Mỹ nổi cơn thịnh nộ, thề không bỏ qua cho Iran: Nga - Trung trở thành mục tiêu tiếp theo?

Trà Khánh |

Mất đi sự ủng hộ của Pháp, Anh và Đức, Mỹ khó có thể gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Do đó, nhiều khả năng Washington sẽ chuyển "mũi dùi" sang Nga và Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn kênh Fox News vào hôm qua 21/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn Nga và Trung Quốc bán vũ khí cho Iran, sau khi lệnh cấm vận của Liên hợp quốc hết hiệu lực.

Ngoại trưởng Pompeo cũng bày tỏ thất vọng trước việc Pháp, Anh và Đức đồng loạt lên tiếng không ủng hộ đề xuất khởi động “quy trình đảo ngược” của thỏa thuận hạt nhân JCPOA, vốn cho phép Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.

Mỹ nổi cơn thịnh nộ, thề không bỏ qua cho Iran: Nga - Trung trở thành mục tiêu tiếp theo? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: The Nation.

Trong cuộc phỏng vấn trên Ngoại trưởng Pompeo cũng lớn tiếng đe dọa sẽ trừng phạt bất cứ quốc gia nào dám ngăn cản nước này gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.

"Thế giới sẽ an toàn hơn nếu Iran không có cơ hội sở hữu các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga hay xe tăng của Trung Quốc, những loại vũ khí này sẽ là nguồn cơn gây ra sự bất ổn cho khu vực Trung Đông. Các quốc gia Vùng Vịnh và cả Israrel đều hoan nghênh việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran", Ngoại trưởng Pompeo cho biết.

Theo một số nhà quan sát, mất đi sự ủng hộ của Pháp, Anh và Đức trong Hội đồng Bảo an, Mỹ khó có thể đạt được điều mà họ muốn. Do đó, nhiều khả năng Washington sẽ chuyển "mũi dùi" sang Nga và Trung Quốc, bởi đây là hai quốc gia duy nhất trên thế giới sẵn sàng bán cho Iran các loại vũ khí tấn công tiên tiến.

Cụ thể, thay vì tiếp tục theo đuổi việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, Mỹ hoàn toàn có thể đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm Nga và Trung Quốc nếu các quốc gia này bán vũ khí cho Iran.

Còn về việc khởi động “quy trình đảo ngược”, đây là một phần trong thỏa thuận hạt nhân Iran còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết vào năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh Quốc, Mỹ và Đức). Về cơ bản quy trình này cho phép áp đặt thêm các lệnh cấm vận mới đối với Iran nếu nước này vi phạm các điều khoản của JCPOA.

Tuy nhiên, các nước tham gia JCPOA đều cho rằng Mỹ đã đánh mất quyền khởi động “quy trình đảo ngược” khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018. Về phần mình, Iran cho rằng họ không còn cần phải tuân theo các thỏa thuận JCPOA khi nhóm P5+1 không thực hiện cam kết nới lỏng các lệnh cấm vận đối với Tehran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại