Lý do duy nhất khiến Israel không thể sở hữu “chim ăn thịt” tối tân F-22 của Mỹ

Hồng Anh |

Bất chấp quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Israel đến nay vẫn không thể sở hữu tiêm kích tàng hình F-22- một trong những chiến đấu cơ tối tân nhất.

Với vai trò là đồng minh thân thiết của Mỹ, Israel đã nhận được một lượng lớn viện trợ quốc phòng từ Washington dưới dạng tiền mặt, vũ khí. Thế nhưng, nước này vẫn không thể sở hữu tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ. Điều này cho thấy, không phải tất cả các công nghệ của Mỹ đều được chia sẻ cho các đồng minh.

Có lẽ, ví dụ nổi bật nhất của sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Israel là chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II. Chương trình này được Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin bảo vệ bí mật tuyệt đối, kể cả khi nó được bán cho các quốc gia đối tác đồng minh.

Việc sửa đổi bất kỳ thành phần nào thuộc phần cứng, hoặc phần mềm của F-35, về cơ bản là không được phép. Tuy nhiên, quy định cũng có ngoại lệ. Ngoài Mỹ, Israel là quốc gia duy nhất có thể sửa đổi F-35 để phù hợp hơn với các yêu cầu của họ ở Trung Đông.

Bên cạnh F-35, Israel còn vận hành một số lượng lớn các máy bay khác của Mỹ. Theo tập đoàn Lockheed Martin, Israel đã mua hơn 300 chiếc F-16 kể từ giữa những năm 1990, khiến phi đội F-16 của quốc gia này trở thành một trong những phi đội lớn nhất thế giới.

Bất chấp quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ như vậy, về cả mặt công nghệ lẫn các cuộc tập trận chung, Israel đến nay vẫn không thể “chạm tay” vào tiêm kích F-22, vốn được xem là một trong những chiến đấu cơ tối tân nhất.

“Chim ăn thịt” chiếm ưu thế vượt trội

Tiêm kích F-22 Raptor do Không quân Mỹ vận hành, được cho là “máy bay chiến đấu có người lái tiên tiến nhất” trên thế giới. Khả năng tàng hình của tiêm kích này thậm chí còn vượt trội hơn cả F-35 Lightning II – dòng máy bay đã được xuất khẩu cho một số đồng minh của Mỹ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông, trong đó có Nhật Bản, Israel.

F-22 được chế tạo với mục đích chiếm ưu thế trên không và trong nhiều trường hợp, thiết lập hành lang an toàn cho các máy bay kém hơn về khả năng tàng hình và cơ động để tiến hành tấn công. Do vậy nó “được tích hợp những phát triển mới nhất trong công nghệ tàng hình để giảm sự phát hiện của radar đối phương.

Ngoài ra, máy bay này còn có các động cơ với lực đẩy lớn để tăng thêm khả năng cơ động và hệ thống điện tử hàng không tối tân, có chức năng hiển thị thông tin từ các cảm biến bên trong và bên ngoài máy bay trong một màn hình hiển thị duy nhất.

F-22 cũng nổi tiếng với công nghệ “siêu hành trình” cho phép máy bay chiến đấu này đạt tốc độ Mach 1.5, giúp nó di chuyển nhanh hơn và xa hơn, sử dụng ít nhiên liệu hơn, rất cần thiết cho nhiệm vụ chiến đấu.

“Đạo luật Obey”

Việc xuất khẩu F-22 bị ngăn cản bởi cái gọi là “Đạo luật Obey”. Nghị sĩ Mỹ David Obey lo ngại rằng, một số công nghệ nhạy cảm và bí mật được sử dụng để phát triển F-22, trong đó phải kể đến các tính năng tàng hình độc đáo, có thể bị đối thủ của Mỹ phát hiện và sao chép nếu Washington xuất khẩu tiêm kích này.

Ông David Obey đã bổ sung một sửa đổi cho Đạo luật cấp ngân sách cho quốc phòng năm 1988. Sửa đổi của ông chỉ là một câu duy nhất: “Không có khoản tiền nào trong đạo luật này có thể được sử dụng để phê duyệt hoặc cấp phép cho việc bán máy bay chiến đấu F-22 cho bất cứ chính phủ nước ngoài nào”.

Điều này đã quyết định tương lai của F-22, biến nó thành dòng máy bay chỉ được sử dụng trên đất Mỹ.

Trong quá trình phát triển F-22 (chương trình Máy bay chiến đấu tiên tiến), Không quân Mỹ ban đầu ước tính sẽ mua số lượng lớn khoảng 750 tiêm kích, nhưng hiện nay số lượng họ sở hữu chỉ có 187 chiếc.

Ngoài sự hạn chế của Đạo luật Obey, số lượng máy bay sản xuất trong chương trình F-22 cũng bị giảm quy mô do sự thay đổi tình hình. Chương trình F-22 ban đầu được thực hiện để đối phó với các máy bay chiến đấu tiên tiến trong kho vũ khí của Liên Xô.

Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã không còn bất kỳ mối đe dọa thực sự lớn nào đối với nước Mỹ vì thế họ không phải cần đến số lượng lớn máy bay F-22.

Không quân Mỹ đang có kế hoạch duy trì hoạt động của F-22 đến những năm 2060 thông qua việc nâng cấp vũ khí để xây dựng nền tảng kỹ thuật cần thiết, giúp F-22 có thể mang được các loại tên lửa đất đối không thế hệ mới trong những năm tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại