Hãng thông tấn al-Maalomah của Iraq đưa tin nước này đã chính thức đệ đơn kiện Mỹ về việc sử dụng nhiều lần các loại bom, đạn uranium nghèo (DU) trong những thập kỷ gần đây ở Iraq.
Vụ kiện được cho là đã được Hatif al-Rikabi, cố vấn của ủy ban đối ngoại của quốc hội Iraq, đệ trình lên tòa án Stockholm vào ngày 26/12.
Ông al-Rikabi nhấn mạnh:
"Tai họa lớn nhất là nhà nước Iraq đã không nhấc nổi một ngón tay trong suốt ngần ấy năm. Họ không làm sạch đất nước bị ô nhiễm, cũng không yêu cầu cộng đồng quốc tế bắt buộc Mỹ và các đồng minh phải dọn sạch ô nhiễm hay bồi thường".
Quan chức này cũng cho rằng Iraq đã "bị giết 3 lần - vào năm 1991, 1999 và 2003, bởi việc sử dụng DU của Mỹ".
Ông al-Rikabi nói thêm rằng ô nhiễm hạt nhân đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người Iraq - liên quan đến ung thư, đột quỵ và dị tật bẩm sinh, trong số các vấn đề sức khỏe lớn khác, cũng như độc hại đối với đất Iraq.
Liên Hiệp Quốc ước tính trong 30 năm qua, Mỹ đã sử dụng ít nhất 2.320 tấn DU ở Iraq, gây ảnh hưởng đến cả quân nhân Mỹ và dân thường Iraq.
Theo ước tính của chính phủ Iraq, tỷ lệ ung thư của quốc gia Trung Đông này đã tăng từ 40 trường hợp trên 100.000 người vào năm 1991 lên 800/100.000 vào năm 1995 và 1.600/100.000 vào năm 2005.
Các trường hợp bệnh đặc biệt cao đã được báo cáo ở Baghdad, Basrah và Fallujah, các thành phố nơi quân Mỹ sử dụng nhiều đợt DU.
Ngoài Iraq, Mỹ và NATO đã sử dụng bom, đạn DU ở Bosnia Nam Tư vào năm 1995 và 1999, và chống lại nhóm khủng bố IS ở Syria vào năm 2015.
Cùng với Mỹ, Liên Xô (và sau này là Nga), Anh và Pháp đã sử dụng DU để chế tạo đạn xuyên giáp. Tuy nhiên, chỉ có Mỹ và Anh sử dụng những vũ khí này trong thực chiến. Anh đã bắn khoảng 3 tấn bom đạn DU trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003.