Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ?

Đoàn Phương |

Vì sao một cơ quan an ninh có quyền lực khủng khiếp như KGB lại bó tay trước sự sụp đổ của Liên Xô? Và, trong những ngày chính biến năm 1991, KGB ở đâu và làm gì? Hãy nghe Cựu lãnh đạo Cục phân tích của KGB, Tiến sĩ khoa học lịch sử, Trung tướng Nicolai Leonov nói về điều này.

Tháng 12/1991 Boris Elsin, Leonid Cravchuc và Xtanislav Shushkevich đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Liên Xô khi ký thoả thuận Belovezh.

Bây giờ người ta gọi sự sụp đổ Liên Xô là "thảm hoạ địa chính trị" lớn nhất của thế kỷ XX, và những cuộc đối thoại về việc sụp đổ của siêu cường Xô Viết là một sai lầm lớn. Những năm gần đây chúng hay dược nhắc đến. Song, có thể giữ được Liên Xô hay không? Và ai thực sự là người đào mồ chôn liên bang này?

Cựu lãnh đạo Cục phân tích của KGB Liên Xô, tiến sĩ khoa học lịch sử, trung tướng Nicolai Leonov đã kể về điều này trong bài trả lời phỏng vấn chuyên mục "Giả thuyết của chúng ta" (trên tuần báo Tuyệt mật).

Giải pháp "Phần lan hóa" các nước Baltic

Nicolai Xergeevich, người ta thường nói rằng Gorbachev đã làm sụp đổ đất nước khi quyết định ký với những người đứng đầu các nước cộng hoà Hiệp ước về Liên minh các quốc gia có chủ quyền.

Tuy nhiên, tôi còn nhớ những lời nhận xét của chủ tịch KGB Vladimir Kriuchcov: không phụ thuộc vào việc ký hay không ký Hiệp ước Liên minh, Liên Xô dẫu sao vẫn sẽ sụp đổ.

-Tôi nghĩ rằng sự sụp đổ một siêu cường quốc như Liên Xô không nằm ở nguyên nhân ký hay không ký Hiệp ước Liên minh.

Tất cả những sự kiện từ năm 1988 đến 1991minh chứng cho những hành động đã dẫn đến sự sụp đổ Liên Xô.

Bản thân tôi, dịp năm 1988 lại đang ở các nước mà bây giờ đã trở thành các quốc gia Baltic. Khi đó được sự uỷ nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban an ninh quốc gia (KGB) Liên xô Victor Mikhalovih Chebricov, tôi đã có chuyến công tác khắp các nước cộng hoà Baltic của Liên Xô.

Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ? - Ảnh 2.

Nicolai Leonov

Trong chuyến đi này tôi đã có những cuộc trao đổi với lãnh đạo đảng của các nước này, cũng như với các đồng nghiệp từ các cục an ninh địa phương.

Về tới Mátxcơva tôi đã chuẩn bị bản báo cáo về kết quả chuyến công tác, trong đó tôi có những kết luận của mình về tình hình ở Litva, Latvia và Extonia. Trong báo cáo tôi nói thẳng về những hành động dẫn đến sự tách rời (ly khai) của họ khỏi Liên Xô.

Về câu hỏi cần phải làm gì để ngăn chặn quá trình này, tôi chỉ tóm gọn một câu: "thực hiện Phần Lan hoá Baltic".

Thực chất ý tưởng này của ông là gì?

-Ý nghĩa của kế hoạch do tôi đề xuất là nhằm trao cho các nước cộng hoà Baltic thuộc Liên Xô tự hạch toán kinh tế, chấm dứt thu thuế không cần thiết từ họ và tạo cho họ khả năng nhận được siêu lợi nhuận, bởi họ là những nước có nền công nghiệp phát triển nhất về khoa học- kỹ thuật.

Cũng như trong phạm vị nhất định cho họ tự do chính trị. Như trong trường hợp với Phần Lan trong thời kỳ đế quốc Nga – người Phần lan chính thức được coi là thần dân của Peterburg, nhưng đồng thời họ có nghị viện và hiến pháp của mình, những thứ mà ở Nga chưa có. Một cái gì đó đại loại như vậy đối với các nước cộng hoà Baltic thuộc Liên Xô.

Tại sao kế hoạch này đã không được thực hiện?

-Đúng vài tháng sau chuyến công tác của tôi tới các nước cộng hoà Baltic, Bí thư BCH TƯ ĐCS Liên Xô Alecxandr Nicolaevich Iacovlev cũng thực hiện chuyến thăm đến các nước này.

Tôi còn nhớ rõ rằng ông ta đã viết và gửi về BCH TƯ và Bộ chính trị bản báo cáo với nội dung đối lập hoàn toàn với những gì tôi đã trình bày trong báo cáo của mình.

Theo ý kiến của ông ta, mọi quá trình mang tính chính trị diễn ra ở các nước Baltic không hề có mối nguy hại nào đe doạ đến Liên Xô - ở đó dường như vẫn diễn ra quá trình dân chủ bình thường và những "mặt trận dân tộc" khác nhau, bắt đầu được hình thành ở các nước cộng hoà này, không hề đưa lại mối lo ngại nào.

Vì thế tôi biết rằng những đề nghị "Phần lan hoá" các nước cộng hoà Baltic của tôi đã được ban lãnh đạo cấp cao Liên Xô đọc, nhưng không một ai chú ý đến nó. Rồi sau đó tình hình ở Baltic đã đi đến các cuộc đấu tranh công khai, thậm chí phải huy động đến quân dội cũng không trấn áp được.

Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ? - Ảnh 4.

Cựu Tổng thống Liên Xô M. Gorbachov đã bỏ ngoài tai mọi báo cáo của KGB?


Vậy KGB có cảnh báo trước ban lãnh đạo đất nước về việc Liên Xô có thể sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình?

-Nếu như bây giờ có thể giải mật các tài liệu thời gian đó, bất kỳ ai cũng có thể thấy rằng mọi thông tin KGB Liên Xô gửi về Ban chấp hành Trung ương đều mang tính cảnh báo rõ ràng. Trong thông tin này có nói rằng sự việc sẽ đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Và nếu ban lãnh đạo đất nước nhân việc này không áp dụng bất kỳ biện pháp nào, thì chỉ có thể lý giải hoặc do sự bất lực của những người lãnh đạo chính quyền khi đó, hoặc đó là hậu quả của sự ngu xuẩn và không hiểu biết hết mức độ nguy hiểm của họ.

Nhiều chuyện đã được KGB cảnh báo nhưng Gorbachov để ngoài tai

Tức là Gorbachev đã không thể hiểu được rằng ông ta đang đưa đất nước đến đâu, cũng như việc sụp đổ sau này của Liên Xô sẽ đưa chính ông ta tới sự sụp đổ như một nhà lãnh đạo?

-Theo những gì tôi có thể suy đoán, ông ta thậm chí không thể hiểu phải điều khiển các quá trình hành động mà ông ta tiến hành như thế nào, vì thế bây giờ có buộc tội Gorbachev cũng vô ích. Ông ta thậm chí không thể giải thích cuộc cải tổ khét tiếng, mà ông ta kêu gọi nhân dân Xô Viết thực hiện, là gì. Và trong mọi thứ đều vậy.

Lấy ngay các vấn đề sắc tộc đã bị trầm trọng đúng vào thời kỳ ông ta lãnh đạo đất nước. Năm 1986 Gorbachov đã cách chức Bí thư thứ nhất BCH TƯ Cadacxtan Cunaev và đưa Bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Ulianopxcơ Gennadi Colbin vào vị trí đó.

Bổ nhiệm một người Nga đến lãnh đạo một nước cộng hoà dân tộc vào lúc tình hình căng thẳng như vậy thật đúng là ngu xuẩn.

Việc này lập tức gây ra những cuộc bạo loạn ngoài đường phố ở Cadacxtan. Chúng đã dẫn tới đổ máu và làm phát triển vòng xoáy xung đột sắc tộc sau này ở các nước cộng hoà Trung Á.

Các cuộc đấu tranh ở các nước cộng hoà dân tộc được coi là một trong những nguyên nhân làm sụp đổ Liên Xô, bởi việc Mátxcơva sử dụng sức mạnh đã làm dân địa phương nổi giận. Có thể giải quyết các vấn đề này bằng cách khác mà không làm "vỡ bình" được không?

-Khi Iuri Vladimirovich Andropov làm Tổng bí ĐCS Liên Xô, ông đã nói thế này: chúng ta có thể chiến thắng chủ nghĩa dân tộc, được thừa hưởng từ chế độ Sa Hoàng.

Nhưng trong thời kỳ chính quyền Xô Viết chủ nghĩa dân tộc có các dạng khác và tính chất khác hoàn toàn. Bởi vậy, cần hành động rất cẩn trọng với chủ nghĩa dân tộc này.

Theo quan điểm của tôi, không được làm mọi điều như Gorbachev đã làm ở Cadacxtan và Nagornưi Carabakh, nơi tình hình trở nên lộn xộn và máu đã đổ nhiều.

Tôi còn nhớ, Andropov đã nhận được báo cáo dài 40 trang của chủ tịch KGB Uzbekixtan Levon Melcumov, trong đó ông ta báo cáo tình trạng hỗn loạn sắc tộc ở đây cực kỳ sâu sắc.

Và tôi cũng nhớ rất rõ, sau khi đọc xong báo cáo, Andropov đã nói, rằng mặc dù những gì Melcumov trình bày trong báo cáo đều là sự thật, nhưng loại bỏ ngay Bí thư thứ nhất ĐCS Uzbekixtan Rashidov là không đúng thời điểm.

Bởi vậy Andropov đã chọn không phế bỏ Rashidov khỏi Uzbekixtan- nếu làm thế nhất định sẽ dẫn tới bùng nổ chủ nghĩa dân tộc-, mà chuyển chủ tịch KGB sang vị trí khác để người ta không tính sổ với anh ta.Tôi kể điều này để thấy rằng khi giải quyết các vấn đề sắc tộc cần hành động cực kỳ tinh tế.

Có thể buộc tội Gorbachov về việc ông ta cố rũ bỏ trách nhiệm khỏi mình. Như ông ta đã tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm khỏi những mệnh lệnh bằng miệng của mình, khi nhóm "Alfa" buộc phải tấn công tháp truyền hình ở Vilnius, hay khi quân đội Liên Xô buộc phải dọn sạch quảng trường ở Tbilixi.

Ông ta cư xử như một đứa trẻ. Đó là thái độ không xứng với một người lãnh đạo. Tổng bí thư biết rất rõ những gì chúng tôi nói. Như việc ông ta đã biết về việc chuẩn bị cho cái được gọi là cuộc bạo động của Uỷ ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp (GKChP), nhưng cố làm ra vẻ một nhà dân chủ và nấp sau lưng người khác.

Ngoài Gorbachov, người ta còn gọi Alecxandr Iacovlev là kẻ đào mồ tích cực chôn vùi Liên Xô. Trong đó đôi khi lại có tin đổn, rằng ông ta gần như là điệp viên của Mỹ.

-Khi tôi còn lãnh đạo Cục phân tích của KGB Liên Xô và nghiên cứu các quá trình nội bộ diễn ra trong khắp đất nước, trên cơ sở những tài liệu tình báo, tôi đã báo cáo riêng cho Gorbachev. Nhưng dĩ nhiên, người ký văn bản đó là chủ tịch KGB lúc bấy giờ là Kriuchcov.

Trong báo cáo giấy trắng mực đen có nói rằng A. Iacovlev là kẻ thù của ĐCS và việc ông ta tuyên bố ra khỏi đảng chỉ là vấn đề thời gian, thực chất vấn đề nhằm khiêu khích chia rẽ đảng.

Văn bản này đã được báo cáo lên Gorbachov và ông ta không tìm ra cách nào tốt hơn là đưa nó cho chính Iacovlev. Vì thế Iacovlev đã nổi cơn thình nộ và lòng căm thù đối với KGB.

Ông ta phá bỏ tất cả các phương tiện thông tin đại chúng khỏi ĐCS Liên Xô.

Liên Xô sụp đổ và Elsin lên nắm quyền ở nước Nga có liên quan trước hết từ việc đảng mất quyền kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, truyền thông phương Tây lặp đi lặplại về việc Iacovlev là chỉ huy trưởng công trường cải tổ, rằng ông ta là bộ não chủ chốt của nó. Kết quả là ở phương Tây người ta khoác cho ông ta những danh xưng như vậy và cả vòng nguyệt quế, làm cho ảnh hưởng của Iacovlev ở Liên Xô trở nên chiếm ưu thế.

KGB từng muốn Biris Elsin làm Tổng thống Liên Xô?

Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ? - Ảnh 6.

KGB từng đề nghị đưa Elsin (người cầm giấy) lên làm Tổng thống Liên Xô?


Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp hồi tháng 8/1991, theo ý kiến các nhân ông, có thể cứu được Liên Xô hay không?

- Ban lãnh đạo Liên Xô suy thoái, nhút nhát của chúng ta (nếu có thể nói như vậy) không thể hiện được ý chí, quyết tâm và sự cứng rắn.

Hồi tháng 8/1991 một đám đông tập trung gần Nhà Trắng. Khi đó những người đứng đầu Đảng cộng sản đã bối rối và ban lãnh đạo GKChP muốn đầu hàng chính quyền và ngồi ở "Matroskaia Tíhina", chứ không thông qua biện pháp gì để cứu chế độ.

Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ? - Ảnh 7.

Cựu Chủ tịch KGB Kriuchcov.


Có vẻ trong sự sụp đổ Liên Xô, Chủ tịch KGB Kriuchcov, người có toàn bộ thông tin và biết rõ những việc Gorbachev và Elsin làm, nhưng đã không cố làm gì cả.

-Lịch sử sẽ không xoá tội và xoá trách nhiệm lịch sử cho Kriuchcov. Ông ta lớn lên dưới sự bao bọc của Andropov, và khi Iuri còn sống, mọi quyết định của Kriuchcov, như một nguyên tắc, đều được kiểm tra và có tính chính xác.

Nhưng khi Gorbachev vừa ấn định ông ta là nhân vật chính trị độc lập và khi trách nhiệm về việc thông qua các quyết định quan trọng nhất bị trút lên ông ta, những điểm thiếu sót trong tính cách của ông ta lại bộc lộ - trước hết là không cương quyết.

Vì thế Kriuchcov có biện bạch bao nhiêu trong các cuốn sách của mình, sự cương quyết trong tính cách của ông vẫn chưa đủ. Điều này được thấy rõ khi ở GKChP, được tập hợp theo sáng kiến của Kriuchcov, rất lâu không bầu được chủ tịch, cuối cùng dừng lại ở việc ứng cử của Ianaev.

Tất cả điều đó nói lên việc các thành viên GKChP thiếu ý chí và không có hướng đi rõ ràng để cứu quốc gia.

Tuy nhiên, ở thời gian này diễn ra sự suy thoái của giới lãnh đạo cấp cao của ĐCS Liên Xô. Chúng ta còn nhớ rằng, vào những ngày tháng 8 đó không một ai có ý kêu gọi các đảng viên xuống đường và ủng hộ GKChP.

Trong GKChP chỉ có những kẻ hèn nhát và họ nghĩ rằng, họ ngồi đó và bằng cách nào đấy sẽ thoả thuận được với Elsin.

Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ? - Ảnh 9.

Cựu Chủ tịch KGB (sau này là Tổng bí thư ĐCS Liên Xô) Andropov


Ý ông là hồi tháng 8/1991 GKChP đã tiến hành đàm phán bí mật với Elsin, cố thoả thuận gì đó với ông ta?

-Đúng, các thành viên Uỷ ban đã đàm phán với Elsin và những người khác. Chẳng hạn, sáng ngày 19/8/1991 Kriuchcov đã tuyên bố với toàn bộ thành viên ban cán sự KGB Liên Xô rằng trong nước đã ban bố tình trạng khẩn cấp và rằng Nazarbaev, người hoàn toàn ủng hộ hành động của Uỷ ban và các văn kiện của nó, đã gọi điện. Ông cũng nói thêm rằng "chúng tôi đã thoả thuận" với Elsin.

Tôi biết điều này vì chính tôi đi cùng Kriuchcov tới chỗ Elsin để đàm phán khi thành lập KGB Liên Bang Nga. Lúc đó chúng tôi cố thuyết phục Elsin không thành lập KGB Nga để không gây chia rẽ các ngành đặc biệt của Liên Xô.

Nhưng tôi không được vào tham gia đàm phán. Kriuchcov và Elsin nói chuyện tay đôi với nhau trong phòng kín. Sau đó Kriuchcov bước ra và nói rằng thoả thuận có vẻ thất bại.

Chúng tôi, những nhân viên KGB, hiểu rằng những người đã bước vào Uỷ ban này chẳng có chút khả năng nào để phục hồi quyền kiểm soát trong đất nước.

Khi ngồi trong xe với Kriuchcov tôi đã nói: "Vladimỉr Alecxandrovich, khi đối thoại với Elsin anh hãy đề nghị ông ấy làm Tổng thống Liên Xô thay cho Gorbachov. Khi Elsin và Gorbachov "chiến đấu" với nhau, nói về việc cứu đất nước là điều vô nghĩa.

Vậy hãy đề nghị Elsin giữ vị trí cao nhất, cho dù ông ta có khoẻ mạnh tới đâu, ông ta cũng sớm ra đi, còn chúng ta sẽ bảo vệ Liên Xô.

Lúc đó Elsin rất nổi tiếng trong dân chúng, còn Gorbachov chẳng có chút uy tín nào. Bởi vậy tôi đã khuyên Kriuchcov đề nghị Elsin tiến hành bầu chọn tổng thống Liên Xô.

Kriuchcov có nói điều này với Elsin hay chưa, tôi không biết vì họ đóng kín cửa khi đối thoại với nhau. Nhưng cuộc trò chuyện giữa tôi và Kriuchcov là có thật.

Từ đó tôi có kết luận, rằng các cuộc đàm phán của Kriuchcov với Elsin đã trôi qua, còn về phương diện bí mật của GKChP không một ai trong các thành viên của nó, cho đến tận cuối các hồi ký của mình, lại viết ra tất cả sự thật.

Có nghĩa là, ngay cả các nhân viên KGB cũng không biết điều gì đã diễn ra vào những ngày đó trong ban lãnh đạo đất nước? Ông đã nhận được mệnh lệnh gì, ngồi và chờ đợi?

-Người ta thậm chí chẳng nói điều đó với chúng tôi. Chúng tôi ngồi ở Lubianca tiếp nhận thông tin từ mọi phía, không hề biết phải gửi chúng cho ai, bây giờ ai lãnh đạo đất nước?

Còn tình hình là thế này, nếu như GKChP không nghe nhạc "Hồ thiên nga" và không tổ chức họp báo, mà họ hướng tới nhân dân, tới đảng, tới các cơ quan bảo vệ luật pháp kêu gọi họ đứng dậy bảo vệ Liên Xô, tôi nghĩ rằng tương quan lực lượng sẽ nghiêng về phía họ.

Nicolai Leonov,Trung tướng KGB nghỉ hưu, cựu lãnh đạo Cục phân tích KGB Liên Xô. Tiến sĩ khoa học lịch sử, giáo sư khoa ngoại giao MGIMO (Học viện quan hệ quốc tế), đại biểu Đuma quốc gia Nga khoá 4. Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga, tác giả của một số cuốn sách về lịch sử hiện đại.

Ông sinh năm 1928 tại làng Almazovo, tỉnh Riazan.

Tốt nghiệp trung học với huy chương vàng. Học tại Học viện quan hệ quốc tế Mátxcơva.

Đã làm việc ở Mêhicô theo tuyến ngoại giao. Cá nhân có quen biết với Raul, Phidel Castro và Che Gevara.

Từ năm 1958 làm việc ở KGB. Từ năm 1971 là Phó, sau đó là Cục trưởng Cục phân tích thông tin tình báo đối ngoại Liên Xô, lãnh đạo Cục phân tích thuộc KGB Liên Xô.

Theo nhận xét của nhà sử học tình báo V. Lashcul, những dự báo của cá nhà phân tích thuộc nhóm của Leonov chưa một lần nào sai.

Năm 1991 Liên Xô đổ ông đã về nghỉ hưu.

(Theo Tuyệt mật)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại