Chuyên gia Mỹ chê vũ khí siêu thanh của Tổng thống Putin: Đắt đỏ, không thực tế

Trà Khánh |

Theo một số chuyên gia quân sự Mỹ, những chiếc MiG-31K mang theo tên lửa siêu thanh mà người Nga luôn tự hào chỉ là hàng trưng bày.

Tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31K của Nga trong một cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31K của Nga trong một cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Theo tờ Forbes của Mỹ, trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch xây dựng trung đoàn không quân thứ 2 trang bị MiG-31K, mẫu chiến đấu cơ duy nhất của Nga có thể triển khai các tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.

Trên lý thuyết, động thái này có thể giúp tăng gấp đôi lực lượng tấn công siêu thanh của Không quân Nga, từ khoảng 10 lên 20 chiếc MiG-31K. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự của Forbes những chiếc MiG-31K mang theo tên lửa siêu thanh mà người Nga luôn tự hào chỉ là hàng trưng bày.

Cụ thể, theo chuyên gia hàng không Tom Cooper, thoạt nhìn chương trình phát triển lực lượng tấn công siêu thanh của Không quân Nga trông có vẻ sáng sủa, tuy nhiên khó có thể tìm kiếm thông tin về Kinzhal hay khả năng tấn công của tên lửa này, ngoại trừ các thông số được Nga công bố.

Cooper còn dẫn các nguồn tin quân sự từ Nga cho biết: "Về cơ bản, Kinzhal chỉ là một dự án trình diễn để chứng minh cho bên ngoài thấy khả năng chế tạo các loại vũ khí tấn công tiên tiến của Nga."

Chuyên gia hàng không này cũng khẳng định, trung đoàn không quân được trang bị MiG-31K gần như không có hoạt động huấn luyện tác chiến với Kinzhal hay huấn luyện mô phỏng các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh.

Chuyên gia Mỹ chê vũ khí siêu thanh của Tổng thống Putin: Đắt đỏ, không thực tế - Ảnh 2.

MiG-31K mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 2018. Ảnh: Sputnik.

Theo như thông tin được Bộ Quốc phòng Nga công bố, tên lửa Kinzhal có tầm tấn công khoảng 2.000km nếu được triển khai từ MiG-31K và nó cũng được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Cũng cần phải nói thêm rằng Kinzhal là một trong sáu vũ khí tấn công chiến lược mới của Nga được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu tới công chúng trong thông điệp liên bang năm 2018.

Dù Kinzhal đã được đưa vào biên chế chính thức nhưng vẫn chưa rõ Không quân Nga đang sở hữu bao nhiêu tên lửa loại này, con số này có thể sẽ không nhiều vì thiết kế phức tạp của mẫu tên lửa này. Chính vì lý do đó, Moscow sẽ không phung phí số Kinzhal mà họ có và chỉ sử dụng cho các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

"Tôi nghĩ Kinzhal có lẽ được thiết lập để tấn công các mục tiêu có giá trị chiến lược như trung tâm chỉ huy, căn cứ và nhóm tàu sân bay", Hans Kristensen – chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nhận định.

Nhưng tất cả điều trên chỉ là lý thuyết và sẽ vô nghĩa nếu các nhà hoạch định quân sự Nga không cho ra được một học thuyết về sử dụng vũ khí siêu thanh trong thời chiến cũng như một hệ thống tác chiến hoàn chỉnh dành cho Kinzhal.

Các chuyên gia quân sự của Mỹ cũng chỉ ra một vấn đề khác là chi phí để vận hành lực lượng tấn công siêu thanh sẽ cực kỳ đắt đỏ, liệu Moscow có sẵn sàng đổ tiền vào Kinzhal khi họ có những lựa chọn khác hiệu quả hơn.

Có lẽ từ những khá khó khăn trong triển khai vũ khí cho đến chi phí vận hành đắt đỏ dành cho lực lượng tấn công siêu thanh nên cho đến nay Không quân Nga vẫn chỉ có thể gắn Kinzhal lên trên những chiếc MiG-31K như một thứ "hàng trưng bày" và chúng chỉ xuất hiện trong những lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Tựu chung lại, Cooper cho rằng Kinzhal có thể là thứ vũ khí mà Tổng thống Putin tự hào nhưng nó không thực tế về mặt ứng dụng trong quân sự.

Tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31K trong một cuộc thử nghiệm tên lửa Kinzhal.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại