Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước

Bảo Nam |

Sau những trận mưa lớn trút xuống tỉnh Hà Nam gần đây, những con đường đã trở thành sông và hầu hết các phương tiện đều chìm trong nước không thể di chuyển vì chết máy, trừ xe điện.

Trung Quốc đang trải qua một thảm họa thiên nhiên đáng sợ, khi những cơn mưa lớn như trút nước xuống khu vực tỉnh Hà Nam. Những con đường ngập nước trở thành sông, việc đi lại vô cùng khó khăn, hầu hết các phương tiện đều chết máy.

Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, nhiều video quay thực tế về những chiếc xe điện đã "biến hình" thành thuyền điện liên tục ra đời, gây xôn xao cộng đồng mạng nước này.

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 1.

Trong thời tiết xấu, khi không còn sự lựa chọn nào khác, ô tô điện có thể biến thành thuyền điện.

Nổi bật trong số đó là đoạn video ghi lại cảnh một chủ xe ở Trịnh Châu, lái chiếc Tesla Model 3, lao đi băng băng trong vùng nước sâu đã lan truyền mạnh mẽ. Video cho thấy nước đã gần tràn qua hết phần nắp capo, nhưng chủ xe vẫn dũng cảm điều khiển nó lao về phía trước.

Nhưng Tesla không phải là dòng xe điện duy nhất làm được điều đó.

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 2.

Một chủ xe điện đang di chuyển trên đường ngập nước.

Một số video và hình ảnh khác được chia sẻ cho thấy những chiếc xe điện nội địa của hãng Weilai, BYD cũng có thể di chuyển, dù nước đã dâng cao ngang kính cửa sổ. Các hình ảnh cho thấy màn hình trên xe hiển thị công suất 49-51kw, tức là lúc này động cơ vẫn duy trì gần 70 mã lực để "đẩy" xe về phía trước. Có những lúc, nước bắn thẳng ra toàn bộ cửa kính xe, chủ xe chỉ còn thấy cần gạt nước trong tầm nhìn.

"Đây không phải là một chiếc xe, đây là một chiếc tàu ngầm", một cư dân mạng bình luận. Nhiều người cũng đặt biệt danh cho chúng là "thế hệ tàu ngầm mới".

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 3.

Tại sao xe điện có thể làm được điều này?

Theo suy nghĩ chung của hầu hết mọi người, cần phải hết sức thận trọng khi lái xe qua vùng ngập nước. Còn đối với khu vực nước sâu là nơi những chiếc ô tô luôn phải tránh né. Tuy nhiên, trong trận mưa lớn ở Hà Nam, nhiều phương tiện chạy điện đã biến thành "thuyền điện" và lao đi vun vút trên những con đường chẳng khác gì sông.

Thực tế, đối với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu truyền thống, các vùng nước sâu đúng là vùng cấm. Bởi vì cốt lõi nguồn năng lượng của chúng là động cơ đốt trong. Khi động cơ hoạt động, hỗn hợp xăng và không khí được đốt cháy trong buồng đốt của động cơ, năng lượng sinh ra sẽ thúc đẩy piston chuyển động, từ đó làm trục khuỷu quay để sinh ra năng lượng cơ học cung cấp năng lượng cho xe chạy bằng nhiên liệu.

Hãy tưởng tượng một người không biết bơi đột nhiên bị rơi xuống sông, nước sẽ tràn vào đường hô hấp từ lỗ mũi rồi vào phổi, gây ngạt thở. Còn khi ô tô đi vào vùng nước sâu, nó cũng sẽ "chết chìm" trong đó, bởi nước từ bên ngoài sẽ tràn vào động cơ qua "lỗ mũi" của ô tô chính là khe hút gió. Khi một lượng lớn nước vào buồng đốt, bugi có thể không đánh lửa được hỗn hợp xăng và không khí. Nhưng piston vẫn thực hiện các chu trình "nạp" và "nén", hỗn hợp dầu khí bị nén lại cùng với nước. Áp lực tạo ra sẽ phá bung các van nạp và van xả, đồng thời các thanh nối van cùng nhiều thành phần khác sẽ bị biến dạng và bong tróc.

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 4.

Đi vào vùng nước sâu, chủ xe chạy nhiên liệu chỉ có thể bỏ của giữ người.

Ngay cả khi động cơ không có vấn đề gì lớn, nhưng chỉ cần nước ngấm vào thì chắc chắn động cơ sẽ sinh ra rỉ sét và ăn mòn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ. Đây cũng là lý do những chiếc xe từng bị ngâm trong nước, hay còn gọi là thủy kích, trên thị trường xe cũ không bao giờ được ưa chuộng.

Vì vậy, các phương tiện chạy bằng nhiên liệu cũng giống như con người và nó cần thở. Lái xe chạy nhiên liệu xuống vùng nước sâu tương đương với việc ném một người không bao giờ học bơi vào bể bơi mà không có áo phao, không chết cũng "ngắc ngoải".

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 5.

Nhưng xe điện thì khác.

Động năng của một chiếc ô tô điện đến từ động cơ điện, và nguồn cung cấp năng lượng đến từ pin điện. Không có kết nối cứng về cấu trúc cơ khí giữa hai thiết bị mà thay vào đó, chúng được kết nối thông qua một hệ thống mạch điện và không cần không khí để hỗ trợ. Do đó, động cơ và ắc quy hoạt động trong trạng thái kín hoàn toàn nên việc lội nước trong thời gian ngắn không có vấn đề gì.

Nói cách khác, chỉ cần hệ thống truyền động của xe điện được chống thấm tốt để đảm bảo cho ắc quy, mô tơ, dây cáp không bị nước xâm nhập trong trường hợp lội nước thì sẽ không xảy ra tình trạng chết máy giữa đường.

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 6.

Cấu tạo bên trong một chiếc xe chạy điện.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho xe điện khi lội nước, điều quan trọng nhất là phải làm tốt nhiệm vụ chống thấm nước. Và đây cũng là điều mà tất cả các nhà sản xuất đều đặc biệt chú trọng đến khi phát triển và thiết kế sản phẩm.

Bởi nó cũng giống như tiêu chuẩn về cấp độ an toàn chống thấm nước và chống bụi cho các linh kiện điện tử. Đối với các công ty sản xuất ô tô chạy điện như Tesla, hay BYD và Xiaopeng ở Trung Quốc, các bộ phận của hệ thống mạch điện cao áp và pin nguồn phải đáp ứng tiêu chuẩn chống nước và chống bụi IP67.

Ngoài ra, chúng còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác nhau về khả năng lội nước trong tình huống thực tế. Ví dụ, một bài kiểm tra tiêu chuẩn quốc gia ở Trung Quốc yêu cầu một chiếc xe điện phải có thể di chuyển an toàn quãng đường 500 mét với tốc độ 20km/h ở độ ngập nước 10cm với thời gian lội nước là 1,5 phút.

Các tiêu chuẩn riêng ở một số địa phương như Bắc Kinh và Thượng Hải thậm chí nghiêm ngặt hơn, yêu cầu về độ sâu lội nước về cơ bản là 20 tới 30cm.

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 7.

Vậy, các công ty sản xuất ô tô điện có biết rằng phương tiện của họ có thể được sử dụng làm "tàu ​​ngầm" hay không?

Về phát ngôn chính thức, không ai đưa ra tuyên bố gì, trừ Elon Musk, CEO của Tesla. Trong quá khứ, Musk đã bày tỏ quan điểm cá nhân về sản phẩm Model S của công ty mình, rằng nó có thể đi trên mặt nước, với các bánh xe quay giúp đẩy xe về phía trước. Hoặc, ít nhất, lái xe qua vùng ngập nước trong thời gian ngắn.

Dân mạng Trung Quốc trầm trồ nhìn xe điện lao băng băng giữa đường ngập nước - Ảnh 8.

Ông cũng từng chia sẻ câu chuyện về một người lái xe Model S ở Kazakhstan đã lái xe thành công qua một đường hầm ngập nước. Nhưng vị CEO này nhấn mạnh rằng không nên bắt buộc phải làm như vậy.

Và các chủ sở hữu Tesla cũng nên biết rằng trong trường hợp xe có trục trặc, đội ngũ bảo hành của công ty vẫn có thể từ chối hỗ trợ với lý do chủ sở hữu phương tiện đã sử dụng xe không đúng cách.

Tham khảo NetEase

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại