Quân đội lao đao, Thủ tướng Armenia vẫn làm ngơ: Bỏ 100 triệu USD mua Su-30SM là sai lầm?

Trà Khánh |

Theo truyền thông Armenia, những sai lầm trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Thủ tướng Pashinyan là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại ở Nagorno-Karabakh.

Trong bài viết có tựa đề "Нужны были не российские истребители, а китайские БПЛА" tạm dịch "Chúng tôi không cần chiến đấu cơ của Nga mà cần UAV Trung Quốc", tờ Topwar dẫn truyền thông Armenia cho biết quân đội nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng trong suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gần như không có bất cứ hành động cụ thể nào để giải quyết các vấn đề cấp bách của lực lượng vũ trang Armenia, trong khi đó nạn tham nhũng khiến ngân sách quốc phòng ngày càng thâm hụt.

Cũng theo truyền thông Armenia, những sai lầm trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang của chính quyền Pashinyan là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của nước này trong cuộc chiến với Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh vừa qua.

Thậm chí truyền thông Armenia còn chỉ ra 5 điểm sai lầm trong kế hoạch mua sắm vũ khí của chính quyền Pashinyan vài năm trở lại gần đây:

Thứ nhất, thương vụ mua 4 tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30SM trị giá ước tính 120 triệu USD từ Nga, Yerevan thậm chí còn muốn đặt mua thêm 8 chiếc khác trong thời gian tới.

Truyền thông Armenia thừa nhận Su-30SM là một chiến đấu cơ tuyệt vời nhưng nó không phải thứ vũ khí cần được ưu tiên mua sắm. Họ cũng đặt ra câu hỏi nếu đã mua được Su-30SM tại sao Yerevan không trang bị cho chiến đấu cơ này các loại tên lửa tấn công xứng tầm.

Thứ hai, thay vì chi hàng trăm triệu USD cho kế hoạch mua sắm Su-30SM, Quân đội Armenia cần đến lực lượng máy bay không người lái  (UAV) đa năng có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Lựa chọn tốt nhất chính là các mẫu UAV tấn công của Trung Quốc. Chi phí xây dựng các phi đội UAV kiểu này rơi vào khoảng 100 triệu USD.

Quân đội lao đao, Thủ tướng Armenia vẫn làm ngơ: Bỏ 100 triệu USD mua Su-30SM là sai lầm? - Ảnh 2.

UAV tấn công Wing Loong 2 của Trung Quốc với hệ thống đi kèm khá đa dạng. Ảnh: Aviation International News.

Cụ thể, UAV tấn công Wing Loong 2 sẽ chỉ có giá 1-2 triệu USD. Các mẫu như CH-3 hoặc CH-4, có thể so sánh với Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn rẻ hơn. 30 máy bay không người lái loại này sẽ có giá từ 30 - 40 triệu USD. Phần ngân sách còn lại sẽ được sử dụng để mua sắm đạn dược cho UAV cũng như mua sắm bổ sung thêm các loại UAV trinh sát.

Thứ ba, với 20 triệu USD còn dư ra từ hợp đồng Su-30SM, Quân đội Armenia có thể mua 300 quả đạn pháo dẫn đường bằng laser như Krasnopol-M (cỡ nòng 152mm - tầm bắn 30km). 

Loại vũ khí này có thể sẽ trở thành cơn ác mộng đối với kẻ thủ bởi khả năng tấn công chính xác của nó. Chỉ cần từ 1-2 quả đạn đã có thể tiêu diệt mục tiêu.

Mặt khác, hoàn toàn có thể sử dụng UAV trinh sát để dẫn đường cho đạn pháo Krasnopol-M mà không cần tới các nhóm trinh sát pháo hoạt động gần tiền tuyến.

Thứ tư, lẽ ra Quân đội Armenia không nên mua lại 35 hệ thống phòng không tầm ngắn 9K33M2 "Osa-AK" từ Jordan, trong khi chúng đã quá lỗi thời và không còn đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong thời điểm hiện tại. Thiệt hại của lực lượng phòng không Armenia, trong đó phần lớn các hệ thống Osa-AK bị UAV Azerbaijan tiêu diệt đã cho thấy rõ điều này.

Ngoài ra, truyền thông Armenia cũng cho rằng hợp đồng mua Osa-AK có nhiều điểm mờ ám, đồng thời cho rằng mỗi hệ thống Osa-AK đã qua sử dụng chỉ có mức giá từ 6-7 triệu USD chứ không phải 30 triệu USD như thông tin được Bộ Quốc phòng Armenia công bố.

Thứ năm, việc đặt pháo phòng không Zastava M55 (20mm) lên trên khung gầm xe bọc thép đa năng MT-LB là một ý tưởng tồi tệ, chúng gần vô dụng trên chiến trường.

Quân đội lao đao, Thủ tướng Armenia vẫn làm ngơ: Bỏ 100 triệu USD mua Su-30SM là sai lầm? - Ảnh 3.

Một hệ thống pháo phòng không M55 của Armenia ở Nagorno-Karabakh bị UAV Azerbaijan phá hủy. Ảnh: TV100.

Truyền thông Armenia nhận định thay vì lãng phí nguồn lực vào Zastava M55, Quân đội Armenia hoàn toàn có thể cải tiến biến lựu pháo D-30 (122mm) thành pháo tự hành cho phép chúng cơ động hơn trên chiến trường.

Theo một số chuyên gia quân sự của Topwar, những nhận định trên của truyền thông Armenia có vài điểm chính xác nhưng họ lại quên mất rằng hợp đồng mua các máy bay Su-30SM giữa Yerevan và Moscow được thực hiện dựa trên khoản vay và giá ưu đãi dành cho các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Nói một cách khác Armenia vẫn đang nợ Nga tiền mua những chiếc Su-30SM hiện tại.

Mặt khác, liệu Trung Quốc có sẵn sàng đồng ý bán UAV tấn công cho Armenia kèm theo những ưu đãi giống như Nga đang làm. Đó là còn chưa xét đến các yếu tố khác có thể khiến Bắc Kinh từ chối bán vũ khí cho Yerevan.

Một điều quan trọng nữa là Quân đội Armenia gần như không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh lần này, các quân đoàn chủ lực dù được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu nhưng vẫn án binh bất động, còn phi đội Su-30SM cũng nằm yên ở căn cứ. Điều duy nhất họ thể hiện chính là hỗ trợ số lượng hạn chế cho lực lượng vũ trang của cộng hòa tự xưng Artsakh, chừng đó là không đủ để ngăn bước tiến của quân Azerbaijan.

Quân đội Nga sử dụng đạn pháo dẫn đường 2K25 Krasnopol tiêu diệt các phần tử khủng bố ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại