Giải mã nguyên nhân Israel là "kẻ bất bại" trong các cuộc chiến ở Trung Đông

Đức Trí |

Trung Đông là khu vực “đẫm máu” nhất thế giới do chiến tranh liên miên, Israel là quốc gia chưa bao giờ thất bại trong các cuộc chiến tại khu vực này.

Kể từ khi thành lập nhà nước vào năm 1948, Israel đã có 4 cuộc chiến tranh quy mô lớn và nhiều cuộc xung đột vũ trang có quy mô khác nhau với các nước láng giềng trong khu vực.

Trong hơn 50 năm chiến tranh, Israel đã tích lũy kinh nghiệm phong phú trong việc huy động lực lượng và hình thành một mô hình huy động chiến tranh độc đáo, đây là nhân tố chính khiến Israel trở thành “kẻ bất bại” ở Trung Đông.

Giải mã nguyên nhân Israel là kẻ bất bại trong các cuộc chiến ở Trung Đông - Ảnh 1.

Israel có chế độ huy động lực lượng độc đáo. Nguồn: people.com.cn.

Hoàn thiện hệ thống huy động lực lượng trong thực tiễn chiến tranh

Lịch sử thành lập đất nước Israel có thể được coi là lịch sử chiến tranh. Vào ngày 14/5/1948, chỉ vài giờ sau khi thành lập Nhà nước Israel, cuộc chiến tranh Trung Đông đầu tiên đã nổ ra.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh này, Israel ở vào tình trạng không đủ lực lượng, các hành động quân sự liên tục thất bại. Sau khi có lệnh ngừng bắn kéo dài 4 tuần, Israel đã nhanh chóng huy động lực lượng, tích lũy sức mạnh, và cuối cùng đã giành chiến thắng.

Sau chiến tranh, Israel đã học tập mô hình huy động lực lượng toàn dân ở phương Tây, đặc biệt là Thụy Sĩ và bắt đầu thiết lập một hệ thống huy động lực lượng với quân đội thường trực là xương sống và lực lượng dự bị làm chủ lực. Năm 1959, Israel ban hành luật nghĩa vụ quân sự, chính thức thực hiện thể chế quốc phòng "toàn dân làm lính, huy động nhanh chóng".

Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư là dịp để Israel kiểm tra toàn diện hiệu quả của hệ thống huy động lực lượng của mình. Ngày 6/10/1973, quân đội Ả Rập với nòng cốt là Ai Cập và Syria, đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel.

Để đối phó với cuộc chiến bất ngờ này, Israel đã tiến hành huy động lực lượng dự bị quá giới hạn, với mức huy động tối đa hơn 400.000 người, chiếm gần 13% tổng dân số cả nước.

Trong vòng 52 giờ kể từ khi ban hành lệnh huy động, tất cả các lực lượng dự bị đã được huy động và đưa vào trận chiến, đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng cuối cùng. 80% các nhà máy công nghiệp, mỏ và doanh nghiệp phi quân sự của Israel đã bị đình chỉ hoặc ngừng hoạt động để sản xuất thiết bị chiến đấu.

Đồng thời, Israel cũng dựa vào Mỹ và các đồng minh để vận chuyển khoảng 23.000 tấn vật tư quân sự cho mình. Tổng thiệt hại của Israel do chiến tranh chiếm tới 80% GDP của năm đó.

Sau chiến tranh, Israel đã tiếp tục tăng thêm số lượng binh sĩ đang tại ngũ, rút ngắn thời gian hoàn thành việc huy động quân dự bị và tăng cường kiểm soát quy mô huy động tổng lực để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc này.

Giải mã nguyên nhân Israel là kẻ bất bại trong các cuộc chiến ở Trung Đông - Ảnh 2.

Phụ nữ cũng phải tham gia chế độ nghĩa vụ bắt buộc ở Israel. Nguồn: people.com.cn.

Xây dựng cơ chế động viên phù hợp với yêu cầu của chiến tranh

Israel thực hiện một cơ chế huy động lực lượng trong đó thủ tướng là lãnh đạo cao nhất, toàn bộ nội các phân chia thành từng mảng, chủ yếu bao gồm: Cơ quan ra quyết sách huy động, cơ quan điều hành và cơ quan giám sát.

Cơ quan ra quyết sách huy động là Ủy ban Quốc phòng, Ủy ban này do thủ tướng chủ trì, với các thành viên như tổng thống, thủ tướng và các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, nội vụ, tài chính cùng với Tổng tham mưu trưởng và một số cố vấn đặc biệt.

Cơ quan điều hành huy động do các đơn vị có liên quan của Nội các chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ huy động chiến tranh được giao bởi cơ quan ra quyết định cao nhất. Các cơ quan giám sát huy động chủ yếu bao gồm quốc hội, nội các và bộ phận tư pháp.

Chế độ huy động lực lượng của Israel chủ yếu bao gồm: Chế độ kế hoạch huy động, chế độ nghĩa vụ quân sự, chế độ huy động lực lượng vũ trang, chế độ huấn luyện quân sự toàn dân, chế độ đăng ký nguồn nhân lực và vật chất, chế độ huy động công nghiệp và chế độ phòng thủ nhân dân.

Cùng với đó, Israel đã xây dựng hơn 20 bộ luật liên quan đến công tác “toàn dân làm lính, động viên toàn quốc”, trong đó điển hình là Luật quốc phòng, Luật nghĩa vụ, Luật động viên dự bị, Kế hoạch dự trữ dự bị, Đại cương huấn luyện dự bị.

Theo luật của Israel, 3 lần/ năm, tất cả công dân (trừ phụ nữ không phải là người Do Thái và tất cả đàn ông Ả Rập), ngoại trừ vì lý do tôn giáo và sức khỏe, không phân biệt giới tính, phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ở độ tuổi 18.

Sau khi tốt nghiệp trung học, trước tiên họ phải phục vụ như một người lính và sau đó đi học đại học, vì vậy hàng năm có hơn 90% đàn ông và 50% phụ nữ trong độ tuổi đi học phải nhập ngũ, thời gian 24 tháng với đàn ông và 21 tháng với phụ nữ.

Nếu học các ngành do quân đội yêu cầu thì có thể ký hợp đồng với quân đội để hoãn nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho đến khi tốt nghiệp. Công dân sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ được chuyển sang chế độ dự bị, chế độ này sẽ kết thúc khi đàn ông đạt độ tuổi 51 và phụ nữ là 38. Một số sĩ quan vẫn là binh lính dự bị cho đến khi 60 tuổi.

Giải mã nguyên nhân Israel là kẻ bất bại trong các cuộc chiến ở Trung Đông - Ảnh 3.

Công nghiệp quốc phòng là một trong những trụ cột kinh tế của Israel. Nguồn: people.com.cn.

Kiên trì mô hình động viên kết hợp quân với dân, thời bình với thời chiến

Chiến lược an ninh quốc gia Israel quyết định lý luận và thực tiễn động viên chiến tranh. Học thuyết an ninh quốc gia của Israel bao gồm 4 nguyên tắc: Thất bại là mất nước, phòng thủ tích cực, coi trọng việc sử dụng các biện pháp phi quân sự để tăng cường khả năng răn đe tránh chiến tranh, đánh nhanh thắng nhanh.

Theo đó, Israel đã bắt đầu con đường phát triển động viên chiến tranh kết hợp giữa thời bình và thời chiến, quân sự và dân sự.

Với lực lượng thường trực là xương sống, lực lượng dự bị là chủ lực, cùng xây dựng cùng sử dụng. Ở Israel, lực lượng dự bị mới là chủ lực của lực lượng quân sự, là lực lượng chính trong việc xây dựng quốc phòng, mà không phải là “phụ kiện” của bộ đội đang tại ngũ.

Nhiệm vụ chính của bộ đội đang tại ngũ ở Israel là: Làm nòng cốt trong hoạt động huấn luyện cho lực lượng dự bị trong thời bình, ngăn chặn và trì hoãn các cuộc tấn công của kẻ thù trong thời chiến, giành thời gian cho việc huy động và tập hợp lực lượng dự bị.

Tư duy xây dựng quốc phòng của Israel và mô hình huy động chiến tranh đã làm cho quốc gia này giành chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột kể từ khi thành lập quốc gia.

Nhìn chung, hệ thống huy động chiến tranh của Israel vẫn sẽ ổn định trong tương lai, tuy nhiên lực lượng dự bị sẽ được thu nhỏ lại và cấu trúc để đáp ứng nhu cầu của môi trường an ninh mới. Đồng thời, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ tiếp tục tăng cường hội nhập quân sự-dân sự để tạo nền tảng vững chắc cho việc huy động công nghiệp trong chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại