Quan chức Armenia: Nga đi nước cờ hiểm, dùng Nagorno-Karabakh để tách Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO

Trà Khánh |

Theo cựu quan chức Armenia, qua cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, Nga đã cố gắng tách Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO, khi liên minh quân sự này đang mất dần ảnh hưởng với Ankara.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Ahval news của Thổ Nhĩ Kỳ, Gerard Libaridian, cựu quan chức Armenia nhận định những hành động của Nga ở Nagorno-Karabakh có thể là một phần của chiến dịch ngoại giao nhằm tách Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Mỹ và liên minh quân sự NATO.

Cũng theo Libaridian, trong lịch sử, Nga luôn tìm cách đóng vai trò trung gian giải quyết những bất đồng giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Armenia và Azerbaijan, việc Moscow âm thầm ủng hộ hành động quân sự của Baku ở Nagorno-Karabakh sẽ củng cố mối quan hệ của nước này với cả Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ quân sự đáng kể cho Azerbaijan, điều này giúp Ankara mở rộng đáng kế ảnh hưởng ở khu vực Nam Caucasus, vốn được xem là vùng "sân sau" của người Nga. Tuy nhiên, Moscow không coi Ankara là một mối đe dọa.

"Thổ Nhĩ Kỳ không còn như 10 hay 15 năm trước, giờ đây họ có quân đội lớn thứ hai trong liên minh quân sự NATO", ông Libaridian cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước củng cố ảnh hưởng của mình ở Nam Caucasus, tiến một bước dài trong quan hệ với Azerbaijan. Và việc Ankara ngầm đồng ý ký kết một thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh cho thấy tầm ảnh hưởng của người Thổ đối với chính quyền Baku.

Tất nhiên, với thỏa thuận hòa bình mới giữa Azerbaijan - Armenia, Nga cũng củng cố vị thế của họ trong khu vực, nhất là khi Quân đội Nga đại diện là lực lượng gìn giữ hòa bình được quyền kiểm soát hành lang Lachin, tuyến đường huyết mạch từ Armenia tới Nagorno-Karabakh. 

Cũng theo thỏa thuận trên, Nga sẽ triển khai ít nhất 2.000 binh sĩ đến Nagorno-Karabakh để làm nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn cũng như đảm bảo an ninh trong khu vực.

Theo phân tích của Gerard Libaridian, các nước phương Tây gần như không đóng bất cứ vai trò nào trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh vừa qua. Cuộc chiến này chỉ giúp củng cố thêm ảnh hưởng của Nga đối với Azerbaijan và thông qua đó với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cựu quan chức Armenia cho rằng, thông qua cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, Nga đã cố gắng tách Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO, khi liên minh quân sự này ngày càng có ít ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Ankara ở Nam Caucasus và các khu vực khác trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại