Pháp cứu Nga ở Libya: Không có Paris, Ngài Putin "cơ bắp" sẽ ê chề với TT Erdogan?

Bảo Lam |

Với những diễn biến mới nhất ở Libya, Mỹ sẽ phải hài lòng. Cả Ngài Macron "đầy ngạo nghễ" sẽ bị xỏ mũi, lẫn Ngài Putin "cơ bắp" sẽ khốn khổ với những gì do TT Erdogan gây ra.

Trong bài viết mang tựa đề "В Ливии русские солдаты оказались в турецком котле - Binh lính Nga tại Libya đang rơi vào gọng kìm của Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia người Nga Alexander Sitnikov đã bình luận về sự tham gia của các "ông lớn" Nga, Pháp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước "có máu mặt" khác tại quốc gia Bắc Phi này.

Cuộc chiến sát phạt lẫn nhau

Ngày 10/7, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya (National Oil Corporation Libya - NOCL) đã bãi bỏ tình trạng bất khả kháng đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô.

Tại cảng Es-Sidr đã bắt đầu công tác xếp hàng gồm 730 nghìn thùng dầu thô lên chiếc tàu dầu Kriti Bastion, mà sau đó sẽ được vận chuyển tới Ý, một trong những khách hàng tiêu thụ chính sản phẩm dầu thô của Libya.

NOCL sẽ nhận được tiền thanh toán, nhưng không phải qua tài khoản của Ngân hàng Trung ương ở Tripoli và đang bị kiểm soát bởi Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Nếu như hoạt động xuất khẩu dầu thô của Libya đạt tới sản lượng trước khi xảy ra chiến tranh, thì NOCL có thể kiếm được 6,5 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, theo lời ông Mustafa Sanall, chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ quốc gia: "NOCL đang phải thêm các chi phí phục vụ cho việc tu sửa thiết hại về hạ tầng".

Có vẻ như những thông tin về việc trong giai đoạn đông-xuân của cuộc nội chiến, các đường ống dẫn, kho chứa và thậm chí cả những giếng dầu của NOCL chịu thiệt hại lớn, không phải là "tin vịt".

Vào thời kỳ hoàng kim, Libya đã khai thác được cả triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng hiện giờ con số này chỉ là 90 nghìn.

Nhưng một cuộc chiến sát phạt lẫn nhau đang diễn ra giữa GNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Halifa Haftar được Nga và Pháp đứng chống lưng, để tranh giành lượng khai thác khiêm tốn này.

Tướng Haftar tạm thời vẫn đang kiểm soát "vùng lưỡi liềm dầu mỏ", nhưng ông ta phải dừng giao dịch vào tháng 1/2020 để "đáp trả sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ".

Hiện nay, tạm thời thoả thuận về chính trị tại Libya không thể đạt được, nhưng có vẻ như các bên cùng đi đến thống nhất rằng việc tiêu diệt NOCL sẽ không có lợi cho bất cứ phe nào. Không ai biết được sự hoà hoãn trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ kéo dài bao lâu. Tất cả chờ đợi một trận chiến quyết định để giành lấy thành phố Sirte.

Pháp cứu Nga ở Libya: Không có Paris, Ngài Putin cơ bắp sẽ ê chề với TT Erdogan? - Ảnh 2.

Chiến sự Libya đang ở bước ngoặt mới.

"Ngài Putin cơ bắp" sẽ khốn khổ với những gì do TT Erdogan gây ra?

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đẩy nhanh công tác huấn luyện các học viên quân sự của Libya để gây dựng đội ngũ chỉ huy lực lượng GNA.

Đồng thời, GNA cố gắng chứng tỏ với toàn bộ thế giới "một bộ mặt đầy tính nhân văn" khi bắt giữ một kẻ dường như từng chiến đấu trong hàng ngũ của IS có tên là Sassi Al-Makni. Điều này nhằm mục đích chỉ ra rằng Tripoli vẫn đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chứ không bắt tay với nó.

Tướng Haftar cũng không khoanh tay đứng nhìn và tập trung các lực lượng của mình tại khu vực Sirte để bảo vệ thành phố chiến lược này trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lãnh thổ phía đông của Libya. Ông ta cũng nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài.

Theo thông tin của South Front, "một vài binh lính được cho là của Nga đã xuất hiện tại thành phố Sohnakh, gần căn cứ không quân Jufra".

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tín hiệu gửi về từ Libya cho thấy Nga sẽ không ra mặt. Tướng Haftar ban đầu sẽ nhìn về phía Paris, còn sau đó là về phía Moscow. Nhưng có dấu hiệu tích cực nhất định đối với Nga trong vấn đề này.

Ankara hiện nay công khai gọi Pháp là "kẻ thù số 1" trên mặt trận Libya, còn "những người Nga đơn giản chỉ là các lính đánh thuê thuộc Công ty Wagner Group vốn đang sát cánh cùng LNA bảo vệ hạ tầng của NOCL trước cả "Hồng quân" lẫn "Bạch vệ".

Việc tiêm kích MiG-29 và máy bay ném bom Su-24 không rõ xuất xứ thực hiện những không kích nhằm vào các lính đánh thuê người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Libya cũng được coi như những mưu đồ của Ai Cập.

Pháp cứu Nga ở Libya: Không có Paris, Ngài Putin cơ bắp sẽ ê chề với TT Erdogan? - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-29 do Nga chế tạo đã có mặt tham chiến ở Libya.

Nếu như mới đây thôi, sự tham gia của Nga bên phe tướng Haftar được phương Tây coi như sự can thiệp nguy hiểm của Ngài Putin "cơ bắp" tại Libya, thì từ giờ người Mỹ lại cố gắng bằng mọi giá hạ thấp vai trò của Nga, mà "đang thọc tay vào bất cứ chỗ nào".

Washington gần như không muốn tình hình ổn định dưới sự bảo trợ của Nga tại đất nước này. Vấn đề ở chỗ ngày càng có nhiều lời buộc tội đổ lên đầu Mỹ vì việc châm ngòi cho những cuộc nội chiến tại Iraq, Syria, Yemen và Libya.

Tại Libya tình hình nói chung đang có diễn biến rất kinh khủng, trong khi dưới thời cố Tổng thống Gaddafi mọi thứ từng tốt hơn. Sau khi ông bị sát hại một cách dã man, tổ chức "Anh em Hồi giáo" được Ankara hậu thuẫn, đã đứng lên cầm quyền. Thế nhưng các bộ trưởng ngồi yên vị tại Tripoli và không kiểm soát đất nước.

Moscow, cùng với Cairo, đã ủng hộ tướng Haftar, người đã hứa sẽ đưa chủ quyền quốc gia trở lại cho Libya. Ông đã ngay lập tức thiết lập được trật tự ở Benghazi và phía đông Libya.

Tướng Hafatr chỉ còn mục tiêu cuối cùng là đánh chiếm Tripoli, nơi đang là "sào huyệt" của nhiều đội quân bản địa và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Chính chúng, chứ không phải các đơn vị chính quy của GNA, đã phản kháng mạnh mẽ nhằm vào LNA.

Và tới đây thì Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ phản đối quân đội Haftar, khi đẩy lui lực lượng này sang phía đông. Thậm chí những người Mỹ còn gọi sự tham gia của TT Erdogan tại Libya là bảo vệ trực tiếp "Anh em Hồi giáo", mà cũng giống như Ankara, đang rất thèm khát dầu mỏ.

Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào sự cô lập về chính trị. Nga, Pháp, UAE, Ai Cập, Hi Lạp, Cộng hòa Síp và Israel đã lên án sự can thiệp của Ankara vào Libya. Trong bối cảnh này, Tổng thống Putin đang ra tay giúp ông Erdogan, khi thi thoảng nói điện đàm với ông ta.

Đối với Macron - Tổng thống Pháp, Erdogan không xứng đáng để bắt tay. Người đứng đầu nhà nước Pháp kêu gọi trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì những tội ác quân sự tại Libya, cũng như việc ủng hộ Các lực lượng dính líu tới những vụ khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố: "Liên minh châu Âu đã rất nhanh chóng mở cuộc thảo luận mang tính toàn diện, không có bất cứ điều cấm kỵ và vô nghĩa nào, về triển vọng của các mối quan hệ trong tương lai với Ankara".

Về bản chất, Paris thẳng thừng đóng sập cánh cửa gia nhập EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia mà có nhiều kẻ không muốn thấy mặt tại châu Âu vì làn sóng người nhập cư.

Nga đang né tránh vấn đề này, nhưng chính Pháp, khi đưa khoảng 5 nghìn binh lính của mình tới Libya hồi năm 2013, đã chặn đứng bước tiến của tổ chức "Anh em Hồi giáo" do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và các tổ chức khủng bố khác từ Libya đến Sahel, khu vực xuyên qua các quốc gia như Burkina Faso, Mauritius, Mali, Niger và Chad.

Sau đó, lại chính là Paris đã mang lại cho tướng Haftar địa vị chính trị trên thế giới, mà bằng cách này đã tuyên bố cuộc chiến gián tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cần lưu ý rằng người Thổ đã không can thiệp vào Sahel, nhưng nếu Erdogan ủng hộ quân sự đối với các phần tử Hồi giáo cực đoan, thì theo ý kiến của các chuyên gia Viện Các nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington (The International Institute for Strategic Studies - IISS) thì "lớp băng mỏng dưới chân Macron sẽ vỡ vụn".

Sự ê chề tại châu Phi và sự thất bại toàn tập về chính trị ở trong nước sẽ chờ đợi ông ta.

Pháp cứu Nga ở Libya: Không có Paris, Ngài Putin cơ bắp sẽ ê chề với TT Erdogan? - Ảnh 5.

Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo.

Ông Erdogan biết điều này, nhưng không ra lệnh "đối nghịch" để không đẩy mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngõ cụt. Đồng thời, thực ra người Pháp chỉ hô hào và giơ nắm đấm hù doạ.

Hiện nay, theo nghiên cứu của IISS, chỉ có hai quốc gia đang chiến đấu với người Thổ tại Libya. UAE hỗ trợ tài chính và thông tin cho Haftar.

Còn Nga sử dụng những công nghệ tiên tiến của các chiến dịch đặc biệt, cũng như những chuyên gia của Wagner Group, để bảo vệ hạ tầng dầu mỏ và các căn cứ không quân mà những máy bay tiêm kích MiG-29 và Su-24 không rõ của Nga hay Ai Cập dùng để cất cánh.

Pháp cũng nhận trách nhiệm không để phương Tây can thiệp vào cuộc chiến uỷ nhiệm chống Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Paris tin chắc rằng không có mình, Nga đã bị "đánh cho tơi bời" tại Libya. Kiểm soát để người Mỹ không thể ra tay có cái giá khá đắt.

Tuy nhiên, ông Erdogan bắt đầu "nổi điên" với TT Macron. Điều này được chứng tỏ bằng việc các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã bao vây khinh hạm của Pháp đang nỗ lực bắt giữ một chiếc tàu chở vũ khí trên đường tới Libya bất chấp lệnh cấm buôn bán vũ khí.

Các chuyên gia IISS, căn cứ vào những thông tin tình báo của Lực lượng tình báo quân sự Mỹ, chắc chắn rằng hiện nay người Thổ đang có ưu thế không thể tranh cãi tại Libya. Trận chiến giành Sirte đã bị chặn đứng bởi TT Erdogan, nhưng chỉ để tăng cường cho lực lượng quân đội do ông ta kiểm soát.

Nếu Ankara quyết định tấn công, thì LNA và các chuyên gia quân sự Nga sẽ rơi vào gọng kìm và sau đó sẽ phải bỏ mạng bởi tương quan lực lượng quá không cân sức.

Căn cứ vào tất cả những điều này, người Mỹ sẽ phải hài lòng với diễn biến tình hình. Cả Ngài Macron "đầy ngạo nghễ" sẽ bị xỏ mũi, lẫn Ngài Putin "cơ bắp" sẽ khốn khổ với những gì do TT Erdogan gây ra.

Còn việc Libya sẽ tiếp tục lún sâu vào thời kỳ Trung cổ hãi hùng hơn nữa cũng chẳng khiến cho Washington phải bận tâm. Sân chơi chính trị quy mô lớn, cần phải có những mất mát to lớn, và chắc chắn không phải là của phía Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại