Mỹ sẽ bắt đầu lập lại trật tự ở Trung Đông?

Thanh Bình |

Trung Đông là vùng đất tiếp giáp của 3 châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, có lợi thế địa chiến lược trong Chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Mỹ sẽ bắt đầu lập lại trật tự ở Trung Đông dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden. (Ảnh: US National Archives)

Mỹ sẽ bắt đầu lập lại trật tự ở Trung Đông dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden. (Ảnh: US National Archives)

Theo chuyên gia trang Topcor của Nga, trong khi Mỹ đang trải qua một cuộc xung đột nội bộ nghiêm trọng, một số đồng minh của họ ở Trung Đông đã tích cực sử dụng giai đoạn này để giải quyết các vấn đề của riêng mình. Với sự xuất hiện của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong Nhà Trắng, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có những thay đổi đáng kể.

Không nghi ngờ gì nữa, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng tối đa 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump.

Dưới thời đảng Dân chủ, Tel Aviv và Ankara sẽ phải tiết chế sự “cuồng nhiệt”. Trước đó, ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel, điều này đã gây ra sự phẫn nộ lớn đối với toàn thế giới Hồi giáo.

Với sự “hào phóng” cho nhà nước Do Thái Cao nguyên Golan và công nhận chủ quyền của Tel Aviv đối với Bờ Tây sông Jordan, Mỹ ngầm như tuyên bố: “Nhà nước Do Thái chưa bao giờ có một người bạn như Tổng thống Donald Trump”.

Tuy nhiên, người Israel chưa bao giờ nhận được những món quà như vậy và dường như sẽ không bao giờ nhận được chúng.

Có thể mức độ ưu ái cao của Mỹ dành cho đồng minh Trung Đông là do con rể của Tổng thống Trump, Jared Kushner, không chỉ là Cố vấn cấp cao của ông, mà còn là đại diện nổi bật của cộng đồng người Do Thái gốc Mỹ.

Dưới thời ông Trump, người Israel đã ném bom và tấn công mạnh mẽ nước láng giềng Syria, đốt cháy cơ sở hạ tầng quân sự của Iran.

Năm ngoái, Mỹ đã ám sát vị tướng nổi tiếng của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani và một nhà vật lý hạt nhân khác của Iran, người được cho là đã chế tạo bom hạt nhân cho Tehran.

Có một cơ hội rất thực tế là trong những ngày cuối cùng cầm quyền, Tổng thống Trump có thể bắt đầu một cuộc chiến ở Trung Đông. Tuy nhiên, dưới thời ông Biden cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề này có thể thay đổi đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng, đảng Dân chủ luôn đứng sau ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran đã bị đảng Cộng hòa “vô hiệu hóa” và việc khôi phục nó có thể trở thành vấn đề quan trọng đối với chính sách của ông Biden.

Nếu đúng như vậy, thì sẽ không còn bất kỳ cuộc nói chuyện nào về cuộc chiến của một liên minh rộng lớn do Washington dẫn đầu chống lại Tehran và do đó Israel sẽ phải tiết chế phần nào sức mạnh.

Ngoài ra, thái độ của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ thay đổi. Ankara luôn là đồng minh trung thành của Washington trong khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sở hữu lực lượng lục quân và hải quân hùng hậu.

Nhưng dưới thời ông Trump, trật tự thế giới “theo chủ nghĩa toàn cầu” bắt đầu bị phá bỏ, Tổng thống Erdogan đầy tham vọng đã nhanh chóng nhận ra và bắt đầu tích cực thúc đẩy dự án của riêng mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đã “gia tăng” một phần lãnh thổ phía bắc Syria, củng cố ở Libya, vẽ lại bản đồ Đông Địa Trung Hải có lợi cho mình. Bước hợp lý tiếp theo là việc thành lập một hiệp hội siêu quốc gia gồm các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ với Ankara đứng đầu, cũng như một liên minh quân sự phòng thủ.

Nói cách khác, Ankara tuyên bố sẽ trở thành trung tâm của một dự án hội nhập khu vực vĩ ​​mô sẽ phát triển và hoạt động mà không cần quan tâm đến Mỹ. Vì lý do rõ ràng, “nghệ thuật” như vậy không thể phù hợp với “những người theo chủ nghĩa toàn cầu” do nhóm của ông Biden đại diện.

Những quy tắc dưới thời ông Trump không còn phù hợp dưới chính quyền ông Biden. Giờ đây, nhiệm vụ của Washington sẽ là đưa các “đồng minh tự phụ” trở lại quỹ đạo bình thường.

Mới đây, quân đội Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52 có khả năng phóng tên lửa hạt nhân đến Trung Đông trong một thông điệp răn đe Iran vào ngày 30/12/2020 nhưng sau đó các máy bay đã rời khỏi khu vực.

Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Hossein Salami, tuyên bố sẽ tấn công đáp trả trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iran.

Theo các nhà phân tích, dù chính sách của Tổng thống đắc cử Biden đối với Trung Đông có tiếp tục thay đổi, song yếu tố không đổi ở đây vẫn là bài toán lợi ích.

Mỹ có thể giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Đông, nhưng không đồng nghĩa vai trò của Mỹ suy giảm, bởi Washington đang thiết lập các liên minh nhằm duy trì và củng cố ảnh hưởng, từ đó bảo đảm lợi ích chiến lược của mình ở khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại