Cựu đại tá không quân: Thảm kịch lớn sẽ xảy ra, Nga sẽ lặp lại thất bại lịch sử tại Karabakh

QS |

Nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Xô giai đoạn 1989-1991 đã kết thúc trong thất bại vì không đủ cứng rắn và không kéo dài lâu.

Thất bại của Liên Xô

Karabakh là khu vực mới nhất mà lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã trở lại sau khi từng được triển khai đến đây, gặp thất bại và sau đó phải rút lui. Những nguyên do dẫn tới thất bại năm 1991 của họ vẫn còn tồn tại và có thể sẽ dẫn đến kết quả tương tự trong lần triển khai mới này.

Trong cuộc phỏng vấn với Nakanune.ru, Đại tá Không quân về hưu Viktor Alksnis cho rằng "việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh không nên được xem là kết quả cuối cùng của cuộc xung đột đã có lịch sử trải dài nhiều thế kỷ qua".

Theo ông Alksnis, việc trả lại nguyên trạng đường biên giới hành chính năm 1988 là hệ quả cần thiết và tất yếu của cuộc xung đột. Và khi Azerbaijan đạt được ưu thế quân sự hoàn toàn trước Armenia thì điều này sẽ phá hủy ảo tưởng của người Armenia cho rằng họ có cơ hội để mở rộng thêm lãnh thổ của mình.

Trong lịch sử, nhà nước Liên Xô vẫn luôn giám sát Armenia và Azerbaijan nhưng khi việc này bắt đầu bị lơ là, phía Armenia đã giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh. Trước sự kháng cự của Azerbaijan, để xử lý tình hình, Moscow đã cử một đội quân gìn giữ hòa bình với quy mô hạn chế tới Nagorno-Karabakh trong giai đoạn 1989-1991. Nỗ lực đó kết thúc trong thất bại vì không đủ cứng rắn và không kéo dài lâu.

Ông Alksnis cho rằng, xung đột gay gắt giữa hai quốc gia chỉ có thể chấm dứt bằng việc khôi phục các vùng biên giới đã tồn tại từ trước. Song, điều đó có thể dẫn tới một hậu quả bi thảm: Toàn bộ cư dân Armenia tại Karabakh có thể bị diệt vong hoặc bị trục xuất.

"Tôi không kêu gọi điều này, nhưng đó là điều khó tránh khỏi" – Ông Alksnis nói.

Lịch sử có tái diễn?

Ông Alksnis nhận định, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới Nagorno-Karabakh lần này sẽ không giải quyết được bất cứ điều gì.

"Xung đột vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng nếu trước đây là xung đột giữa Armenia-Azerbaijan thì nay sẽ mở rộng ra là Armenia-Nga-Azerbaijan, hoặc thậm chí Armenia-Nga vì theo cái nhìn của người Azerbaijan thì Moscow dường như đang đứng về phía họ" - Ông Alksnis nêu quan điểm.

Moscow đã cam kết bảo vệ biên giới năm 1988 của Armenia nhưng không cam kết bảo vệ sự hiện diện của người Armenia ở Azerbaijan. Do vậy, hệ quả sẽ là "không thể để người Armenia tiếp tục ở lại đó".

"Đây là một thực tế cay đắng, một thảm kịch lớn và chúng ta sẽ bị sốc trước những nỗi kinh hoàng trong tiến trình thanh lọc sắc tộc diễn ra" – Ông Alksnis nói.

Vị Đại tá nhận định thêm rằng, có thể sẽ có nguy cơ một bộ phận người Armenia chuyển sang theo chủ nghĩa khủng bố để tấn công người Nga và Azerbaijan. Khi ấy, lực lượng gìn giữ hòa bình mà Nga đã cử tới Nagorno-Karabakh rất có thể là nạn nhân đầu tiên của việc này. Trong khi đó, người Azerbaijan không có lý do gì để hành động tương tự.

Tới cuối cùng, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và các cư dân Armenia ở bên trong các vùng biên giới của Azerbaijan sẽ rời đi. Tình hình có thể sẽ ổn định nhưng cho tới khi đạt được điều đó thì hai nhóm này sẽ phải chịu những tổn thất to lớn.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã bắt đầu được triển khai tới vùng Nagorno - Karabakh, theo Thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 9/11 vừa qua giữa Azerbaijan và Armenia, với sự trung gian hòa giải của Nga

Theo thông báo đăng tải trên trang web của Chính phủ Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ điều tổng cộng 1.960 binh sĩ tham gia gìn giữ hòa bình đến khu vực tranh chấp Nagorno- Karabakh.

Cụ thể, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai tại hành lang Lachin nối giữa khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh với Armenia.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ hiện diện tại khu vực tranh chấp này trong thời hạn 5 năm, và có thể được gia hạn thêm 5 năm tiếp theo nếu cả Azerbaijan và Armenia có yêu cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại