của bảo tàng London.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đức tấn công nước Anh, bảo tàng chính ở Nam Kensington bị đánh bom đến 28 lần.

Đêm đến, người Anh phải dùng mấy chiếc ô tô bí mật chuyển bộ sưu tập điểu cầm học của Russel Wallace và Charles Darwin sang một bảo tàng mới tại Tring ở Rothschild. Như thế, Bảo tàng Lịch sử - Tự nhiên ở Tring được sở hữu bộ sưu tập điểu cầm học lớn thứ hai trên thế giới.

Những bộ sưu tập điểu cầm học như ở Bảo tàng Tring có thể giúp trả lời những vấn đề cốt lõi về sự biến mất của các loài chim và về biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó chúng được cộng đồng khoa học rất nâng niu. Tiếp theo những khám phá ở châu Âu, vào thế kỷ XIX, mốt dùng lông chim để trang trí cũng đã đến châu Mỹ.

Những chiến sĩ bảo vệ thiên nhiên khi đó đã gọi đây là cuộc tàn sát những sinh linh vô tội: vì lợi nhuận, các loài chim biến mất với quy mô công nghiệp, điều này dẫn đến việc cấm buôn bán lông chim và phong trào bảo vệ động vật nổi lên.

Ông Robert Pryc-Jones, một nhà khoa học của Bảo tàng Lịch sử - Tự nhiên cho biết: những hiện vật của bảo tàng là tài liệu độc nhất vô nhị để nhận được nhiều thông tin, từ ngoại hình loài chim đến đặc điểm bộ gien, nhưng đến tận bây giờ không phải ai cũng biết giá trị của chúng và không chịu hiểu điều này.

Những lợi ích và hứng thú cá nhân đặt cao hơn Công ước quốc tế về buôn bán các dạng hoang dã của hệ động thực vật đang có nguy cơ biến mất. Cho nên bảo vệ các loài chim với các nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn thẩm mỹ chính là cách nhìn lạc quan của nhân loại.

Vụ trộm hy hữu

Nhờ quan sát trước, lại chụp nhiều ảnh hiện vật, hành lang, vị trí từng phòng, lối vào, lối thoát… nên Edwin Rist lên kế hoạch hành động. Trong vòng 8 tháng sau, Rist mua những đồ cần thiết cho cuộc trộm: vali có khóa dây, dao cắt kính, kìm cắt thép… và lấy đôi găng tay cao su từ vị bác sĩ chữa bệnh cho mình.

Nghệ sĩ thổi sáo và vụ trộm chấn động nước Anh - Ảnh 4.

Mồi giả để câu cá hồi Đại Tây Dương.

Đêm 23-6-2009, Rist vẫn biểu diễn ở London. Sau đó anh ta mang vali rỗng ruột lên tàu đi Tring và 45 phút sau đã đến bảo tàng. Rist kéo vali đến sau tòa nhà bảo tàng, cắt dây thép gai hàng rào, không cắt được kính, anh ta đập vỡ và lọt vào trong.

Vài giờ sau, Rist đã kịp nhét vào hành lý của mình 299 tiêu bản chim trong khi hệ thống báo động chỉ làm việc ở phần khác của nhà bảo tàng và bảo vệ không biết gì. Thời gian ấy đang có truyền hình trực tiếp một trận bóng đá quan trọng do đó bộ phận bảo vệ không phản ứng kịp thời…

Rist tập trung vào việc trộm, không theo dõi đồng hồ nên trễ chuyến tàu cuối cùng về London. Suốt đêm đó Rist ôm chiếc vali trị giá 1 triệu USD ở không xa chỗ phạm tội là mấy và sáng hôm sau bình tĩnh lên tàu.

Cảnh sát Anh phải mất hơn một năm theo dõi Rist mặc dù anh ta không ẩn nấp ở đâu: anh ta tự làm mồi câu và bán lông chim, cả buôn cả lẻ, để lấy tiền trả học phí, mua cây flute mới và giúp bố mẹ kinh doanh nghề lai tạo giống chó.

Được vài tháng, chỉ còn 174 con chim nhồi mà chỉ 100 con còn giữ được thẻ nghiên cứu (ở đâu và khi nào bắt được), nếu thiếu thứ này thì tiêu bản không có giá trị với khoa học.

Năm 2010 Rist bị bắt. Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ khẳng định rằng chàng sinh viên này mắc hội chứng asperger (rối loạn phát triển thần kinh) nên khó phân biệt hành vi nào đúng hành vi nào sai. May mắn thay, lời bào chữa này được tòa án chấp nhận nên tòa chỉ tuyên án Rist 1 năm tù cho hưởng án treo và buộc thủ phạm hoàn trả số tiền 125.150 bảng. Nhưng Rist chỉ đền được… 10%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại