Ngày 30/9/2015, theo mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, Quân đội Nga chính thức bắt đầu tham gia chiến dịch quân sự chống lại các phần tử khủng bố thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria theo đề nghị trợ giúp từ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng hàng nghìn người từ các nước châu Âu, Nga và khu vực hậu Xô Viết đã tham gia vào hàng ngũ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng - một tổ chức khủng bố mà tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, nó không liên quan gì đến Hồi giáo chân chính”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tổ chức cùng ngày với các thành viên chính phủ Nga.
“Không cần phải là một chuyên gia mới có thể nhận ra rằng nếu chúng thành công ở Syria, chắc chắn chúng sẽ trở về đất nước ban đầu, trong đó có cả Nga”.
Chiến đấu cơ Không quân Nga tham gia tấn công khủng bố ở Syria. Ảnh: Sputnik
Nga tham dự, chiến trường Syria thay đổi đột phá
Sự can dự của Nga trở thành một bước ngoặt đối với Syria, quốc gia đã chìm trong cuộc nội chiến kể từ năm 2011.
Một tài liệu giải mật của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) biên soạn năm 2012 cho thấy, lực lượng chính kích động cuộc nổi dậy ở Syria là những phần tử theo chủ nghĩa Salafist, Tổ chức Anh em Hồi giáo và al-Qaeda ở Iraq (AQI). Liên minh này đã ủng hộ phe đối lập Syria ngay từ đầu, cả về mặt ý thức hệ và thông qua các phương tiện truyền thông.
Vào thời điểm đó, Mỹ và liên minh châu Âu (EU) đã phát tín hiệu “đồng cảm” với cái gọi là phiến quân Syria “ôn hòa”, đồng thời không ngừng kêu gọi ông Assad từ chức.
Tháng 9/2014, Mỹ can thiệp vào Syria với lý do chống IS. Quân đội Mỹ dẫn đầu một liên minh quốc tế gồm một số thành viên ở cả khu vực và bên ngoài, gồm các lực lượng từ Anh, Pháp, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia và công khai hỗ trợ cho phe nổi dậy Syria cũng như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd giữ vai trò chi phối.
Máy bay chiến đấu Su-30SM của Nga. Ảnh: BQP Nga
Ngoài cuộc “đổ bộ” của liên quân do Mỹ dẫn đầu, hàng chục nghìn, thậm chí là hàng trăm nghìn tay súng đã tiến vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon và Iraq.
“Chúng được trang bị vũ khí hạng nặng và huấn luyện chuyên nghiệp. Nếu không sử dụng sức mạnh không quân để đánh phá thì việc loại bỏ những lực lượng như vậy sẽ là một nhiệm vụ rất khó thực hiện trên mặt đất”, Ghassan Kadi, chuyên gia về Trung Đông và nhà phân tích chính trị gốc Syria nhớ lại.
Đến tháng 9/2015, các nhóm thánh chiến đã tiến rất gần đến Thủ đô Damascus của Syria mà theo như nhận định của nhà báo người Syria Basma Qaddour thì Syria chắc chắn sẽ rơi vào tay các nhóm khủng bố do nước ngoài hậu thuẫn chỉ sau khoảng 2-3 tuần nữa.
Ông Ghassan Kadi cũng cho rằng, diễn biến khi đó cho thấy nhiều khả năng những phần tử khủng bố sẽ giành chiến thắng. Vì vậy, động thái quân sự của Moscow vào ngày 30/9/2015 thực sự được coi là một bước ngoặt lớn.
“Vai trò lớn nhất của Nga về mặt quân sự là họ đã biết sử dụng sức mạnh và trình độ không quân để chiến đấu trong môi trường đô thị dày đặc”, chuyên gia Ghassan Kadi nhấn mạnh. “Chính điều này đã làm nghiêng cán cân quyền lực chống lại những kẻ xâm lược và mang lại lợi thế cho Quân đội Syria”.
Lính Nga phong tỏa căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria
Sức mạnh không quân Nga đã chặn đứng ý đồ tấn công của NATO ở Syria
Tính đến tháng 12/2017, liên quân Nga - Syria đã tiêu diệt 60.318 tay súng thánh chiến, trong đó có 819 thủ lĩnh khủng bố và giải phóng 1.024 khu định cư, nổi bật nhất là các thành phố chiến lược Aleppo, Palmyra, Akerbat, Deir ez-Zor, Meyadin và Abu Kemal.
Được sự hỗ trợ của Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, Quân đội Chính phủ Syria đã cơ bản loại bỏ hầu hết các thành trì chính của IS, ngoại trừ Idlib vẫn là điểm nóng thánh chiến duy nhất còn tồn tại trên cả nước.
Theo ông Ghassan Kadi, chính sự hiện diện của Quân đội Nga trên mặt đất và sự thành công của chiến dịch chống khủng bố trên không đã chặn đứng bất kỳ ý đồ thực hiện một cuộc tấn công tổng lực nào của NATO.
Sau khi triển khai lực lượng quân cảnh tới Syria để giám sát lệnh ngừng bắn tại các khu vực giảm leo thang căng thẳng và đạt được thỏa thuận với Damascus về việc thành lập một nhóm thường trực tại cơ sở hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim, tháng 12/2017 Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rút quân đội Nga về nước.
Tuy nhiên, Moscow vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Syria khi liên quân Nga - Syria đã cùng phối hợp tiêu diệt hơn 133.000 tay súng thánh chiến.
Song song với các nỗ lực quân sự, Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn xếp các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và các lực lượng đối lập ở Astana vào cuối tháng 12/2016.
Những năm tiếp theo đó, các cuộc đàm phán do Moscow, Tehran và Ankara cùng tiến hành đã góp phần giảm cường độ xung đột trên thực địa qua việc ký kết các thỏa thuận ngừng bắn và thành lập bốn khu vực giảm leo thang ở Syria.
Ông Grigory Lukyanov, chuyên gia thuộc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga tin rằng, Syria sẽ khó lòng tồn tại nếu không có sự hỗ trợ quân sự của Nga và Tổng thống Bashar Assad sẽ không còn là lãnh đạo của quốc gia Trung Đông nếu không có sự giúp sức từ Moscow.
Mặc dù vậy, tiến trình hòa giải hiện nay ở Syria vẫn đang bị cản trở bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Chỉ khi nào những bên tham gia nước ngoài rút khỏi Syria thì hòa bình mới có khả năng vãn hồi ở quốc gia Trung Đông này.