Thổ nổi lên như một cường quốc ở "sân sau" của Nga
Trong bức ảnh với nắm đấm chiến thắng, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ quàng tay ra sau người đồng cấp Azerbaijan Zakir Hasanov – khi ấy đang mặc quân phục và nở nụ cười tươi rói. Phía dưới bức ảnh do Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố ghi rõ chú thích: "Tổng tư lệnh của đội quân chiến thắng và Bộ trưởng quốc phòng của nước đồng minh thân cận nhất với Azerbaijan".
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar (trái) cùng người đồng cấp Azerbaijan Zakir Hasanov. Ảnh: Arif Akdogan/Anadolu Agency/Getty
Theo tờ Financial Times, đây là một tuyên bố đáng ngạc nhiên của quốc gia Liên Xô cũ từng xem Nga là đối tác quan trọng nhất. Tuy nhiên, cuộc xung đột kéo dài 6 tuần với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đã khiến Baku điều chỉnh lại quan điểm đối tác khu vực của mình, sau khi nó mang lại những thắng lợi lớn cho Azerbaijan và đội quân được Thổ hậu thuẫn của họ.
Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn mới do Moscow làm trung gian nhưng quy mô thành công của Azerbaijan, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, đã góp phần củng cố tầm ảnh hưởng mới thiết lập của Ankara tại Caucasus – nơi Điện Kremlin coi như "sân sau" địa chính trị của mình.
Thực tế cay nghiệt với Moscow
"Hệ quả địa chính trị không chỉ thảm khốc đối với Armenia, mà còn cả với Nga" - Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, nhận định – "Đối tác và đồng minh của Nga là phía thua cuộc, trong khi đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ đã thắng một cách thuyết phục".
"… Có một thực tế cay nghiệt là tầm ảnh hưởng của Moscow ở khu vực Ngoại Caucasus đã giảm mạnh, trong khi thanh thế của Thổ đã phát triển một cách đáng kinh ngạc" – Ông Pukhov nói thêm.
Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn khẳng định vai trò của Tổng thống Nga Vladimir Putin như một trọng tài không thể thiếu trong khu vực nhưng cái giá của nó là phải công nhận Thổ Nhĩ Kỳ như một nhân tố địa chính trị ở Caucasus.
Trước đó, tầm ảnh hưởng của Điện Kremlin đối với khu vực hậu Xô Viết chủ yếu được củng cố dựa trên quan hệ thương mại [thường là các giao dịch xuất khẩu năng lượng giá rẻ], hoạt động hỗ trợ tài chính [thông qua các khoản cho vay và đầu tư của những công ty nhà nước Nga], và thế lực của quân đội Nga.
Trong đó, sức mạnh quân sự là yếu tố mạnh nhất, nhưng cũng khó sử dụng nhất. Azerbaijan đã tiến hành một tính toán rủi ro rằng, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow sẽ không sẵn sàng can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Cuối cùng, cuộc chiens kéo dài hơn 6 tuần qua chứng minh Baku đã đúng.
Thông qua những bước tiến lớn về lãnh thổ, Baku đã cho thấy được rằng Moscow không phải là cường quốc quân sự duy nhất có khả năng "vẽ lại" các đường biên giới tại những khu vực thuộc Liên Xô cũ.
"Ông Erdogan coi Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc trong khu vực... Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quay trở lại làm đồng minh của NATO như họ đã từng trong những năm 1950. Tôi cho rằng Ankara đang cố gắng vạch ra một con đường tự trị cho chính mình " - Ông Onur Isci, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bilkent ở Ankara, nhận định.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ xảy ra những xung đột chính trị ở nơi này hay nơi khác. Họ không thực sự có chung quan điểm về các vấn đề địa chính trị mà đang cố gắng kiềm chế quan điểm riêng", ông Isci nêu quan điểm, "Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy ở Syria hay Caucasus một liên minh quân sự phát triển mạnh mẽ".
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào bàn cờ địa chính trị ở Nam Caucasus đã phản chiếu bước đi của Moscow vào cuộc chiến tranh ở Syria năm 2015 và các hoạt động của họ tại Libya – những khu vực mà Ankara coi là phạm vi ảnh hưởng của mình.
Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ, trong khi ủng hộ các phe đối lập ở cả hai cuộc xung đột, đã tìm cách duy trì mối quan hệ thực dụng và không mấy dễ chịu giữa hai phía, một phần do mất lòng tin đối với phương Tây.
"Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ [ở Nagorno-Karabakh] phần nào là câu trả lời cho các hoạt động của Nga ở Trung Đông" - Stanislav Pritchin, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Hậu Xô Viết, Viện Hàn lâm Khoa học Nga bình luận. Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang cố trở thành một "người chơi" toàn cầu và đặt ngón tay lên mọi chiếc bánh.
"Từ góc độ này, nam Caucasus đối với Ankara giống như một vùng không có rủi ro tiềm ẩn. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể tin tưởng vào Azerbaijan và không hiểu rõ về sự phức tạp trong khu vực vốn giới hạn về không gian cơ động này" - ông Pritchin nói.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở gần biên giới với Armenia. Ảnh: Reuters
Việc Nga triển khai gần 2.000 quân đến Nagorno-Karabakh đã sẽ làm gia tăng cường trách nhiệm của Điện Kremlin đối với tương lai của khu vực này.
"Azerbaijan đã đạt được rất nhiều thứ mà họ muốn nhưng cái giá mà họ phải trả cũng không kém [phải chấp nhận tầm ảnh hưởng của Nga ngay trong biên giới mình]. Trong khi đó, Nga giờ đây cũng có phải có trách nhiệm đối với cuộc xung đột này nhiều hơn bao giờ hết, và đó sẽ là gánh nặng trong thời gian tới" - Ông Olga Oliker, giám đốc khu vực Châu Âu và Trung Á tại Tổ chức khủng hoảng quốc tế (ICG) cho hay.
Điện Kremlin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào một "trung tâm liên hợp" nhằm giám sát việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, nhưng bác bỏ tuyên bố của Baku cho rằng trung tâm này sẽ được đặt tại Nagorno-Karabakh.
Trong khi đó, hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara và Moscow đang giữ "liên lạc thường xuyên".
"Các cuộc họp của chúng tôi sẽ tiếp tục bàn việc giám sát thỏa thuận này như thế nào. Chúng tôi luôn sát cánh cùng người anh em Azerbaijan của mình, dù trên chiến trường hay trên bàn đàm phán" – ông Cavusoglu nhấn mạnh.