Nga "thổi lửa sau gáy", Thổ Nhĩ Kỳ loay hoay trước 5 cách "cứu" S-400

Trương Mạnh Kiên |

Về việc làm thế nào để vượt qua đòn trừng phạt S-400 của Mỹ, dường như không có giải pháp dễ dàng nào trong tầm tay Thổ Nhĩ Kỳ.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của nước này, trừ khi Ankara có động thái thỏa hiệp với Washington để hạn chế thời hạn và tác động của các lệnh trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt dựa trên Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được công bố ngày 14/12 - hơn một năm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận chuyển giao hệ thống S-400 từ Nga. Điều này thực sự đã khiến Ankara bất ngờ khi lệnh trừng phạt được bật đèn xanh chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Donald Trump hết nhiệm kỳ.

Quyết định này khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh NATO đầu tiên phải đối mặt với các lệnh trừng phạt theo CAATSA và là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc bị phạt vì mua S-400, gửi tín hiệu đe dọa tới các quốc gia khác đã thể hiện sự quan tâm đến S-400 như Ấn Độ và Qatar.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm đối với giấy phép xuất khẩu của Mỹ cho Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng (SSB) của Thổ Nhĩ Kỳ - cơ quan chính phụ trách mua sắm, xuất khẩu quân sự và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Theo Al-Monitor, đã có hai quan điểm khác nhau về cách mà các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga thổi lửa sau gáy, Thổ Nhĩ Kỳ loay hoay trước 5 cách cứu S-400 - Ảnh 1.

Lệnh trừng phạt S-400 là một bất ngờ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh hưởng thực tế

Quan điểm đầu tiên đến từ các nhóm ủng hộ Chính phủ và chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho rằng các biện pháp trừng phạt này cũng giống như các động thái cấm vận khác trong quá khứ, sẽ giúp củng cố tinh thần dân tộc và tiếp thêm sức mạnh cho ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước.

Họ cho rằng không có gì phải lo lắng vì ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đang mạnh hơn bao giờ hết và quân đội được dự trữ đầy đủ nhờ vào kế hoạch dài hạn.

Quan điểm thứ hai cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn hại nặng nề cho ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trong trung hạn hai hoặc ba năm, mặc dù tác động ngắn hạn của chúng trong năm tới có thể chưa nhiều.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Mỹ. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất công nghiệp hàng không và quốc phòng năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ chi ra 1,4 tỷ USD mua hàng từ Mỹ, chủ yếu là nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế, chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành trị giá gần 3,1 tỷ USD.

Các thiết bị không quân và hệ thống trên bộ là những khía cạnh dễ bị tổn thương nhất. Đối với không quân Thổ Nhĩ Kỳ, các khía cạnh quan trọng bao gồm hiện đại hóa và bảo trì máy bay chiến đấu F-16, dự án máy bay chiến đấu quốc gia TF-X cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào động cơ máy bay do nước ngoài sản xuất. Về hệ thống trên bộ, các lệnh trừng phạt đe dọa làm suy giảm hiệu quả hoạt động của các radar, hệ thống điều khiển chỉ huy và xe bọc thép, cùng những thứ khác.

SSB hiện đang điều phối khoảng 700 dự án trị giá tới 9 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án liên quan đến giấy phép xuất khẩu. Một loạt các dự án quốc gia dựa vào hàng trăm hệ thống và tiểu hệ thống do Mỹ sản xuất. Nhìn từ khía cạnh này, các lệnh trừng phạt đe dọa sẽ bóp nghẹt ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trong dài hạn.

Thổ Nhĩ Kỳ làm gì?

Nga thổi lửa sau gáy, Thổ Nhĩ Kỳ loay hoay trước 5 cách cứu S-400 - Ảnh 3.

Không loại trừ khả năng chính quyền Joe Biden sẽ tăng thêm các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ kỳ.

Về việc làm thế nào để vượt qua khủng hoảng, dường như không có giải pháp dễ dàng nào trong tầm tay Thổ Nhĩ Kỳ. Sẽ có 5 kịch bản như sau:

Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước và tuân theo lời kêu gọi của Mỹ loại bỏ các tổ hợp S-400 khỏi lãnh thổ của mình, cho một quốc gia khác như Azerbaijan, Qatar hoặc Ukraine thuê chúng. Tùy chọn này hiện rất khó xảy ra.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đồng ý về một phương thức kỹ thuật trung gian, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không sử dụng hệ thống, với điều kiện có sự giám sát vật lý hoặc vệ tinh. Ankara đã thúc đẩy công thức này trong năm qua, nhưng cả Mỹ và NATO đều không chấp nhận.

Thứ ba là Mỹ mua S-400. Lựa chọn này đã được đưa ra ở Washington, nhưng hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cấm bán hệ thống cho bên thứ ba.

Thứ tư, Ankara nhượng bộ một phần để tránh các lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn. Nước này cam kết không kích hoạt hệ thống, trong khi Washington đồng ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được sử dụng vũ khí trong những tình huống khẩn cấp, rất hạn chế.

Để đáp trả, phản ứng của Ankara đối với Mỹ thể bao gồm các biện pháp từ nhẹ cho đến các động thái leo thang như kích hoạt S-400, đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở Incirlik hoặc trạm radar cảnh báo sớm của NATO ở Malatya, tăng cường quan hệ hợp tác hơn nữa với Nga và mở một chiến dịch quân sự mới chống lại người Kurd ở Syria.

Liệu Ankara có đủ ý chí và năng lực để giải quyết khủng hoảng? Hồ sơ đối ngoại của nước này trong những năm gần đây không để lại nhiều tín hiệu lạc quan.

Hơn nữa, S-400 đang ngày càng trở thành chủ đề nóng của chính trị trong nước vào thời điểm Ankara đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi những suy yếu kinh tế nghiêm trọng. Và chắc chắn Điện Kremlin đang theo dõi sát sao hành động của Ankara.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại