"Con đường vinh danh" 100 năm ngành chế tạo xe tăng Liên Xô và Nga

Duy Trinh |

Tại khu triển lãm trong thời gian diễn ra Diễn đàn Kỹ thuật quân sự Quốc tế - Army Games 2020, có một "con đường vinh danh" trải thảm đỏ để kỷ niệm 100 năm ngành chế tạo xe tăng Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.

20 chiếc xe tăng tiêu biểu được giới thiệu tại “Con đường vinh danh” này đại diện cho những mẫu xe tăng ưu tú nhất của ngành xe tăng Xô Viết và Nga. Chúng bắt đầu từ chiếc tăng đầu tiên của Liên Xô – bản sao tăng Renault FT của Pháp - cho tới T-14 Armata, chiếc tăng thế hệ thứ 3 mới nhất của Nga sau chiến tranh.

Ngành xe tăng Liên Xô khởi đầu từ mẫu xe tăng Renault FT-17 do hãng Renault của Pháp phát triển năm 1917. Đây là mẫu xe tăng tốt nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ I với 3.177 chiếc xuất xưởng.

Khi Hồng quân Liên Xô thu giữ được chiếc tăng này từ lực lượng của Tướng Bạch vệ Anton Denikin và giới thiệu với Vladimir I. Lenin, Người đã lệnh cho nhà máy “Sormovo Đỏ” ở thành phố Gorky (nay là Nizhny Novgorod) chế tạo chiếc xe tăng giống như vậy, và vì thế xe tăng còn có tên gọi “Chiến sĩ vì tự do của đồng chí Lenin”.

Từ đó, ngày 31/8/1920, ngày chiếc “Renault Nga” này ra đời được xem là ngày bắt đầu lịch sử ngành chế tạo xe tăng Xô Viết và Nga. Lô “Renault Nga” đầu tiên xuất xưởng gồm 15 chiếc, nhưng điều đặc biệt là chỉ 12 chiếc được trang bị vũ khí, còn 3 chiếc không trang bị vũ khí.

Con đường vinh danh 100 năm ngành chế tạo xe tăng Liên Xô và Nga - Ảnh 1.

Xe tăng Renault Nga “Chiến sĩ vì tự do của đồng chí Lenin”.

Con đường vinh danh 100 năm ngành chế tạo xe tăng Liên Xô và Nga - Ảnh 2.

Xe tăng IS-2 với đại pháo 122mm đáng sợ.

Con đường vinh danh 100 năm ngành chế tạo xe tăng Liên Xô và Nga - Ảnh 3.

Xe tăng Armata T-14.

Đứng bên cạnh chiếc Renault Nga trên “Con đường vinh danh” là xe tăng hộ tống cỡ nhỏ T-18 (MS-1) ra đời năm 1927. Đây là mẫu xe tăng đầu tiên do Liên Xô phát triển và dựa trên mẫu tăng hạng nhẹ Fiat 3000 của Italy. Xe tăng đã được thử thách trong trận chiến đường sắt Phương Đông - Trung Quốc năm 1938 - 1939.

Tiếp theo là xe tăng hạng nhẹ T-38, mẫu xe tăng lội nước đầu tiên của Liên Xô do nhà máy số 37 (ở Moskva) phát triển phục vụ mục đích trinh sát. T-38 được đưa vào sử dụng từ năm 1936 và được sản xuất cho đến năm 1939. Tổng cộng có khoảng 1.300 chiếc T-38 đã được xuất xưởng và được sử dụng trong giai đoạn đầu Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Nối tiếp là xe tăng hạng nhẹ T-50, mẫu xe hiện chỉ còn một chiếc duy nhất trên thế giới. T-50 được phòng thiết kế nhà máy số 174 (ở Leningrad) phát triển năm 1940 và được sản xuất hàng loạt cho tới năm 1942. Tổng cộng chỉ có 100 chiếc T-50 được xuất xưởng, nhưng có thể thấy, cỗ máy này đã gần đạt đến trình độ kỹ thuật quân sự của những mẫu xe tăng T-34 đầu tiên.

Tiếp đến là các dòng xe tăng hạng nặng của Liên Xô mà khởi đầu là chiếc KV-1 (1941-1943). KV là những chữ cái đầu trong tên của Klimant Voroshilov - một trong những Nguyên soái Liên Xô đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của kỹ sư thiết kế xe tăng Nikolai Dukhov, KV-1 được phòng thiết kế thuộc nhà máy Kirov (ở Leningrad) phát triển năm 1939 và được sản xuất cho đến năm 1942.

KV-1 với trọng lượng 47,5 tấn, sử dụng động cơ diesel 500 mã lực và trang bị pháo 76mm, khi đó được coi là cột mốc quan trọng của ngành chế tạo xe tăng thế giới, có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển xe tăng hạng nặng ở các nước khác.

Cũng chính từ các dòng xe tăng hạng nặng KV-1 và KV-2 đã hình thành dòng xe tăng nổi tiếng IS (viết tắt của Iosif Stalin). IS-2 (1943-1945) được xem là xe tăng hạng nặng đột phá, mạnh nhất trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Quân Đức rất sợ đại bác 122mm uy lực của IS-2, vốn có thể “nghiền nát tất cả xe tăng của họ thành sắt vụn”. Xe được sản xuất tại các nhà máy ở Chelyabinsk và Kirov, nặng 46 tấn, kíp chiến đấu 4 người, và có thể đạt đốc độ 37 km/h.

Được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên “Con đường vinh danh” là mẫu xe tăng Т-34-85 (1944-1945) sản xuất năm 1944. Đây là mẫu xe được hiện đại hóa và phát triển từ mẫu xe tăng T-34-76 (1940-1944), loại xe tăng tốt nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II. Ở giai đoạn đầu cuộc chiến, T-34-76 là "ông hoàng trên chiến trường". Sau đó, khi người Đức có xe tăng “Con báo” và “Con cọp”, xe tăng được nâng cấp để không chỉ hoàn hảo mà còn bền bỉ hơn.

Mẫu thú vị tiếp theo là xe tăng hạng trung T-55A (1962-1979) do phòng thiết kế nhà máy Uralvagonzavod (ở Nizhny Tagil) cùng nhà máy OKB-174 (ở Omsk) phát triển năm 1962. T-54 và người anh em T-55 là dòng tăng rất phổ biến.

Năm năm trước, 60 nước và vùng lãnh thổ vẫn sử dụng T-54/T-55. Đây là cỗ máy thực chiến nhiều nhất, tham gia hơn 20 cuộc xung đột quân sự trên hầu hết các lục địa. Tổng cộng có khoảng gần 18.000 chiếc T-54/T-55 được xuất xưởng.

Mẫu đáng chú ý tiếp theo là chiếc xe tăng hiện đại T-72B3M, biến thể hiện đại hóa mới nhất của xe tăng T-72. Xe tăng T-72 (1973-1990) là mẫu xe được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn nhất giai đoạn đương đại với khoảng gần 22.100 xe xuất xưởng.

Tăng T-72B3 được sử dụng chủ yếu trong cuộc thi “Xe tăng hành tiến” tại Army Games 2020 mà đội Việt Nam cũng tham gia thi đấu.

Tiếp đó là những mẫu xe tăng hiện đại T-80BVM, phiên bản mới nhất của xe tăng T-80 (1976-1990) với động cơ tuốc bin khí. Năm 2020, quân đội Nga lần đầu tiên được trang bị bản nâng cấp T-90M “Proryv” mới nhất của T-90; cùng các mẫu xe tăng nổi tiếng chế tạo trên khung gầm Armata là T-14 và xe chiến đấu chở bộ binh (BMP) T-15.

Tổng cộng, tính từ năm 1920 đến năm 2020, Liên Xô, LB Nga và 7 quốc gia khác đã xuất xưởng hơn 250.000 xe tăng các loại khác nhau do Liên Xô và LB Nga thiết kế, phát triển. Hiện nay hơn 38.000 xe tăng của Liên Xô và LB Nga được sử dụng trong lực lượng vũ trang của hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Olga E. Kyi, trưởng bộ phận mô hình triển lãm tĩnh của Khu triển lãm công ty Uralvagonzavod, cho biết, triển lãm xe tăng tại công viên “Yêu nước” lần này có giá trị lịch sử rất to lớn vì đây là lần đầu tiên giới thiệu một phần lịch sử ngành chế tạo xe tăng của nước Nga.

100 năm là khoảng thời không dài đối với lịch sử song là khoảng thời gian đáng để quan tâm của ngành chế tạo xe tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại