Tàu ngầm Nga khoe sức mạnh "chưa từng thấy", đối thủ co rúm trước đòn hủy diệt: Bí kíp ở đâu?

Vy Lam |

Hải quân Nga đã nảy ra một sáng kiến mang lại cho họ lợi thế "chưa từng thấy" nếu xung đột.

Bắn ICBM xuyên qua lớp băng Bắc Cực

Theo nhà phân tích Michael Peck trên tạp chí Forbes (Mỹ), các tàu ngầm của Nga đã tìm ra cách bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) xuyên qua lớp băng dày ở Bắc Cực.

Cụ thể, chúng sẽ bắn đạn phá băng để tạo ra một lỗ thủng xuyên qua tảng băng, sau đó mới phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân qua lỗ này.

Thông thường, các tảng băng ở Bắc Cực chính là lớp ngụy trang cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Nga và Mỹ. Lẳng lặng giấu mình dưới lớp băng dày từ gần 2-5m, các tàu ngầm có thể tránh bị tàu mặt nước, máy bay hoặc tàu ngầm của đối phương phát hiện và tiêu diệt.

Nhưng nếu tàu ngầm bắt buộc phải bắn tên lửa thì sao? Việc bắn thẳng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn nhiệt áp xuyên qua lớp băng dày gần 5m có thể gây ra hậu quả đáng tiếc cho tên lửa, và thậm chí cả tàu ngầm.

Tàu ngầm Nga khoe sức mạnh chưa từng thấy, đối thủ co rúm trước đòn hủy diệt: Bí kíp ở đâu? - Ảnh 1.

Một cuộc diễn tập của tàu ngầm Nga ở Bắc Cực. Nguồn: RIA Novosti

Các kỹ thuật phóng tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm (SLBM) hiện nay còn nhiều hạn chế. "Tất cả các tàu ngầm hạt nhân này phải hoạt động trong bất kỳ tình huống nào và không bị phụ thuộc vào điều kiện môi trường" – Phó Đô đốc Vsevolod Khmyrov, một cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân, nói với tờ Izvestia.

"Ngay sau khi nhận lệnh phóng, chúng [các tàu ngầm] buộc phải thực thi càng sớm càng tốt. Lớp băng dày không nên trở thành một trở ngại của chúng. Tạo ra các hố băng là một kỹ thuật khôn khéo, cho phép vụ phóng tên lửa diễn ra đúng thời điểm cần thiết.

Mặc dù tàu ngầm có thể dùng thân tàu để húc thủng lớp băng nhưng nó sẽ có nguy cơ bị hư hại trong quá trình này. Vì thế, trong trường hợp thời gian cho phép, các tàu ngầm tên lửa thường tìm kiếm những lỗ băng đã có sẵn hoặc bơi ra bên ngoài rìa tảng băng" – ông Khmyrov cho hay.

Tàu ngầm Nga khoe sức mạnh chưa từng thấy, đối thủ co rúm trước đòn hủy diệt: Bí kíp ở đâu? - Ảnh 2.

Tàu USS Toledo lớp Los Angeles từng xuyên thủng lớp băng dày 40cm trên biển Beaufort, phía Bắc Alaska. Ảnh: Daily Mail

Vấn đề khi nổ ra chiến tranh hạt nhân đó là tàu ngầm không có đủ thời gian để bơi ra ngoài rìa tảng băng và tìm kiếm vị trí phóng. Hành động đó chỉ tạo cho đối phương có thêm thời gian để xác định vị trí và phá hủy con tàu trước khi nó kịp phóng tên lửa.

Do vậy, Hải quân Nga đã nảy ra một sáng kiến: bắn một quả rocket trang bị đầu đạn nổ mạnh để tạo ra một lỗ thủng xuyên qua lớp băng, rồi phóng tên lửa đạn đạo qua lỗ đó.

Những quả đạn đặc biệt này đang được Hải quân Nga phát triển cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Borei và lớp Yasen. Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra vào mùa hè năm 2014 với những quả rocket không mang đầu đạn.

Các nhà nghiên cứu ban đầu bắn rocket không gắn đầu đạn với niềm tin rằng lực va chạm mạnh có thể khiến viên đạn xuyên được qua lớp băng nhưng, giờ đây, những quả rocket đó đã được gắn thêm đầu đạn nổ mạnh.

Điều thú vị là, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hải quân Nga từng tìm cách tạo ra các lỗ thủng xuyên qua lớp băng bằng những loại ngư lôi thông thường. Tuy nhiên, "chúng không tỏ ra hiệu quả như kỳ vọng", Izvesita cho hay, nhưng không hé lộ thêm chi tiết nào.

Lợi thế trong cuộc xung đột ở Bắc Cực

Theo đánh giá của chuyên gia Michael Peck, rất may là cơ hội để tàu ngầm Nga có dịp bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân [đồng nghĩa với việc Thế chiến III bắt đầu] khá thấp. Tuy nhiên, khả năng bắn tên lửa xuyên qua lớp băng dày của nó có thể có nhiều ứng dụng thực tiễn hơn đối với các cuộc xung đột quy mô hạn chế và ít mang tính hủy diệt.

Tàu ngầm Nga khoe sức mạnh chưa từng thấy, đối thủ co rúm trước đòn hủy diệt: Bí kíp ở đâu? - Ảnh 3.

Tàu ngầm Nga bắn tên lửa Bulava. Ảnh: TASS

Các tàu ngầm hiện đại ngày nay được trang bị tên lửa hành trình. Bên cạnh đó, cả Mỹ và Nga đều đang có kế hoạch trang bị cho tàu ngầm các loại vũ khí siêu vượt âm. Mặc dù những vũ khí này có thể được mang đầu đạn hạt nhân nhưng nhiều khả năng chúng sẽ mang đầu đạn thông thường.

Trong bối cảnh băng Bắc Cực đang tan dần và các lỗ hổng bắt đầu xuất hiện trên những tảng băng thì các quốc gia như Nga, Mỹ, Trung Quốc và Canada đều đang khao khát tìm kiếm các tuyến đường vận tải biển mới và những nguồn khoáng sản có thể tiếp cận được.

Điều đó làm gia tăng nguy cơ các quốc gia đối thủ bước vào một cuộc xung đột hạn chế trên mảnh đất Bắc Cực. Khi ấy, quốc gia nào sở hữu những tàu ngầm có thể vừa giấu mình dưới lớp băng, vừa bắn được tên lửa hành trình chống tàu/tấn công mặt đất và tên lửa siêu vượt âm sẽ có được lợi thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại