CNA, tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận có trụ sở tại Arlington, Virginia (Mỹ) vừa công bố một báo cáo cho thấy, trong những năm gần đây Nga đã không ngừng tập trung xây dựng và bố trí lại lực lượng quân sự ở Quân khu phía Tây, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng tiếp giáp với các nước Đông Âu.
Quân khu phía Tây Nga giáp với Ukraine, Belarus cùng một số nước láng giềng khác. Khu vực phòng thủ này bao quát nhiều thành phố chiến lược, trong đó có Thủ đô Moscow, thành phố St.Petersburg và cả vùng lãnh thổ Kaliningrad, địa bàn được vũ trang mạnh mẽ bên bờ biển Baltic, nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
Bản đồ bố trí các quân khu của Quân đội Nga. Ảnh: NATO
Báo cáo do nhà phân tích Konrad Muzyka ở Ba Lan làm chủ bút đã tập trung phân tích một cách kỹ lưỡng cách quân đội Nga đã tổ chức lại như thế nào cũng như cách họ sẽ được triển khai để tiến hành các chiến dịch quân sự chống trả các đối thủ tiềm ẩn, gồm cả Gruzia và Ukraine.
"Lực lượng Nga ở Quân khu phía Tây chưa bao giờ mạnh hơn hơn thế", chuyên gia Muzyka nhận xét.
"Mặc dù bảo vệ tổ quốc dường như là nhiệm vụ chính, nhưng các lực lượng của Nga ở đây có đầy đủ khả năng thực hiện các chiến dịch tấn công trong khu vực lân cận và nhanh chóng huy động được sức mạnh vượt trội để giành chiến thắng áp đảo".
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPR) có trụ sở tại Thụy Điển, trong 20 năm vừa qua Nga đã liên tục tăng chi tiêu quân sự tổng thể lên mức rất đáng kể.
"Họ đã tăng 30% theo giá trị thực, từ năm 2010 đến 2019 và 175%, từ năm 2000 đến 2019", một đánh giá của SIPR công bố hồi tháng 4/2020 cho biết.
Xe bọc thép và máy bay trực thăng tham gia cuộc tập trận Zapad 2017 ở gần thị trấn Borisov, Belarus ngày 20/9/2017. Ảnh: Reuters
Tại Quân khu phía Tây, nơi đóng quân tập trung của các đơn vị bộ binh và đổ bộ đường không cực kỳ tinh nhuệ, phần lớn các khoản chi tiêu dành cho xây dựng lực lượng.
Trước đây, lực lượng bộ binh Nga hiện diện ở các vùng phía Tây còn tương đối ít nhưng đến khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu lên nắm quyền vào năm 2012, khu vực biên giới này đã thực sự chuyển mình.
“Kể từ đó, các quá trình hiện đại hóa và tái tổ chức đã được triển khai sâu rộng tại khu vực này, phần lớn xuất phát từ sự can dự quân sự của Nga ở Ukraine", chuyên gia Muzyka giải thích.
Các phân tích của CNA hiện nay cho thấy, Nga đã thiết lập một lực lượng xe tăng và bộ binh cơ giới hạng nặng gần biên giới với Ukraine và có thể hành động rất nhanh chóng ở đây hoặc ở những khu vực khác như Belarus. Bên cạnh đó, Nga còn triển khai nhiều đơn vị tinh nhuệ như pháo binh, hàng không, lực lượng đặc biệt và các đội tác chiến điện tử.
Theo CNA, trong số tất cả các quân khu, Quân khu phía Tây (MD) của Nga sở hữu lực lượng chiến đấu mạnh mẽ nhất, đông đảo nhất và có năng lực nhất.
Tăng cường hoạt động ở phía Tây vẫn là ưu tiên hàng đầu của Quân đội Nga hiện nay. Moscow coi các mối đe dọa xuất phát từ phía Tây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất, có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và cả sự tồn vong của nước Nga.
Những hình ảnh ngoạn mục trong cuộc tập trận Zapad-2017 của Nga