Chân đau nổi gân xanh, bệnh gì?

BS. Phạm Thu Huệ |

Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu. Gần đây mẹ tôi bị đau nhức 2 chân, thỉnh thoảng có phù nhẹ rồi tự hết. Chân mẹ tôi nổi những đường gân xanh. Khi đau quá mẹ tôi thường phải uống thuốc giảm đau. Xin hỏi bác sĩ, mẹ tôi bị bệnh gì và chữa trị thế nào?

Lê Tùng Lê (Hải Phòng)

Theo như bạn mô tả, tôi nghĩ mẹ bạn không phải bị đau khớp thông thường ở người có tuổi mà bị chứng suy tĩnh mạch mạn tính. Hệ thống tĩnh mạch nông bị giãn (nổi những gân xanh) nên máu ứ lại, chậm về tim. Máu ứ đọng sẽ làm biến đổi về huyết động và biến dưỡng tại vùng mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, tê, dị cảm, châm chích kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về đêm...

Tuy ít gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị, bệnh cũng có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, giãn tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối...

Tốt nhất bạn nên đưa mẹ đến khám và theo dõi tại các phòng khám chuyên khoa tim - mạch máu để được hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đúng. Nếu cứ uống thuốc giảm đau như vậy không có lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

Để làm chậm tiến triển của bệnh, cần loại bỏ những thói quen có hại là đứng, ngồi lâu, mang nặng... Tập thể dục bằng cách đi bộ, vừa đi vừa nghỉ, đạp xe đạp, tranh thủ lúc nghỉ ngơi gác chân cao.

Nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, có thể điều trị làm giảm triệu chứng bằng các thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, phối hợp với mang vớ thun (vớ y khoa) có tác dụng tăng sức ép của cơ, ép vào thành tĩnh mạch tránh tĩnh mạch bị giãn ra nhiều và gây ứ trệ dòng máu trở về tim gây phù, đau chân và chuột rút. Nếu bệnh ở giai đoạn nặng gây đau nhiều và nổi nhiều búi mạch, có thể phải cần đến phương pháp phẫu thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại