“Thời vận” của xe tăng dưới góc nhìn từ xung đột Nagorno-Karabakh

Lê Ngọc |

Trong chiến tranh, không có gì là chắc chắn, nhiều kẻ vốn rất mạnh cũng đã phải trả giá rất đắt cho các bài học của chính mình.

“Cái sảy nảy cái ung”?

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, xung đột Nagorno-Karabakh đã gây nên cái chết của hàng chục nghìn người. Năm 2020, cuộc xung đột này mang một sắc thái mới - các cuộc giao tranh nổ ra liên quan đến việc sử dụng các máy bay không người lái có vũ trang của nước ngoài, được cho là của lính đánh thuê.

Điều này làm tăng khả năng cuộc xung đột trở thành một trận chiến khốc liệt vì việc cung cấp nhân lực và vật lực là lính đánh thuê và vũ khí từ các quốc gia khác - cuộc chiến ủy nhiệm.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Azerbaijan, trong khi Armenia là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), trong thành phần có Nga. Armenia tuyên bố quân đội Azeri đang leo thang các hoạt động, bao gồm cả việc triển khai hỗ trợ chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ và lính đánh thuê Syria được cho là do Ankara ký hợp đồng để hỗ trợ Azerbaijan.

Chưa có xác nhận chính thức nhưng việc sử dụng lính đánh thuê dường như đang mở rộng từ Trung Đông và Bắc Phi đến Kavkaz.

“Thời vận” của xe tăng dưới góc nhìn từ xung đột Nagorno-Karabakh - Ảnh 1.

Xung đột Nagorno-Karabakh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả các chuyên gia quân sự; Nguồn: chathamhouse.org

Yếu tố sợ hãi liên quan đến sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài tàn bạo không phải là mới. Chất lượng của những người lính đánh thuê được biết đến với kỹ năng chiến đấu đồng thời là sự thiếu tôn trọng các quy định quốc tế về chiến tranh đã thấm nhuần lịch sử.

Moscow đã lên án kịch liệt việc sử dụng lính đánh thuê nước ngoài và những kẻ khủng bố ở Nagorno-Karabakh, đồng thời coi sự hiện diện của các phần tử đó là mối đe dọa đối với toàn bộ khu vực.

Như vậy, cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh đại diện cho một mặt trận gián tiếp thứ ba có thể có liên quan đến các lực lượng ủy nhiệm và chiến tranh lai (hybrid) của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sau Syria và Libya.

Moscow đã phát đi tín hiệu muốn hòa giải xung đột thay vì tham gia, cho rằng, bất kỳ sự leo thang nào cũng có nguy cơ thu hút nhiều cường quốc trong khu vực hơn như Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông hôm 5/10 đưa tin, Iran đã chuyển khoảng 200 xe tăng - một lực lượng có thể thay đổi hoàn toàn cán cân sức mạnh trong khu vực - tới biên giới Armenia và Azerbaijan.

Trước hết, Tehran muốn tự bảo vệ mình, bởi vì toàn bộ vùng tây bắc của Iran có dân cư chủ yếu là người Azerbaijan nói ngôn ngữ của họ. Người Iran thực sự lo sợ xung đột có thể vượt qua biên giới, vì người dân địa phương kiên quyết chống lại việc ủng hộ người Armenia.

Các chuyên gia quân sự nghi ngờ việc cần đến một nhóm quân khổng lồ như vậy để canh gác biên giới, duy trì luật pháp, trật tự và đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ.

Hiện tại, Iran vẫn đang cố gắng duy trì thái độ trung lập, nhưng trong trường hợp Yerevan yêu cầu, nhiều khả năng Iran chuyển vũ khí này cho Armenia để chống lại các cuộc tấn công từ Azerbaijan (trước đó, Iran đã chuyển khoảng 30 xe tăng và 20 hệ thống pháo cho Armenia).

“Thời vận” của xe tăng dưới góc nhìn từ xung đột Nagorno-Karabakh - Ảnh 2.

Xung đột Nagorno-Karabakh chứng kiến sự tham gia của một số lượng lớn phương tiện thiết giáp; Nguồn: mintpressnews.com

Chính quyền Iran đã chính thức cảnh báo Azerbaijan về hậu quả nghiêm trọng nhất của việc kích động xung đột; nếu Baku cố gắng chuyển xung đột sang lãnh thổ Iran, Tehran sẽ lập tức phản ứng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin một trực thăng Azerbaijan bị bắn rơi trên không phận Iran. Các nhà phân tích tin rằng Iran đang chuẩn bị cho một sự can thiệp gián tiếp vào cuộc xung đột ở phía Armenia, như việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Azerbaijan.

Vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại dưới góc nhìn từ xung đột Nagorno-Karabakh

Giao tranh đẫm máu dọc theo biên giới chung Azerbaijan và Armenia không chỉ khiến nhiều người thiệt mạng, mà nhiều máy bay, vũ khí và các thiết bị quân sự, đặc biệt là xe tăng, cũng bị phá hủy bởi tên lửa chống tăng có lái dẫn (ATGM), mìn cài, đạn pháo và UAV...

Địa hình hiểm trở ở Kavkaz là nơi diễn ra vô số cuộc chiến trong nhiều thế kỷ. Dãy núi Greater Kavkaz trong lịch sử là một rào cản tự nhiên giữa Đông Âu và Tây Á, và khu vực này là nơi có ngọn núi cao nhất châu Âu - núi Elbrus.

Nhưng nó không được coi là “đất dụng võ” lý tưởng cho xe tăng và những trận giao tranh gần đây nhất đã phô bày những điểm yếu của xe tăng trên chiến trường hiện đại.

Theo trang forbes.com, cho đến nay, Armenia tuyên bố đã phá hủy ít nhất 137 xe tăng và xe bọc thép của Azerbaijan; còn phía Azerbaijan tuyên bố đã phá hủy 130 xe tăng và xe bọc thép, thu một số lượng lớn các chiến lợi phẩm của Armenia, bao gồm cả xe tăng T-72, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Cuộc xung đột có thể dẫn đến tổn thất xe tăng lớn nhất trong chiến đấu kể từ Chiến dịch “Iraqi Freedom”, khi quân Iraq tổng thể phải hứng chịu 85 xe tăng cùng với 40 xe bọc thép bị thiêu rụi.

Thực tế nhiều xe tăng bị phá hủy trong thời gian ngắn cho thấy, xe tăng có thể là đối tượng quá dễ bị tổn thương đối với máy bay, bao gồm cả máy bay không người lái, và có ý kiến cho rằng, “số” của xe tăng đã “tận”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quân sự, đó không phải là thất bại của bản thân xe tăng mà là thất bại của huấn luyện chiến thuật.

Vấn đề địa hình ở Kavkaz có thể đòi hỏi những tư duy khác nhau trong cách triển khai xe tăng, và ngay cả các nhà quân sự ở Azerbaijan và Armenia cũng chưa thể hình dung hết những thách thức đó, theo Thiếu tá Moran thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas (Mỹ) và là một sử gia xe tăng.

“Thời vận” của xe tăng dưới góc nhìn từ xung đột Nagorno-Karabakh - Ảnh 3.

Xung đột Nagorno-Karabakh một lần nữa làm dấy lên tranh luận về vai trò của lực lượng tăng thiết giáp trong chiến tranh hiện đại; Nguồn: news.yahoo.com

Nghiên cứu vai trò của lực lượng thiết giáp trong cuộc đụng độ mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan, chuyên gia Moran nhận xét, không bên nào có hệ thống phòng không cần thiết để giúp bảo vệ các đơn vị trên mặt đất.

Kết quả là những người bên trong xe tăng có thể làm rất ít để bảo vệ mình. Đây là điều đặc biệt duy nhất của cuộc xung đột này, vì hầu hết các quân đội hiện đại đều nhận thức được mối đe dọa như vậy và đã phát triển thiết bị để chống lại các cuộc tấn công từ trên không.

Nếu đánh giá cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan chỉ dựa trên thông tin đưa ra trong những ngày qua, người ta có thể chắc chắn rằng đây là sự kết thúc của lực lượng thiết giáp, Mike Jason - một đại tá quân đội và là sĩ quan thiết giáp, chỉ huy một tiểu đoàn vũ trang hỗn hợp đã nghỉ hưu - cho biết.

Thủy quân lục chiến Mỹ không cho rằng xe tăng là lỗi thời, nhưng kết luận rằng, xe tăng rất dễ bị tấn công chính xác và các cơ quan chức năng đã tìm cách chuyển đổi thành một lực lượng chiến đấu cơ động và tinh nhuệ hơn nên đã loại biên xe tăng sau gần 80 năm. Tương tự, Quân đội Anh tuyên bố sẽ thu nhỏ lực lượng xe tăng của mình.

Tuy nhiên, các cường quốc khác đang tìm cách tăng cường lực lượng xe tăng của họ. Tháng trước, Ấn Độ bắt đầu triển khai số lượng lớn xe tăng ở biên giới với Trung Quốc, nơi chúng sẽ hoạt động trên địa hình bằng phẳng của Thung lũng Ladakh.

Đáng nói, không giống như Armenia và Azerbaijan, Ấn Độ có một lực lượng không quân và vũ khí phòng không hiện đại giúp bảo vệ những chiếc xe tăng đó trên mặt đất. Nhưng trong chiến tranh, không có gì là chắc chắn vì nhiều kẻ vốn rất mạnh và tự tin cũng đã phải trả giá rất đắt cho các bài học của mình./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại