Afghanistan: Viễn cảnh nội chiến

Phan Quang Vũ |

Tình hình an ninh tại Afghanistan hiện ngày thêm rối ren trong khi các tay súng Taliban gia tăng hoạt động. Vòng xoáy bất ổn mới này sẽ dẫn đến điều gì và liệu rằng kịch bản cuộc nội chiến như thập niên 90 của thế kỷ trước có lặp lại tại đất nước này? Trong khi đó xung đột gia tăng đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của Afghanistan và khiến người dân phải chịu nhiều đau khổ hơn.

Lực lượng Taliban gia tăng hoạt động tại Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Lực lượng Taliban gia tăng hoạt động tại Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Vào ngày 30/7, quân đội của Nga và Uzbekistan chính thức vào một cuộc tập trận chung. Đây là động thái được cho là thể hiện sự hỗ trợ của Moscow đối với đồng minh Trung Á để đối phó với các nguy cơ an ninh từ Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ và NATO rút đi.

Cuộc tập trận có sự tham gia của 200 đơn vị chiến đấu của hai bên. Quân khu Trung tâm của Nga cho biết một phi đội máy bay tấn công đã được điều động từ một căn cứ của Nga ở Kyrgyzstan đến khu vực tập trận.

Chưa hết, đến ngày 5/8, các lực lượng của Nga, Uzbekistan và Tajikistan sẽ lại mở một cuộc tập trận nữa.

Vòng xoáy bất ổn

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh ở Moscow, quan chức Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết các cuộc tập trận là một tín hiệu gửi tới các đồng minh Trung Á của Nga rằng tình hình ở Afghanistan “sẽ không có vấn đề gì”.

Tajikistan có chung đường biên giới dài 1.357 km với Afghanistan. Trong khi đó, đường biên giới chung giữa Uzbekistan và Afghanistan ngắn hơn, chỉ dài 144 km.

Kể từ thời điểm đầu tháng 5, khi Mỹ và các đồng minh trong NATO bắt đầu quá trình rút quân, tình hình an ninh tại Afghanistan lập tức rối ren. Taliban gia tăng các hoạt động tấn công nhằm lấn chiếm lãnh thổ trên quy mô lớn.

Tới cuối tháng 7, Taliban đã kiểm soát 124 quận, trong khi 186 quận khác đang là nơi tranh chấp với quân Chính phủ. Đáng chú ý, 2/3 trong tổng số 1.357 km biên giới giới giữa Tajikistan và Afghanistan đã có sự xuất hiện của lực lượng Taliban.

Trước việc Taliban gia tăng các hoạt động bạo lực, nhiều cộng đồng địa phương đã đoàn kết và tự vũ trang. Về phía Kabul, họ vẫn tuyên bố sẽ giành lại các khu vực đã rơi vào tay Taliban, tuy nhiên điều đó là vô cùng khó khăn.

Việc Taliban trở lại với các cuộc tấn công giành giật lãnh thổ là điều đáng lo ngại. Viễn cảnh một cuộc nội chiến nữa với quốc gia này như trong giai đoạn năm 1990 đã rõ ràng.

Người ta lo ngại rằng, nếu Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước nghèo khó và đầy chia rẽ này cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như al-Qaeda, IS… những tổ chức từng có liên hệ mật thiết với Taliban có thể sẽ trở lại để gây dựng lực lượng và mở rộng hoạt động.

Người Afghanistan phải tự quyết định tương lai?

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đang đẩy nhanh thời điểm hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 31/8, thay vì ngày 11/9 như dự kiến.

Tới nay, Washington đã rút hơn 90% quân số. Như vậy, kể từ ngày 31/8 tới sẽ chỉ còn 650 binh sĩ ở lại Afghanistan để bảo vệ cho Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.

Ông Biden cho rằng quân đội Mỹ đã đạt được các mục tiêu của mình ở Afghanistan: giết Osama bin Laden đồng thời làm suy yếu Al-Qaeda, thủ phạm vụ khủng bố ngày 11/9/2001. “Đó là lý do tại sao chúng tôi rút đi. Người Afghanistan phải tự quyết định tương lai của họ và cách họ muốn điều hành quốc gia của mình”, ông Biden nêu quan điểm.

Cũng cần nhắc lại, năm 2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã gửi quân đến Afghanistan sau khi vụ tấn công Trung tâm Thương mại thế giới tại New York xảy ra vào ngày 11/9.

Trong một diễn biến khác, phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, cho biết quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc không kích yểm trợ cho lực lượng an ninh Afghanistan, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Còn phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid thì cho rằng Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích đêm 21/7 trên vùng ngoại ô thành phố Kandahar, miền nam Afghanistan.

Đây là cuộc không kích đầu tiên của Mỹ kể từ khi tướng Scott Miller, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan trao quyền chỉ huy chiến trường cho tướng Frank McKenzie.

Đáp lại, một đại diện của Taliban, Suhail Shaheen, tuyên bố: Taliban chỉ dừng tấn công khi một chính phủ hiệp thương mới chấp nhận được với tất cả các bên trong xung đột được thành lập ở Kabul và chính phủ của ông Ashraf Ghani bị xóa bỏ.

Liệu Taliban có “dừng chân” ở Afghanistan?

Afghanistan với vị trí địa lý mang tính chiến lược là cầu nối giữa khu vực Nam Á với các quốc gia Trung Á, giữa Đông và Tây Á. Chính bởi vậy, bất cứ một sự thay đổi nào ở đất nước này cũng sẽ có ảnh hưởng lan truyền tới khu vực.

Một khi đất nước Afghanistan trở lại với vòng nội chiến và bạo lực, nơi đây sẽ trở thành trung tâm bất ổn không chỉ với các nước láng giềng.

Khi mà tình hình Afghanistan ngày một nóng bỏng, giới quan sát quốc tế đã bày tỏ lo ngại về tham vọng quyền lực của Taliban. Liệu Taliban có “dừng chân” ở Afghanistan hay sẽ xây dựng một đế chế rộng lớn hơn rất nhiều, mà trước hết là một phần lãnh thổ của Pakistan.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN, thủ lĩnh lực lượng Taliban ở Pakistan, Mufti Noor Mehsud, đã không giấu giếm khi cho biết sẽ giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Pakistan dọc theo biên giới Afghanistan.

“Chúng tôi đã tiến hành thánh chiến chống lại Pakistan và chúng tôi muốn thiết lập một đế chế trên thế giới dưới ngọn cờ của Các tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” - Mehsud viết trong một cuốn sách của mình.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi mà Taliban hiện đã kiểm soát được nhiều vùng biên giới của Afghanistan với Tajikistan và Uzbekistan. Phần còn lại của Afghanistan, bao gồm Kabul và các thành phố lớn cũng được cho là “không còn nằm xa tầm với của Taliban”.

Afghanistan đang trong vòng xoáy bất ổn, trở thành điểm nóng địa chính trị thực sự thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Cho tới ngày 1/8, các tay súng Taliban đã bao vây Herat, Lashkar Gah và Kandahar - những thành phố có vị trí chiến lược của Afghanistan.

Tại thành phố Lashkar Gah, Taliban chỉ còn cách Văn phòng Thống đốc vài trăm mét. Taliban xem thành phố Kandahar là trọng tâm trong kế hoạch chiến lược khi muốn sử dụng thành phố này làm thủ đô tạm thời nên quyết tâm phải giành được nó.

Nếu Kandahar thất thủ, khoảng 6 tỉnh khác gần đó rất dễ rơi vào tay Taliban. Còn tại thành phố Herat, giao tranh ngày càng tăng khi các tay súng Taliban tiến vào khu vực phía nam thành phố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại