Chiến sự Armenia-Azerbaijan "rực lửa": Vì sao ông Putin chưa ra tay can thiệp?

Anh Tú |

Một câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là, Nga đang cùng lúc phải xử lý tới 4 điểm nóng riêng biệt thì liệu họ có đủ nguồn lực để can thiệp vào Nagorno-Karabakh nữa hay không?

Trong một khoảng thời gian, dường như họ là bạn của nhau. Tổng thống Nga Vladimir Putin, một cựu điệp viên KGB, đã cố gắng từ từ tách ông Recep Tayyip Erdogan - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những thành viên khó xử nhất, ra khỏi NATO.

Vì xích lại gần Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35 khi mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Moscow. Ankara có vẻ như đột nhiên thân thiết với Moscow hơn là liên minh quân sự NATO. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi như thế nào?

Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đụng độ ở Syria, ủng hộ các phe phái đối lập khác nhau tại Libya và nhất là khi leo thang giữa ArmeniaAzerbaijan ngày càng diễn ra căng thẳng ở khu vực Nagorno-Karabakh thì ông Putin và người đồng cấp Erdogan dường như không còn muốn nói chuyện điện thoại thường xuyên với nhau nữa.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hết mình cho chiến dịch quân sự của Azerbaijan đã giúp Baku giành được một số lợi thế nhất định. Armenia không có khả năng kỹ thuật để chiến đấu với các máy bay không người lái và tốc độ tấn công nhanh của Azerbaijan. Thay vào đó, như Azerbaijan cáo buộc, lại đang mở rộng xung đột bằng cách pháo kích vào các thành phố lớn của họ.

Đây là thời điểm mà theo truyền thống thì Moscow sẽ “đe dọa, xoa dịu hoặc tiến hành đánh bom” để vãn hồi trật tự đã được thiết lập, phát đi thông điệp với nước láng giềng rằng ai mới thực sự là chủ trong nhiều thập kỷ dưới thời Liên Xô còn tồn tại.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan rực lửa: Vì sao ông Putin chưa ra tay can thiệp? - Ảnh 1.

Hình ảnh do Quân đội Armenia công bố hôm 27/9/2020 ghi lại cảnh một chiếc xe tăng của Azerbaijan nổ tung sau khi bị tấn công

Là quốc gia đóng vai trò dàn xếp quyền lực trong khu vực, láng giềng của Azerbaijan nhưng cũng có liên minh an ninh chính thức với Armenia, Nga đã chọn biện pháp ngoại giao để “dập tắt” tiếng súng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại Moscow vẫn phải chứng kiến xung đột leo thang ở sân sau của mình mà chưa thể hiện được sự ảnh hưởng đáng kể nào.

Cuối tuần qua, Tổng thống Putin đã có cuộc họp trực tuyến với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga và vào trưa ngày thứ Hai (5/10), Điện Kremlin cho biết ông lại có cuộc trò chuyện với Tổng thống Tajikistan, những sự kiện gần như không phải vấn đề trọng tâm liên quan tới cuộc xung đột đang bùng cháy trong khu vực.

Có lập luận cho rằng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người lên nắm quyền sau cuộc Cách mạng Nhung năm 2018, đã đưa ra những yêu cầu cải cách theo kiểu phương Tây, đường hướng mà Moscow không ưa.

Vì vậy, để nhà lãnh đạo mới nhất của Yerevan phải “toát mồ hôi” và thậm chí có thể thua, dường như là hình phạt đang được ông Putin đưa ra. Hãy nhớ rằng, Nga đã sáp nhập Bán đảo Crimea sau khi Ukraine đi quá xa trong nỗ lực xích lại gần với NATO.

Cũng có một lập luận khác cho rằng vùng đồi núi Nagorno-Karabakh nằm bên trong biên giới của Azerbaijan và xuất hiện như một điểm bất thường khó hiểu trên bản đồ, đơn giản không đủ giá trị chiến lược để Moscow phải bận tâm can thiệp quân sự.

Những năm gần đây, Moscow đã can thiệp vào nhiều nơi, từ Ukraine, Syria cho tới Libya. Nga cũng đang phải hỗ trợ khẩn cấp cho nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, dù mức độ và hình thức như thế nào không được công khai.

Vì vậy một câu hỏi đặt ra là: Với 4 điểm nóng riêng biệt như vậy thì liệu Điện Kremlin có đủ nguồn lực can thiệp vào Nagorno-Karabakh nữa hay không?

Việc đưa sức mạnh quân sự của Nga vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh cũng sẽ không dễ dàng. Moscow có các căn cứ ở Yerevan và Gyumri tại Armenia nhưng sẽ phải điều thêm binh lính và phương tiện đến hoặc phải xin phép Gruzia cho quá cảnh trên bộ.

Trong khi đó, Azerbaijan dường như chiếm ưu thế hơn về kỹ thuật và chiến lược và lại được sự hậu thuẫn công khai của Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù Ankara phủ nhận cáo buộc trực tiếp của Pháp rằng họ đã triển khai lực lượng đánh thuê từ Syria sang tiếp ứng cho Baku.

Armenia chia sẻ một đoạn video được cho là quay cảnh một trực thăng Azerbaijan bị bắn rơi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại