Con cắt tay cho mẹ đau lòng: Phụ huynh ứng xử 'sai 1 ly là đi 1 dặm'

Hoàng Thanh |

Phải làm sao với những đứa trẻ tuổi dậy thì nổi loạn thích làm trái ý muốn của bố mẹ?

Để làm mát cái đầu nóng của các cô cậu ở lứa tuổi dậy thì nổi loạn là điều khiến nhiều bậc bố mẹ đau đầu.

Ở tuổi 13 tuổi, cậu con trai anh Trần Bình (Hà Nội) bắt đầu thay đổi tính nết một cách rõ rệt. Từ một cậu bé chăm ngoan, chưa từng bị cô giáo nhắc nhở việc học hành thì bây giờ cậu trở nên ương bướng, thường xuyên trốn tiết học xuống phòng y tế nằm để…chơi, bài tập cậu bé cũng không làm, thậm chí sẵn sàng gây gổ đánh nhau với các bạn trong lớp.

Khi bố mẹ nhắc học bài đi thì cậu bé tỉnh bơ nói “không thích”. Khi trời lạnh, mẹ nhắc mặc áo ấm thì cậu bé lại cố tình chỉ mặc một chiếc sơ mi trắng đến trường như thách thức…

Mẹ con to tiếng, cậu bé sẵn sàng lấy dao rạch vào cơ thể, tự làm đau mình với mục đích khiến bố mẹ lo lắng, đau khổ.

Con cắt tay cho mẹ đau lòng: Phụ huynh ứng xử sai 1 ly là đi 1 dặm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Có những bố mẹ đưa con đến gặp tôi khi con của họ phản kháng bố mẹ bằng việc tự làm tổn thương bản thân, lấy dao cắt vào tay.

Bố mẹ nghĩ rằng đứa trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thế nhưng khi nói chuyện sâu với đứa trẻ tôi nhận ra có trẻ bị áp lực học tập quá lớn và không thể chia sẻ điều đó với bố mẹ. Bởi lẽ, bố mẹ đầu tư, kỳ vọng, chiều chuộng con nên đứa trẻ sử dụng việc cắt tay để cho bố mẹ thấy chúng đang có vấn đề và bố mẹ đừng ép đứa trẻ vào việc học nữa. Có trường hợp đứa trẻ còn gặp vấn đề liên quan đến mối quan hệ tình yêu, tình dục”.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, vấn đề là trước giờ bố mẹ chưa từng là bạn với con nên đứa trẻ trên không dám nói, không dám tâm sự vì sợ bố mẹ không thể nào bình tĩnh được nếu biết sự việc.

Thậm chí bố mẹ còn nổi điên lên khiến mọi việc tồi tệ hơn. Có những bí mật đứa trẻ không bao giờ nói ra được khi bố mẹ không hiểu, không làm bạn, không cho con cảm giác an toàn. Sự mâu thuẫn nội tâm làm cho đứa trẻ thấy rất đau khổ và dùng hành động tiêu cực như cắt tay để giải tỏa.

PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, đầu tiên bố mẹ phải biết là con đang ở giai đoạn tuổi vị thành niên, đặc trưng giai đoạn này là con thường hay nổi loạn.

Vào giai đoạn này con thường nhạy cảm với việc có được bố mẹ tôn trọng hay không. Nếu bố mẹ vẫn đối xử với con theo những gì bố mẹ ứng xử với đứa trẻ con ở giai đoạn trước thì con sẽ nghĩ bố mẹ không tôn trọng mình.

Khi đó, đứa trẻ sẽ có phản ứng chống đối ở các cấp độ như: Không nghe lời, tránh mặt, trả đũa (đánh lại bố mẹ hoặc tự làm tổn thương chính bản thân mình – tự tử cho bố mẹ đau đớn)…

Trẻ ở tuổi nổi loạn có xu hướng không nghe theo bố mẹ mà bị ảnh hưởng từ bạn bè với mong muốn được thể hiện bản thân. Nếu ứng xử của bố mẹ làm đứa trẻ thấy ngượng với bạn bè thì chắc chắn chúng sẽ phản kháng. Ví dụ như lớn rồi mà bố mẹ còn đưa đón đến trường hay lớn rồi mà mẹ còn bắt mặc quần áo trẻ con…

Để kiểm soát hành động nổi loạn, bất cần của con thì bố mẹ phải tìm được nguyên nhân của hành vi đó là gì. Bố mẹ nên mở rộng quan niệm về yêu thương con.

Khi đứa trẻ đã lớn, muốn được tôn trọng thì phải làm cho con hiểu là bố mẹ mong muốn con làm điều này vì sao, vì bố mẹ nghĩ điều đó tốt cho con nhưng bố mẹ tin con lớn rồi nên con sẽ có quyền tự quyết, tự lựa chọn. Tức là bố mẹ vẫn là người định hướng, đưa ra mong muốn chứ không được ép con phải làm thế này, thế kia khiến đứa trẻ có xu hướng làm ngược lại.

“Khi bố mẹ càng tôn trọng con như chính bản thân con, không bắt con phải thay đổi bất cứ điều gì thì con sẽ có xu hướng làm theo kỳ vọng của bố mẹ. Còn nếu bố mẹ bắt buộc, áp đặt con thì đứa trẻ có xu hướng làm ngược lại 100%”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại