Mỹ "chèn gối lên cổ" Iran nhưng bẽ bàng giữa LHQ: Nga cứu thua, Tehran thừa thắng xốc tới

Bình Nguyên |

Tổng thống Iran Rouhani: "Mỹ quyết giáng thêm đòn đánh vào Iran nhưng chỉ nhận được 1 phiếu... Iran thắng lớn, Mỹ tự chuốc lấy thất bại với âm mưu của mình trong sự bẽ bàng".

Mỹ quyết "chèn gối lên cổ" Iran nhưng thất bại bẽ bàng

Trước phiên bỏ phiếu quan trọng của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về dự thảo gia hạn lệnh cấm vũ khí với Iran, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia mô tả chính sách của Mỹ là "chính sách bóp ngạt tối đa".

"Mục tiêu của họ là thay đổi chế độ hoặc tạo ra một tình huống mà Iran sẽ không thở nổi. Chẳng khác nào chèn gối lên cổ một người" – ông Nebenzia nói, ám chỉ cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu thiệt mạng sau khi bị cảnh sát dùng gối chèn lên cổ ở TP Minneapolis. Sự kiện này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Mỹ và thế giới.

Thực tế đã không diễn ra như Mỹ mong muốn khi họ hoàn toàn đơn độc giữa Liên hợp quốc vì chỉ có CH Dominica bỏ phiếu ủng hộ dự thảo trên trong khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, 11 quốc gia còn lại trong Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng

Nên nhớ, để dự thảo nghị quyết được thông qua cần 9 phiếu thuận và không có bất kỳ phiếu chống nào từ 5 nước thành viên thường trực HÐBA LHQ. Dẫu biết trước rằng Nga và Trung Quốc sẽ bỏ phiếu phủ quyết, nhưng việc cả Anh và Pháp cũng không bỏ phiếu ủng hộ khiến Mỹ cảm thấy bị đơn độc, bối rối.

Sau kết quả bỏ phiếu, Ðại sứ Mỹ tại LHQ, bà Kelly Craft nhấn mạnh: "Thất bại hôm nay của HÐBA sẽ không phục vụ cho hòa bình hay an ninh. Thay vào đó, nó châm ngòi cho cuộc xung đột lớn hơn và gây mất an ninh hơn nữa", còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi quyết định của Hội đồng Bảo an là "sai lầm nghiêm trọng".

Vui mừng trước sự gục ngã của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình quốc gia: "Mỹ mất hàng tháng để chuẩn bị nghị quyết giáng thêm đòn đánh vào Iran và chỉ nhận được 1 phiếu. Đây là một thắng lợi to lớn khi Mỹ tự chuốc lấy thất bại với âm mưu của mình trong sự bẽ bàng".

Nga-Trung Quốc "cứu" Iran: Tehran thừa thắng xốc tới

Đúng vậy, giới quan sát quốc tế đã bình luận rằng Nga và Trung Quốc đã "cứu" Iran bởi trước đó, vào ngày 14/05/2020, Trung Quốc phản đối kế hoạch của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc.

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc viết trên Twitter rằng Mỹ "không có quyền gia hạn cấm vận vũ khí đối với Iran, chứ đừng nói đến việc kích hoạt lại trừng phạt. Duy trì JCPOA là cách duy nhất để tiến về phía trước".

Trước đó, Nga cũng đã bày tỏ phản đối với việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí. Cuối cùng, dù đoán trước được kết quả nhưng không thể đảo ngược, Hội đồng bảo an LHQ đã chính thức bác đề xuất của Mỹ.

Thất vọng với quyết định nói trên, Ðại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft phát biểu với hãng thông tấn Fox News: "Nga và Trung Quốc đang chờ đợi để có thể bán vũ khí cho Iran".

Ðại sứ Trung Quốc tại LHQ, Zhang Jun tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu hôm 14/08: "Nếu Mỹ vẫn bất chấp dư luận quốc tế, họ sẽ chuốc lấy thất bại như hôm nay. Chủ nghĩa đơn phương không nhận được sự ủng hộ và bắt nạt sẽ thất bại".

Mặc dù thất bại ở Liên hợp quốc nhưng Mỹ vẫn quyết sử dụng ‘kế hoạch B’ để trừng phạt Iran và giới quan sát bình luận đây là kế hoạch gây nhiều tranh cãi và có nguy cơ làm Liên hợp quốc rơi vào cuộc khủng hoảng mới.

Đại đa số quan chức cấp cao Mỹ đã bày tỏ sự không hài lòng và đã quyết định tiến thêm 1 bước nguy hiểm hơn, khi khởi động "kế hoạch B" nhằm vào Iran. Theo đó, Mỹ sẽ kích hoạt điều khoản khôi phục toàn bộ các lệnh cấm vận (snapback) trong Nghị quyết 2231 và đơn phương áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí khác.

Giới phân tích tin rằng, động thái mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa Mỹ với các đồng minh phương Tây.

Sau "thắng lợi to lớn này", như Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố, Tehran được cho là đang chuẩn bị mở hầu bao để chi nhiều tỷ USD nhằm mua sắm vũ khí mới để tăng cường năng lực phòng thủ, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là xung đột quân sự với Mỹ và đồng minh.

Rõ ràng, mặc dù được Nga và Trung Quốc ủng hộ, nhưng nếu Tehran không nhanh tay chớp lấy cơ hội này, rất có thể Mỹ sẽ tìm cách này hay cách khác để tiếp tục "chèn gối lên cổ" Iran và khi đó dù có tiền, thậm chí rất nhiều tiền thì cũng bó tay.

Vì thế, ngay lúc này, Iran đang thừa thắng xốc tới, tích cực nghiên cứu, xúc tiến đàm phán với các nhà cung cấp vũ khí, đặc biệt là Nga và Trung Quốc để lên danh mục mua sắm hàng loạt sản phẩm quốc phòng tối tân.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran đã tới dự Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế ARMY-2020 tại Moscow, tại đây, những bản hợp đồng "khủng" đang được bàn thảo và có thể sẽ sớm được công bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại