Nước cờ rút quân của Tổng thống Trump với chính quyền kế nhiệm

Hà Linh |

Nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Afghanistan và Iraq trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ là bước đi có chủ đích.

Ngày 16/11, kênh CNN dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị cắt giảm quân số tại Afghanistan và Iraq vào 15/1/2020, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông. Cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều chưa chính thức xác nhận thông tin này.

Trước đó 3 ngày, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller bày tỏ ủng hộ với mục tiêu của Tổng thống Trump mang hồi kết đến “các cuộc chiến tranh” tại Trung Đông, vốn hình thành từ chính quyền những người tiền nhiệm.

Ông Miller nói: “Chấm dứt chiến tranh cần có thỏa hiệp và cộng tác. Chúng ta gặp phải thách thức, chúng ta đã cố hết sức. Bây giờ là thời điểm để trở về nhà”.

Cựu Cố vấn văn hóa cấp cao của quân đội Mỹ trong giai đoạn 2010-2014 Adam L. Silverman nhận định việc rút quân khỏi Afghanistan có thể gây bất ổn trong nội bộ quốc gia Trung Đông này, dẫn đến việc tái sinh Taliban.

Ông Adam L. Silverman nói: “Điều này này khiến Taliban tận dụng cơ hội, dẫn đến nguy cơ nội chiến, bất ổn lan rộng, mất ổn định trong khu vực, gây ra thách thức và đe dọa mới cho Mỹ cùng các đồng minh; đồng thời tạo cơ hội cho những đối thủ cạnh tranh của chúng ta như Trung Quốc”.

Nước cờ rút quân của Tổng thống Trump với chính quyền kế nhiệm - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Newsweek.

Theo ông Silverman, thông tin về việc rút quân khỏi Iran và Afghanistan cho thấy Tổng thống Trump đang cố thực hiện nhanh chóng những quyết sách khiến chính quyền người kế nhiệm khó thay đổi và thỏa mãn chính bản thân ông bởi nhà lãnh đạo này có quan điểm rằng quân đội Mỹ không nên triển khai tại Afghanistan.

Ông Naveed Shah, một cựu binh Chiến tranh Iraq và nay công tác tại Quỹ Hành động Common Defense, chia sẻ với Newsweek việc rút quân sẽ có kết quả không tốt.

Bà Hagar Hajjar Chemali tại Hội đồng Đại Tây Dương cảnh báo rằng chiến thuật hiện nay không phù hợp với việc rút quân có trách nhiệm.

Bà Chemali phân tích: “Việc rút quân không có chiến lược rõ ràng hoặc để lại hệ thống có trật tự và được kiểm soát bởi luật lệ sẽ gây ảnh hưởng đến người dân thường ở Iraq và Afghanistan cũng như chính sách đối ngoại của chính chúng ta”.

Bà Chemali cũng nhấn mạnh việc rút quân bất chấp bạo lực và bất ổn không phải là di sản tốt cho chính sách đối ngoại Mỹ mà thậm chí gây rẽ nhánh trong nhiều năm tới.

Không chỉ các chuyên gia, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng tỏ ra quan ngại. Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đánh giá:

“Việc rút binh sĩ Mỹ nhanh chóng khỏi Afghanistan sẽ gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ và khiến những kẻ không ưa chúng ta vui mừng. Taliban không tuân theo các điều kiện của thỏa thuận hòa bình”.

Phía Taliban trong khi đó lại khuyến khích chính quyền Tổng thống Trump tuân thủ cam kết và rút quân khỏi Afghanistan.

Phát ngôn viên của Taliban nói với tờ Newsweek rằng nếu được hiện thực hóa thì kế hoạch rút quân của Tổng thống Trump là “một bước đi thực tiễn hướng tới kết thúc chiến tranh kéo dài gần 20 năm tại Afghanistan”.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Gil Barndollar tại Trung tâm nghiên cứu Quản lý nhà nước lại cho rằng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có cùng quan điểm với Tổng thống Trump về việc chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan.

Do vậy, ông Gil Barndollar đánh giá nếu được hiện thực hóa, kế hoạch rút quân của nhà lãnh đạo Mỹ Trump lại có thể hữu ích về mặt chính trị với chính quyền người kế nhiệm. Ông Gil Barndollar nói: “Tôi cho rằng chính quyền của ông Joe Biden có thể sẽ nói cảm ơn”.

Ngày 7/11 (giờ địa phương), các hãng truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành được hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử Tổng thống Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại